Lao động nông nghiệp Việt Nam sang Australia làm việc với mức lương hấp dẫn

(VOV5) - Người lao động có thể thông qua website của Cục Quản lý ngoài nước tránh tình trạng đi theo các tổ chức, cá nhân mà không được phép tuyển chọn không hợp pháp khiến người lao động vừa mất tiền mà lại không đi được.

Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam vừa công bố triển khai thực hiện hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo Chương trình Di chuyển lao động giữa Australia và Việt Nam.

Theo chương trình, Chính phủ Australia sẽ cho phép tối đa 1.000 lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại Australia tại cùng một thời điểm. Vị trí việc làm của người lao động Việt Nam chỉ yêu cầu có kỹ năng nghề thấp đến bán lành nghề trong ngành nông nghiệp như trồng trọt, chế biến thịt, thủy sản (bao gồm nuôi trồng thủy sản) và lâm nghiệp. Phóng viên Hà Nam phỏng vấn ông Phạm Viết Hương, phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) về nội dung này.

Lao động nông nghiệp Việt Nam sang Australia làm việc với mức lương hấp dẫn - ảnh 1 Ông Phạm Viết Hương, phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 

PV:  Thưa ông, để tham gia chương trình, người lao động sẽ phải đảm bảo các điều kiện gì?

Ông Phạm Viết Hương: Chương trình đặc thù phối hợp giữa Chính phủ 2 nước Australia và Việt Nam, trong đó quy định rất rõ về tiêu chí đối với người lao động tham gia chương trình. Một trong các tiêu chí đó là người lao động đủ 21 tuổi trở lên và độ tuổi thì không yêu cầu giới hạn tối đa. Ngoài ra thì người lao động phải đạt trình độ tiếng Anh tối thiểu Ietls 4.0 trở lên. Nếu chứng chỉ Ietls 4.0 và dưới 5.0 thì chứng chỉ đó thì trong thời hạn 12 tháng. Còn nếu người lao động có chứng chỉ tiếng Anh 5.0 trở lên thời hạn trong vòng 24 tháng. Đây là chương trình không yêu cầu trình độ nghề cao trong lĩnh vực nông nghiệp.

PV:  Vậy doanh nghiệp nào sẽ được lựa chọn để tham gia chương trình thưa ông?

Ông Phạm Viết Hương: Việc tuyển chọn các doanh nghiệp thì phía Việt Nam và Australia sẽ tuyển chọn tối đa 6 doanh nghiệp tham gia chương trình cùng với Trung tâm lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động Thương binh Xã hội. Về tiêu chí tuyển chọn thì công bố công khai doanh nghiệp tham gia. Về quy trình thì doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện thì Cục quản lý lao động ngoài nước sẽ chọn 10 đến 20 doanh nghiệp, sau đấy gửi hồ sơ cho phía Australia lựa chọn tối đa 6 doanh nghiệp. Khi mà phía Australia chọn được 6 doanh nghiệp thì sẽ công bố công khai danh sách các doanh nghiệp và Trung tâm lao động ngoài nước tham gia chương trình. Và doanh nghiệp nào không có tên trong danh sách đó thì tuyệt đối không được tuyển chọn lao động theo chương trình này.

Hiện nay, nếu người lao động đủ điều kiện muốn tham gia chương trình thì sẽ đăng ký với các doanh nghiệp mà được phép đó là tối đa 6 doanh nghiệp tham gia cùng với Trung tâm lao động ngoài nước. Và sắp tới, Cục quản lý lao động ngoài nước sẽ phối hợp với phía Australia sẽ công bố danh sách 6 doanh nghiệp này. Vì vậy, người lao động đủ điều kiện, khi có nguyện vọng tham gia chương trình sẽ đăng ký với Trung tâm lao động ngoài nước hoặc 1 trong các doanh nghiệp mà được phía Australia và Việt Nam chấp thuận.

PV:  Thưa ông, ngoài việc đáp ứng các điều kiện về trình độ, lý lịch, độ tuổi ra thì người lao động tham gia chương trình phải đóng những khoản phí như thế nào và mức lương mà họ được hưởng sẽ ra sao?

Ông Phạm Viết Hương: Theo Thỏa thuận giữa hai Chính phủ thì phía người sử dụng lao động sẽ chi trả tối thiểu 300 đô tiền vé máy bay. Tại thời điểm mà người lao động xuất cảnh, chi phí vé máy bay cao hơn thì người đó phải bù vào phần cao hơn. Còn người lao động không phải trả chi phí dịch vụ cho các doanh nghiệp phái cử. Ngoài ra thì người phải chi trả các chi phí khác: Thứ nhất là học tiếng Anh để đạt trình độ tiếng Anh theo yêu cầu. Hai là khám sức khỏe hay việc làm các thủ tục lý lịch tư pháp, hộ chiếu hoặc các chi phí ăn, ở trong thời gian học tiếng Anh để trình độ tiếng Anh theo yêu cầu.

Về điều kiện làm việc thì người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp như chăn nuôi hay hoa quả và điều kiện làm việc nói chung như người Australia và mức lương tính theo lương Tuần là 915 đô/tuần fulltime thì tính tháng ra thì cũng là mức lương tương đối cao so với các trường khác. Còn các điều khiển khác thì hai bên đã đưa vàp một thỏa thuận và thống nhất về điều kiện lao động cho người lao động Việt Nam giống như người Australia. Như vậy thì người lao động đạt được phúc lợi tương đối cao.

PV:  Vậy khi nào danh sách 6 doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ được công bố, thưa ông?

Ông Phạm Viết Hương: Theo lộ trình ngày 16/9 đến 20/09, Cục Quản lý lao động ngoài nước  nhận hồ sơ của doanh nghiệp tham gia. Sau đó, Cục quản lý lao động ngoài nước nước sẽ căn cứ vào tiêu chí, điều kiện và 2 bên thống nhất lựa chọn khoảng 10 đến 20 doanh nghiệp đủ điều kiện. Sau đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ gửi cho phía Australia và tham vẫn các cơ quan liên quan để lựa chọn tối đa 6 doanh nghiệp. Khi hai bên thống nhất được sẽ công bố công khai 6 doanh nghiệp này và thời điểm chúng tôi cố gắng sớm nhất có thể.

Về phía Việt Nam chúng tôi cũng thúc đẩy cố gắng trước cuối năm nay bắt đầu triển khai được chương trình. Và khi người lao động đã có các thông tin về các doanh nghiệp tham gia thì người lao động có thể thông qua website của Cục Quản lý ngoài nước hoặc trực tiếp liên hệ với Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) để biết các doanh nghiệp nào sẽ tham gia, tránh tình trạng đi theo các tổ chức, cá nhân mà không được phép tuyển chọn không hợp pháp khiến người lao động vừa mất tiền mà lại không đi được.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác