Nguồn lực tài chính quốc tế góp phần vào thành tựu phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam

(VOV5) - Chúng ta có thể tăng cường sức mạnh trong cuộc chiến chống lại HIV/AIDS và đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

Việt Nam được thế giới ghi nhận là một trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh dịch AIDS vào năm 2030, việc đảm bảo nguồn lực tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Trong thời gian qua Việt Nam đã hết sức nỗ lực để huy động các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước phục vụ cho công cuộc phòng chống HIV/AIDS, trong đó có nguồn hỗ trợ không hoàn lại từ Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và sốt rét. Nhân tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2022, Đài TNVN phỏng vấn Tiến sĩ  Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam về những nỗ lực trong huy động nguồn lực quốc tế cũng như thành tựu trong công tác phòng chống HIV/AIDS.

Nguồn lực tài chính quốc tế góp phần vào thành tựu phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam - ảnh 1Tiến sĩ  Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam 

   Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:       

 PV: Thưa TS Angela Pratt, trong những năm qua Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể trong công tác phòng, chống HIV với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Quỹ Toàn cầu Phòng chống AIDS, lao và sốt rét. Vậy bà đánh giá như thế nào về sự hỗ trợ, đóng góp của nguồn lực tài chính này vào công cuộc phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam?

TS Angela Pratt:  Kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên năm 1990, Việt Nam đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong công cuộc phòng chống HIV và đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Đây là nhờ có sự cam kết chính trị mạnh mẽ và sự lãnh đạo của chính phủ, đặc biệt là Bộ Y tế, sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội dân sự và sự hỗ trợ đáng kể từ cộng đồng quốc tế.

Quỹ Toàn cầu Phòng chống AIDS, lao và sốt rét là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong những nỗ lực này và đã hỗ trợ Việt Nam từ năm 2004 trong việc tăng cường công tác dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV. Mặc dù trong vài năm gần đây, Việt Nam đã chuyển giao từ việc phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các nhà tài trợ sang nguồn lực tài chính trong nước nhiều hơn, đặc biệt cho việc điều trị. Quỹ Toàn cầu vẫn đóng một vai trò thực sự quan trọng trong chương trình phòng chống HIV quốc gia bao gồm xét nghiệm, dự phòng, điều trị HIV và tăng cường hệ thống y tế. 

Với sự hỗ trợ từ nguồn lực tài chính này, từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 6 năm nay, 16.000 người đồng nhiễm HIV/HCV và người điều trị Methadone đã được cấp thuốc viêm gan C miễn phí và 96% trong số họ đã khỏi bệnh. Và cuối cùng, Quỹ Toàn cầu đã thực sự đi đầu trong cách tiếp cận bao trùm trong việc xây dựng chính sách cũng như cung cấp dịch vụ với sự tham gia của nhóm quần thể đích trong quá trình xây dựng các quyết định về chính sách và chiến lược quan trọng, để đảm bảo rằng các chính sách và chương trình HIV có thể đến được với tất cả mọi người có nhu cầu.

PV: Việc triển khai cơ chế điều phối quốc gia hay còn gọi là CCM sẽ giúp ích gì cho công cuộc huy động nguồn lực quốc tế trong phòng chống HIV/AIDS, thưa bà?

TS Angela Pratt: Cơ chế Điều phối Quốc gia hay còn gọi là CCM bao gồm đại diện của tất cả các ngành tham gia ứng phó với dịch bệnh gồm nhiều nhóm khác nhau – chẳng hạn như các trường đại học, các tổ chức xã hội dân sự, chính phủ, các đối tác phát triển đa phương và song phương và quan trọng là cả những người bị ảnh hưởng trực tiếp và sống chung với HIV, lao và sốt rét. CCM là một phần vô cùng quan trọng trong quan hệ đối tác của Quỹ Toàn cầu, đóng vai trò chính trong việc xác định các ưu tiên cho khoản đầu tư của Quỹ vào các quốc gia, và sau đó giám sát việc thực hiện các khoản đầu tư này để đảm bảo chúng được sử dụng hiệu quả và hiệu suất nhất, nhằm đạt được tác động thực sự cho các cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi ba bệnh.

Việt Nam có một CCM rất tích cực và gắn kết, làm việc chặt chẽ với Đơn vị nhận viện trợ chính – là các tổ chức tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của Quỹ Toàn cầu. Công việc của CCM bao gồm cả thực hiện các chuyến giám sát thường xuyên, đồng thời tổ chức đối thoại với các cơ quan chính quyền cấp tỉnh và cộng đồng để đảm bảo các hoạt động do Quỹ tài trợ được triển khai theo kế hoạch và giúp đỡ những người gặp khó khăn nhất.

PV: Để duy trì những thành tựu đã đạt được trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, theo bà, Việt Nam cần hướng tới những mục tiêu gì?

 TS Angela Pratt:  Nhờ những nỗ lực của các bạn, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kinh ngạc trong công cuộc phòng chống HIV, trong 20 năm qua, ước tính khoảng 960.000 ca nhiễm HIV đã được ngăn ngừa. Và Việt Nam đang đúng tiến độ trên con đường loại trừ HIV không còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng vào năm 2030. Để đạt được điều đó, chúng ta cần phát huy những tiến bộ đạt được trong vài thập kỷ qua, đặc biệt tập trung vào việc tăng cường các nỗ lực dự phòng – cụ thể là những nỗ lực nhắm tới những người trẻ và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, đây là nhóm hiện đang có nguy cơ cao nhất.

Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm nay của WHO là 'Bình đẳng hóa' - điều này có nghĩa là mọi người phải được đối xử bình đẳng và có quyền tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ HIV bất kể họ sống ở đâu, tuổi tác, giới tính hay xu hướng tính dục của họ. Vì vậy, nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2022, tôi xin chúc mừng Việt Nam vì những nỗ lực và thành tựu đáng ghi nhận trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS, đồng thời tôi xin cảm ơn sự hỗ trợ to lớn từ Quỹ Toàn cầu và các đối tác phát triển khác đang nỗ lực chấm dứt HIV ở Việt Nam.

Bằng cách tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau, chúng ta có thể tăng cường sức mạnh trong cuộc chiến chống lại HIV/AIDS và đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

Xin cám ơn TS  Angela Pratt về cuộc phỏng vấn này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác