Kiều bào góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản

(VOV5) - "Chúng tôi tập trung vào những doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên có thể đem đến hiệu quả tức thì".

Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản có gần 600 nghìn người, là cộng đồng người Việt ở người nước ngoài lớn thứ 2 trên thế giới. Đây sẽ là lực lượng tiêu dùng và quảng bá các thương hiệu, sản phẩm của Việt Nam ở Nhật Bản và cùng chung tay thúc đẩy xúc tiến thương mại giữa hai đất nước.

Trước thực tế đó, hồi đầu tháng 7 năm nay, Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài  phối hợp với Hiệp hội xúc tiến hợp tác kinh tế Việt - Nhật tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm xúc tiến thương mại Việt - Nhật và Câu lạc bộ doanh nhân Việt - Nhật. Các tổ chức này có vai trò kết nối và tiếp nhận yêu cầu từ phía Nhật Bản và tổ chức giao thương giữa doanh nghiệp và các địa phương của hai đất nước.

Về nội dung này, phóng viên Đài TNVN phỏng vấn chị Lê Thương, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Việt Nhật, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ doanh nhân Việt – Nhật, và anh Trần Trung Kiên - Tổng thư ký Hiệp hội xúc tiến hợp tác kinh tế Việt - Nhật. 

Kiều bào góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản - ảnh 1Các khách mời của chương trình

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

 

PV: Mới đây, Trung tâm xúc tiến thương mại Việt Nhật và Câu lạc bộ doanh nhân Việt Nhật đã được thành lập – ghi nhận dấu mốc quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản. Chị Lê Thương vừa mới nhận nhiệm vụ là Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Việt Nhật và Phó Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nhân Việt Nhật. Chị có thể chia sẻ suy nghĩ của mình khi các tổ chức này ra đời?

Chị Lê Thương: Tôi rất hạnh phúc và may mắn khi được Hội Liên lạc với người VN ở nước ngoài bổ nhiệm những chức danh này. Việc ra đời của Trung tâm xúc tiến thương mại Việt Nhật và Câu lạc bộ doanh nhân Việt Nhật có ý nghĩa rất lớn. Giữa VN và Nhật Bản đã nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược, và từ đó rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Thông qua nhiều kênh, nhưng có những doanh nghiệp nhỏ mong muốn có mối liên hệ trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp VN tại Nhật Bản. Chính vì vậy, chúng tôi đã thành lập nên Câu lạc bộ doanh nhân Việt Nhật nhằm tương tác gần hơn với các nhà đầu tư nhỏ, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp VN có cơ hội tiếp cận được với các doanh nghiệp tại Nhật Bản.

PV: Khi các tổ chức này ra đời, theo chị sẽ mang lại tác dụng như thế nào cho doanh nghiệp của 2 nước?

Chị Lê Thương: Các tổ chức này thì sẽ không nói tới quy mô lớn nhưng những doanh nghiệp đầu tư của Nhật Bản với quy mô nhỏ có thể tiếp cận thị trường Việt Nam một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất thông qua đối ngoại nhân dân, giao lưu nhân dân ở phía cộng đồng người VN tại Nhật Bản. Hiện tại tôi cũng là Phó Chủ tịch Hội người VN tại Nhật Bản nên network cũng khá lớn với cộng đồng người VN tại Nhật Bản cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. Vì thế có thể phối hợp và hợp tác nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn, thay vì với những doanh nghiệp lớn vì chúng ta sẽ cần rất nhiều thời gian để khảo sát thị trường để quyết định đầu tư. Ở đây, chúng tôi tập trung vào những doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên có thể đem đến hiệu quả tức thì.

PV: Còn về phía đầu cầu Nhật Bản thì sao, anh Trần Trung Kiên? Với cương vị Tổng thư ký Hiệp hội xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, anh có thể cho biết Hiệp hội đã ra đời từ bao giờ và những hoạt động nổi bật đến nay?

Anh Trần Trung Kiên: Trong năm nay, chúng tôi đã hoàn thành việc đăng ký pháp nhân cho Hiệp hội tại Nhật Bản, tuy nhiên việc xúc tiến thương mại giữa hai nước thì cách đây khoảng 3 năm chúng tôi đã triển khai rồi, tuy chỉ dưới dạng các doanh nghiệp tự làm chứ chưa đăng ký pháp nhân. Tuy mới thành lập nhưng có sự đóng góp khá tốt cho hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ví dụ như trong chuyến đi vừa rồi, chúng tôi đã xúc tiến cho nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cùng đoàn nghị sỹ Nhật Bản qua thăm và làm việc với một số tỉnh tại Việt Nam. Với việc thành lập nên Hiệp hội kinh tế xúc tiến hợp tác Việt Nam Nhật Bản này thì không chỉ đưa những doanh nghiệp Nhật Bản vào VN đầu tư mà rất mong sẽ đưa các doanh nghiệp VN có thể tiếp cận thị trường Nhật Bản và đưa các sản phẩm VN đến với thị trường và con người Nhật Bản. Bên cạnh việc xúc tiến kinh tế, chúng tôi cũng mong muốn sẽ lan tỏa nhiều hơn văn hóa VN đến với người dân Nhật Bản.

PV: Vậy các vị khách mời có thể chia sẻ về tiềm năng hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước Việt – Nhật?

