(VOV5) - Với vai trò đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ, nhất là trong hội nhập kinh tế quốc tế
Phụ nữ là lực lượng quan trọng chịu nhiều ảnh hưởng trên các lĩnh vực khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập. Điều này đòi hỏi mỗi phụ nữ cần phải trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết trong giai đoạn mới. Với vai trò đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ, nhất là trong hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời là cầu nối để thúc đẩy các hoạt động của phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài. Nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, VOV5 phỏng vấn bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội LHPNVN) về những nội này:
Nghe âm thanh tại đây:
PV: Cảm ơn bà đã tham gia cuộc phỏng vấn của Đài TNVN. Thưa bà, hội nhập quốc tế đang tác động sâu rộng tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó phụ nữ là lực lượng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Bà có đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Bà Trần Thị Hương: Chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta được thực hiện nhất quán suốt thời gian qua. Hội nhập quốc tế mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam cũng như đặt ra nhiều thách thức. Phụ nữ Việt Nam chiếm trên một nửa dân số có đóng góp quan trọng. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn coi trọng và đổi mới các hoạt động đối ngoại, góp phần xứng đáng vào công tác đối ngoại nhân dân của Việt Nam, vào phong trào phụ nữ trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.
Hội LHPN Việt Nam xác định trách nhiệm phải hỗ trợ phụ nữ Việt Nam hội nhập trên nguyên tắc bao trùm, toàn diện. Hội tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ và cộng đồng về hội nhập quốc tế, phát triển bền vững; Tham gia phổ biến luật pháp quốc tế, xây dựng và giám sát việc thực hiện các luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ trong hội nhập; Tăng cường hợp tác giáp biên với các đối tác phụ nữ nước láng giềng; Thúc đẩy và nâng cao vị thế của phụ nữ Việt Nam và của Hội trên các diễn đàn quốc tế.
Sắp tới, Hội dự kiến ban hành Nghị quyết của BCH Trung ương Hội về hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030, tạo tiền đề vững chắc để Hội cùng với các cấp các ngành triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ hội nhập chủ động và hiệu quả hơn nữa. Bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các tổ chức như Hội thì bản thân chị em cần nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế.
PV: Nhiều năm qua, Hội phụ nữ đã triển khai khá nhiều dự án phát triển cộng đồng với các tổ chức quốc tế. Trong bối cảnh Việt Nam đang gia nhập nhiều Hiệp định thương mại quốc tế, Hội sẽ hỗ trợ phụ nữ thế nào để tận dụng được hết lợi thế của các hiệp định kinh tế quốc tế trong thời gian tới?
Bà Trần Thị Hương: Việc gia nhập các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại nhiều cơ hội cũng như đặt ra không ít thách thức cho Việt Nam, trong đó có phụ nữ. Từ phía bản thân chị em cần chủ động nâng cao trình độ, tay nghề và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Về phía mình, Hội tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về hội nhập kinh tế, đóng góp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ; Thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của phụ nữ vào kinh tế số: nâng cao nhận thức của chị em về chủ trương chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột trong đó có kinh tế số; tầm quan trọng của kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch COVID-19; tham gia đào tạo kỹ năng số và hỗ trợ phụ nữ tham gia chuyển đổi số, chuẩn hoá sản xuất, kinh doanh... Cảnh báo sớm cho phụ nữ về thách thức khi tham gia kinh tế số như các hành vi lợi dụng internet, thương mại điện tử để lừa đảo, kinh doanh trá hình và các hành vi vi phạm pháp luật; Phát triển các mạng lưới hỗ trợ phụ nữ hội nhập kinh tế và đề xuất, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách liên quan tới phụ nữ trong hội nhập; quan tâm phối hợp với các tổ chức đại diện người lao động để bảo vệ quyền lợi của lao động nữ trong bối cảnh thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của đội ngũ cán bộ Hội các cấp là một yêu cầu vô cùng quan trọng để có thể hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập kinh tế.
PV: Hội đã thể hiện vai trò kết nối của mình đối với phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài như thế nào, đặc biệt là bảo vệ cho phụ nữ Việt khi làm việc ở nước ngoài và khi kết hôn?
Bà Trần Thị Hương: Hội đã tích cực kết nối, động viên chị em hướng về quê hương,đồng thời là cầu nối giữa Việt Nam với nước sở tại. Hội chủ động cập nhật thông tin, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm công tác Hội, cung cấp tài liệu tham khảo và bước đầu hướng dẫn chị em thành lập tổ chức phụ nữ...Tổ chức các sự kiện, diễn đàn PNVNONN để chị em chia sẻ kinh nghiệm trong công việc và cuộc sống,kết nối với nhau và với Hội. Hội đã phối hợp với Uỷ ban Người VN ở nước ngoài tổ chức Hội nghị PNVNONN năm 2013;tổ chức một số sự kiện cho cô dâu Việt ở Hàn Quốc như chương trình giao lưu văn hóa “Chúng ta là một”, Về thăm quê ngoại.
Bà Trần Thị Hương, phó Chủ tịch Hội LHPNVN.-Ảnh: phunuonline |
Có những hình thức khen thưởng kịp thời ghi nhận những nỗ lực của chị em trong các hoạt động vì phụ nữ và vì cộng đồng. Hội ra mắt trang thông tin điện tử PNVNONN (do Báo Phụ nữ Việt Nam vận hành). Trang tin đã hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ nguồn thông tin, tư liệu phong phú, thiết thực đối với PNVNONN, đặc biệt là hỗ trợ lao động nữ, các cô dâu Việt và nữ du học sinh và nhận được phản hồi tốt từ PNVN ở các nước. Hội ký kết Văn bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Gia đình và Bình đẳng giới Hàn Quốc nhằm nâng cao quyền năng của phụ nữ và đặc biệt là lành mạnh hóa quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài; ngoài ra Hội thực hiện các dự án thí điểm mô hình hỗ trợ hôn nhân, hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ... Hội cũng bước đầu tham gia xử lý các trường hợp khẩn cấp liên quan đến việc vi phạm quyền lợi của PNVNONN.
Nhà Xuất bản Phụ nữ đã xuất bản 5 cuốn làm dâu tại Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Đài Loan nhằm chia sẻ kinh nghiệm, lời khuyên cho các chị em lấy chồng và sinh sống ở nước ngoài. Hội PN một số tỉnh thành có các mô hình, hoạt động hỗ trợ hôn nhân quốc tế như như CLB “Tư vấn cộng đồng hệ lụy có con lấy chồng nước ngoài”, CLB Hữu nghị thân nhân kiều bào Hàn Quốc. Hội hỗ trợ vốn, tiếp cận tín dụng cho lao động nữ trước và sau khi lao động ở nước ngoài. TW Hội và Hội Phụ nữ một số tỉnh tổ chức khám bệnh và tặng quà cho phụ nữ và trẻ em kiều bào nghèo ở Lào và Campuchia. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác PNVNONN, phát huy hơn nữa vai trò của chị em, đặc biệt là trí thức, doanh nhân ở nước ngoài, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để bảo vệ quyền lợi của chị em phụ nữ.
PV: Ngày 20-10 hàng năm là ngày kỷ niêm của Hội LHPNVN. Bà có điều gì nhắn nhủ tới toàn thể phụ nữ Việt Nam không:
Bà Trần Thị Hương: Năm nay, Hội kỷ niệm 90 năm, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi các thế hệ lãnh đạo hội, tặng động viên chị em, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội LHPNVN, tôi muốn gửi tới toàn thể phụ nữ Việt Nam ở trong nước và nước ngoài lời chúc sức khỏe, chúc các chị em sức khỏe, có cuộc sống hạnh phúc, may mắn, hanh thông, thuận lợi.
Xin trân trọng cảm ơn bà