Mọi người Việt Nam hãy đoàn kết, hướng về quê hương

(VOV5) - Xa quê đã nhiều năm, sống ở  bang New South Wales, Australia,  nơi   có đông cộng đồng người Việt, ông Ngô Bá luôn mong muốn tạo được sự đoàn kết giữa kiều bào xa quê với đất nước. Ông Ngô Bá cho rằng, điều đó không chỉ tạo sức mạnh cho chính cộng đồng ở nước sở tại, mà còn góp phần gắn bó với quê hương.  


Mọi người Việt Nam hãy đoàn kết, hướng về quê hương - ảnh 1

Ông Ngô Bá trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam


Nghe nội dung phỏng vấn tại đây:


Ông Ngô Bá: Tôi sinh trưởng ở Bến Tre và lớn ở Bến Tre, tôi qua đây đượch 37 năm, không bao giờ quên được quê hương. Thành ra, dù sinh ở Miền Nam, Miền Trung hay Miền Bắc,  tôi mong kêu goi tất cả người Việt trên thế giới hướng về quê hương, đem quyền lợi về xây dựng cho tổ quốc Việt Nam.

PV: Tại sao bác lại có điều mong ước ấy?

Là bởi vì tôi là người Việt Nam. Tôi sinh trưởng ở Việt nam, lớn lên ở Việt Nam, ăn cơm, ăn gạo, uống nước sông ngòi Việt Nam mới có ngày hôm nay. Thành ra tư tưởng và suy nghĩ cũng ảnh hưởng từ điều đó.

PV: Những người Việt khác ở bên này có suy nghĩ như thế không ạ?

Ông Ngô Bá: Tại vì mỗi người một suy nghĩ, gia đình khác nhau. Tôi lớn lên trong một gia đình lao động thành ra cái gì cũng hướng tới sự thật thà, chân chính. Mình không nghĩ đến những thứ đi ngược lại lợi ích của đại đa số những người xung quanh. Gia đình tôi qua đây được 37 năm, công ăn việc làm cũng đầy đủ. Mấy đứa con lớn khôn, trưởng thành. Cái quan trọng nhất là cha mẹ, tất cả những việc làm, hành động của mình đều tác động đến con cái.

PV: Theo bác, để truyền nối, để gìn giữ nét đạo đức của người Việt khi sống xa quê hương có gì khác không ạ?

Ông Ngô Bá: Nếu mình dạy chúng theo cách thật thà, biết giữ gìn thì con cái cũng giữ được sự thật thà đó, hướng về đạo đức làm người. Mình sinh trưởng ở Việt Nam, các con sinh trưởng ở bên Australia, nhưng ai hỏi các con cũng trả lời một cách tự hào: tôi là người Việt Nam, tôi yêu Việt Nam.

PV: Quá trình để con cháu bác giữ gìn những nét văn hóa Việt như bác nói có mất thời gian không, có khó khăn không ạ?

Ông Ngô Bá: Các cháu nhà tôi đi làm thì nói tiếng Anh, nhưng về nhà lại nói tiếng Việt. Chúng tôi cũng hướng dẫn các cháu về Việt Nam để chúng thấu hiểu được cuộc sống của người Việt Nam và nó dễ thông cảm với đất nước Việt Nam khi phải trả qua bao nhiêu năm chiến tranh, bây giờ mới gầy dựng lại, làm sao bằng so với nước khác người ta đã có quá trình phát triển hàng trăm năm. Nhưng từ từ Việt Nam sẽ sánh vai được với các nước khác, chứ không thể một sớm một chiều. Mình phải uống nước nhớ nguồn, phải biết mình, cho nên dù ở đâu vẫn hướng về Việt Nam.

PV: Bác ở đây cũng được gần 40 năm rồi. Bác có nhận định gì về cộng đồng người Việt mình so với các cộng đồng di dân khác ở Australia?

Ông Ngô Bá: Câu hỏi này rất tế nhị nhưng cũng rất linh hoạt. Người Việt ở đây có nhiều khác biệt. Nhưng quan trọng nhất là người Việt Nam có ý thức được đường dài của mình hay không. Mỗi người Việt Nam qua đây với hoàn cảnh khác nhau, nếu họ thấy quyền lợi của đất nước, của dân tộc, của nhân dân đa số là quan trọng thì họ có cách hành xử phù hợp. Bỏ qua một bên những cá nhân, những nhóm có ý kiến khác biệt.

PV: Sự khác biệt trong cộng đồng tác động như thế nào đến vị thế, vai trò của người Việt ở đây?

Ông Ngô Bá: Theo tôi nghĩ, nếu người Việt Nam nhận thức được vai trò, vị trí của mình, mình là ai, và người ta sẽ đánh giá mình như thế nào nếu không đoàn kết, đó mới là điều quan trọng. Chứ cứ làm những việc này, việc khác chống đối nhau không đi đến đâu cả. Tôi chỉ mong là người Việt hãy cùng nhau góp sức xây dựng nước Việt nam đàng hoàng hơn.

PV: Xin cảm ơn bác.  

Phản hồi

Các tin/bài khác