(VOV5) - Số người được phát hiện nhiễm HIV chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ và có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây.
2 năm trở lại đây, số ca nhiễm mới HIV gia tăng, mỗi năm có thêm hơn 13 nghìn ca, chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ.
Do vậy, chủ đề của Lễ mít tinh do Bộ Y tế tổ chức sáng 26/11 tại tỉnh Bắc Ninh, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12) năm nay là “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”.
Buổi lễ mít tinh, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ngày Thế giới phòng chống AIDS. Ảnh: baophapluat.vn |
Hiện nay, xu hướng dịch HIV đang thay đổi từ hình thái lây nhiễm chủ yếu từ đường máu sang lây qua đường tình dục. Số người được phát hiện nhiễm HIV chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ và có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Có tới 50% số ca nhiễm HIV được phát hiện ở nhóm dưới 29 tuổi. Do vậy không thể kết thúc được đại dịch AIDS nếu không có sự tham gia của các bạn trẻ.
Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh: “Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đặt ra ba mục tiêu 95-95-95 đó là: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; và 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm nhất là để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Dịch HIV rất có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS”.
Theo Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS, Việt Nam đã đạt kết quả ấn tượng khi đã có gần 90% số người điều trị ARV được chi trả từ nguồn bảo hiểm y tế và có hơn 95% những người điều trị ARV được xét nghiệm tải lượng HIV thường xuyên đã đạt được tải lượng dưới ngưỡng ức chế. Những thành quả này cần được củng cố vững chắc hơn nữa để tránh trường hợp dịch HIV tái bùng phát như đã thấy ở một vài quốc gia trong khu vực.