Chị Lê Thương: Tôi đánh giá rất cao tiềm năng giữa doanh nghiệp hai nước. Hiện nay, tùy theo nhu cầu của từng doanh nghiệp của hai bên, có thể muốn đầu tư hoặc thành lập các nhà máy hay đưa sản phẩm vào thị trường của nhau. Tôi cũng đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp của Nhật đưa sản phẩm vào thị trường VN, ví dụ như thực phẩm chức năng. Hiện nay ở VN nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng rất lớn, nhưng vấn đề nguồn gốc xuất xứ cũng rất nan giải. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đưa sản phẩm về thông qua đại lý, sẽ thành lập luôn văn phòng đại diện tại Việt Nam. Đó là một cơ hội đến gần hơn với người tiêu dùng. Ngoài việc thúc đẩy giữa các doanh nghiệp, chúng ta quan tâm đến người tiêu dùng – họ sẽ nhận được những sản phẩm, những công nghệ tiên tiến của Nhật Bản một cách trực tiếp với nhà sản xuất chứ không còn phải qua những đơn vị trung gian. Dĩ nhiên tôi không nhận xét là thông qua đơn vị trung gian thì không tốt, nhưng ở đây tôi đang nhấn mạnh là đối với nhà đầu tư hay các doanh nghiệp sản xuất ở đầu Nhật Bản đang dần tiếp cận với thị trường VN thông qua hình thức trực tiếp. Để làm được điều đó, người ta cần qua một đơn vị có uy tín ở trong nước. Ngoài việc thông qua những đơn vị lớn, chúng ta có thể hỗ trợ họ thông qua các tổ chức như Trung tâm xúc tiến thương mại Việt Nhật chẳng hạn.

Anh Trần Trung Kiên: Xin được nói tiếp câu chuyện của chị Lê Thương về các sản phẩm thực phẩm chức năng đưa vào thị trường VN. Theo tôi được biết, trên thị trường hiện tại có nhiều thực phẩm chức năng “made in Japan” nhưng lại không phải do các đơn vị uy tín của Nhật Bản đưa về mà là do các đơn vị mới, chưa quản lý tốt về chất lượng cũng như sản phẩm. Vì vậy chúng tôi mong muốn kết nối nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hơn để đưa những sản phẩm thực sự tốt của Nhật về cho người tiêu dùng VN. Đồng thời, thông qua Hiệp hội, chúng tôi cũng mong muốn sẽ dưa sản phẩm của VN đạt chất lượng qua thị trường Nhật Bản để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển kinh tế thương mại giữa hai quốc gia. Phần nữa, thông qua Hiệp hội chúng tôi cũng nâng cao hơn nữa mối quan hệ hiuwx nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.

PV: Ngay trong buổi lễ ra mắt Trung tâm xúc tiến thương mại Việt Nhật và Câu lạc bộ doanh nhân Việt Nhật có thể thấy nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, và bên cạnh đó là những doanh nhân Việt đang sinh sống và kinh doanh tại Nhật Bản. Vậy có thể khẳng định vai trò của kiều bào đối với việc thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản là rất quan trọng!

Chị Lê Thương: Đúng vậy, vai trò của kiều bào rất lớn trong việc các hoạt động về kinh tế, văn hóa, giao lưu giữa VN và Nhật Bản. Chúng tôi sẽ đóng góp cho quê hương thông qua ngoại giao nhân dân. Ngoài những chương trình xúc tiến của Nhà nước thì chúng tôi là những đơn vị trực tiếp có mối quan hệ với chính quyền địa phương, với các doanh nghiệp Nhật Bản và các tổ chức, cá nhân. Chúng tôi đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản nên chúng tôi hiểu được cách làm việc của người Nhật Bản, và vì thế chúng tôi có thể chia sẻ với các doanh nghiệp cũng như Hiệp hội của Nhật Bản để họ có cái nhìn rõ nhất khi họ muốn đầu tư vào VN. Và ngược lại, đối với các doanh nghiệp VN muốn đưa sản phẩm sang thị trường Nhật Bản cũng vậy, bởi chúng tôi hiểu rõ ở Nhật họ cần sản phẩm gì, cần nguyên liệu gì. Thay vì cần thời gian tìm hiểu rất mất thời gian thì qua sự chia sẻ của chúng tôi, hai bên có thể triển khai luôn.

Anh Trần Trung Kiên: Tôi đã sinh sống và làm việc tại Nhật Bản tới nay là 18 năm. Sau chặng đường dài tiếp cận và tìm hiểu, tôi hiểu được nhu cầu của người Nhật đối với các sản phẩm đến từ VN. Ví dụ, người Nhật Bản rất thích thực phẩm VN, nhưng họ vẫn còn nhiều đắn đo khi lựa chọn bởi thuốc bảo vệ thực vật. Có nhiều người Nhật thích ăn bánh phở, bánh mỳ VN, nhưng nhiều người hỏi tôi tại sao đồ ăn VN ngon thế mà đến nay mới chỉ có 2 loại này đến với Nhật Bản? Thực sự tôi rất tâm huyết với việc đưa nông sản VN qua Nhật Bản  nhiều hơn. Tôi cũng đang hỗ trợ cho một vài doanh nghiệp VN đưa cà phê, trà qua Nhật, và đặc biệt là hay một số mặt hàng thủy sản của VN.

PV: Vâng, xin cảm ơn các vị khách mời đã đến với chương trình.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác