Sức mạnh mềm của văn hóa Việt trong kỷ nguyên mới

(VOV5) - Thờ cúng tổ tiên ông bà đã trở thành một phong tục, là chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc làm người, thể hiện được tấm lòng thành kính, hướng về cội nguồn.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 là một ngày lễ thiêng liêng, thể hiện lòng tri ân tổ tiên của người dân Việt Nam. Dù sống ở nơi đâu, vào dịp này, mọi người đều nhớ về quê hương, về gia đình và cội nguồn của mình. Trong trái tim mỗi người con đất Việt, dù cho mọi thứ có biến đổ,i theo sự tất yếu của tiến trình phát triển thì quê hương vẫn luôn là “miền nhớ” thiêng liêng nhất. Niềm tự hào dân tộc “Đẹp lắm!, Tôi là người Việt Nam” đã trở thành động lực cho nhiều người Việt sống xa quê hương, nỗ lực phấn đấu vươn lên và thành công trong cuộc sống. Biết ơn tổ tiên, nhớ về nguồn cội chính lúc mỗi người tự nhắc nhở bản thân về trách nhiệm của mình với gia đình, với quê hương đất nước. Đó là những chia sẻ của PGS, TS Trần Lê Hưng trong cuộc trò chuyện với phóng viên VOV5.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 

PV: Xin cảm ơn PGS, TS Trần Lê Hưng đã tham gia trò chuyện cùng chương trình. Nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Anh cảm nhận như thế nào về câu nói “Cây có cội,sông có nguồn”, Văn hóa- mạch nguồn dân tộc” tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc?

PGS, TS Trần Lê Hưng: Vâng, xin cảm ơn chị đã dành cho tôi cơ hội đặc biệt này để được chia sẻ cùng các thính giả VOV nhân dịp ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/3. Với câu hỏi này, tôi nghĩ rằng không chỉ cá nhân mình mà rất nhiều người Việt Nam, từ khi sinh ra đã được đều thấm nhuần tinh thần, triết lý: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn” qua các câu ca dao, lời ru, dạy bảo của ông bà, cha mẹ. Đây là văn hóa, truyền thống tốt đẹp được ông cha ta hun đúc, gìn giữ qua hàng nghìn năm và cũng các giá trị của câu nói này còn lại đến tận ngày hôm qua, không chỉ qua sự kiện được tổ chức như Giỗ Tổ Hùng Vương hay ngày Thương Binh, Liệt sĩ – tri ân các anh hùng đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà còn qua các hành động trong cuộc sống hàng ngày như con cháu mừng tuổi,  biếu quà tặng các bậc cao niên trong gia đình.

Sức mạnh mềm của văn hóa Việt trong kỷ nguyên mới - ảnh 1PGS.TS Trần Lê Hưng, giảng viên Trường Kỹ sư Paris (EIVP), Đại học Gustave Eiffel (UGE) tại Pháp; thành viên Ban Chủ nhiệm Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu. - Ảnh: NVCC

Có thể nói, tất cả hành động của chúng ta hiện nay đến từ hai chữ “biết ơn”. Chúng ta có ngày hôm nay là nhờ cảm ơn nhờ nhiều yếu tố tác thành: gia đình, xã hội, con người, giáo dục, v…v… Do đó, truyền thống này cũng là mạch nguồn dân tộc, là sợi chỉ kết nối văn hóa tốt đẹp, kết nối lịch sử, kéo các thế hệ gần lại với nhau, cùng nhìn về một hướng và tôi tin rằng, những giá trị truyền thống tốt đẹp này sẽ được lưu truyền mãi mãi. Hơn nữa, “văn hóa soi đường quốc dân đi”, do đó, văn hóa đẹp sẽ làm cuộc sống tinh thần, hành động của mỗi người dân sẽ đẹp hơn và xã hội chúng ta cũng sẽ văn minh hơn khi cái đẹp được lan tỏa rộng rãi. Từ đó tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc, điều này luôn được minh chứng, hiển hiện một cách rõ ràng hiện nay qua những clip lan truyền trên mạng về hành động “lá lành đúm lá rách”, người dân hỗ trợ, tương trợ nhau qua những hoạn nạn, khó khăn, thiên tai.

Sức mạnh mềm của văn hóa Việt trong kỷ nguyên mới - ảnh 2Lễ giỗ Tổ Hùng Vương 2025 tại CH Pháp.- Ảnh: NVCC

Ví dụ như, tôi xúc động với hình ảnh những chiếc ô tô đi qua cầu chậm lại, che chắn bão cho xe máy di chuyển hay các tấm lòng tương thân, tương ái, đồng hành hỗ trợ ủng hộ cùng nhau khắc phục hậu quả thiên tai khi nước ta oằn mình chống đỡ của cơn bão Yagi năm vừa qua. Vì vậy, sức mạnh đoàn kết dân tộc sẽ là cơ sở tốt để chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng, hướng tới những một xã hội tốt đẹp, một xã hội văn minh, phát triển, thịnh vượng và đoàn kết cũng là tiền để để bảo vệ an ninh, quốc phòng, toàn vẹn lãnh thổ.

PV: Người Việt Nam trọng lễ nghĩa, hiếu thảo với cha mẹ, với ông bà tổ tiên, với nguồn gốc của mình. Do đó, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cần được gìn giữ để nuôi dưỡng ngọn lửa tự hào, đoàn kết dân tộc. Anh có thể chia sẻ thêm góc nhìn của mình về điều này?

PGS, TS Trần Lê Hưng: Văn hóa Việt Nam chúng ta có tín ngưỡng rất đẹp, đó là thờ cúng tổ tiên và thờ tiên là phần không thể thiếu trong mỗi gia đình, không phân biệt giàu nghèo hay địa vị xã hội. Thờ cúng tổ tiên chính là toàn bộ các hình thức lễ nghi, cúng bái nhằm thể hiện tấm lòng thành kính, đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành và gây dựng nên cuộc sống cho con cháu – những người thuộc thế hệ đầu tiên của một dòng họ, với ông bà, cha mẹ đã qua đời.

Chúng ta có thể thấy là thờ cúng tổ tiên rất là linh thiêng, và dường như tổ tiên luôn dõi đường con cháu trong mọi hành động trong cuộc sống, ví dụ khi hai gia đình có việc hỉ thì cô dâu-chú rể, đôi nam nữ cũng phải thắp hương xin phép ông bà tổ tiên đôi bên trước khi làm lễ cưới. Còn khi gia đình có việc hiếu, ngày giỗ thì những phong tục, tập lệ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên càng được thể hiện rõ hơn.

Do đó, thờ cúng tổ tiên ông bà đã trở thành một phong tục, là chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc làm người, thể hiện được tấm lòng thành kính, hướng về cội nguồn; đồng thời là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Vì vậy, người Việt ta trọng lễ nghĩa, hiếu thảo với cha mẹ và có hiếu với ông bà tổ tiên, với nguồn gốc của mình. Những ví dụ trên cho thấy ở tín ngưỡng, phong tục thờ cúng tổ tiên ở quy mô nhỏ trong gia đình; tuy nhiên ở quy mô lớn hơn thì chúng ta có chung một nguồn gốc, giống nòi, uống chung nguồn nước một dòng song, cũng từ bọc trăm trứng mẹ Âu Cơ và bố Lạc Long Quân đẻ ra, tất cả chúng ta cùng sing sống dưới một mái nhà chung của 18 đời vua Hùng.

Do đó, câu ca dao : Dù ai đi ngược về xuôi /Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba đã nằm lòng hàng triệu người dân Việt Nam, là ngày mà toàn dân Việt Nam, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, cùng hướng về cội nguồn, tưởng nhớ bậc sinh thành, là cơ hội để biết bao người con xa xứ, xa quê, được tựu chung về, dân nén hương thành kính, tỏ lòng biết ơn sâu sắc với tổ tiên, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, cùng nhau đồng lòng xây dựng đất nước, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Sức mạnh mềm của văn hóa Việt trong kỷ nguyên mới - ảnh 3PGS, TS Lê Hưng tham dự các sự kiện ở Đại sứ quán Việt Nam tại Paris, Pháp. Ảnh: NVCC.

PV: Ở Pháp nơi anh đang sống thì người nước ngoài, họ nghĩ gì về con người và đất nước Việt Nam…. Và nhân dịp lễ Quốc tổ 10/3, Anh có tham gia trong cộng đồng bà con kiều bào các hoạt động hướng về quê hương không?

PGS, TS Trần Lê Hưng: Tôi cũng đang sinh sống, làm việc tại Pháp từ khi còn là sinh viên, nên tôi cũng có thời gian dài gắn bó với đất nước này. Nước Pháp là một quốc gia có mối liên hệ đặc biệt với Việt Nam, nay là đối tác chiến lược toàn diện.

Nước Pháp cũng là nơi mà chủ tịch Hồ Chí Minh  đặt chân đến đầu tiên trên con đường tìm đường cứu nước và hội người Việt tại Pháp cũng vinh dự là hội người Việt do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Do đó, trải qua hơn trăm năm hình thành và phát triển, cộng đồng người Việt Nam ở Pháp không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp ngày càng sâu sắc, thiết thực, thúc đẩy mối quan hệ giữa hai quốc gia trên nhiều khía cạnh khác nhau: văn hóa, thể thao, chính trị, xã hội, kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ. Ngoài hội người Việt nam ở Pháp thì chúng ta cũng còn rất nhiều hội đoàn khác đã thành lập. Mỗi hội đều mang màu sắc khác nhau, đóng góp khác nhau nhưng điểm chung là cùng nhau phát huy, lan tỏa những cái đẹp về văn hóa, tinh thần, con người Việt Nam ra với bè bạn quốc tế. Mỗi cá nhân người Việt là một đại sứ, đại diện cho hình ảnh con người Việt Nam. Và thực sự, cái đẹp của người Việt Nam chúng ta được bạn bè quốc tế, đặc biệt là các bạn Pháp ghi nhận.

Sức mạnh mềm của văn hóa Việt trong kỷ nguyên mới - ảnh 4Lễ Giỗ tổ Hùng Vương tại Cộng hòa Pháp

Cộng đồng người Việt Nam ở Pháp ngày càng có chỗ đứng trong xã hội sở tại. Ngày càng nhiều người Việt được làm việc trong các tổ chức, xã hội, cơ sở công lập trong bộ máy hành chính nhà nước Pháp. Nhân dịp lễ Quốc tổ 10/3 năm nay, Ủy ban nhà nước về người Việt nam ở nước ngoài, Bộ ngoại giao đã tổ chức đoàn đại biểu kiều bào về nước tham dự lễ giỗ tổ Hùng Vương tại Phú Thọ ngày 03 và 04/04, tuy nhiên vì vướng lịch công tác cá nhân nên tôi không tham gia được.

Năm nay, trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp cũng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào Chủ nhật. Trong chương trình sự kiện cũng có nghi lễ dâng hương và các tiết mục nghệ thuật đậm chất quê hương như hát múa xoan, đồng diễn Việt võ đạo. Đây không chỉ là sự kiện để tôn vinh truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, hướng về cội nguồn dân tộc, giữ gìn những giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam tại Pháp mà còn là cơ hội kết nối, giao lưu, lan tỏa những giá trị, hình ảnh đẹp của người Việt Nam tới bè bạn quốc tế.

Sức mạnh mềm của văn hóa Việt trong kỷ nguyên mới - ảnh 5PGS.TS Trần Lê Hưng và các thanh niên, trí thức Việt Nam tại Pháp tham dự sự kiện 95 năm thành lập Đảng. Ảnh: NVCC.

PV: Là một người trẻ đại diện cho tương lai của đất nước, Anh thấy mình cần có trách nhiệm như thế nào đối với đất nước, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng với hội nhập toàn cầu?

PGS, TS Trần Lê Hưng: Chúng ta thấy rằng đất nước đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Rất nhiều quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước đã được đưa ra không chỉ để thực hiện hai mục tiêu trăm năm mà còn hiện thực hóa ước mơ, khát vọng đưa đất nước phát triển, sánh ngang với các cường quốc năm châu của hàng triệu người dân Việt Nam. Do đó, trách nhiệm của người trẻ, thế hệ thanh niên như chúng tôi có thể nói là rất lớn bởi chúng tôi ý thức được nhiệm vụ cách mạng của thế hệ mình là đoàn kết, vững tin dưới lá cờ Đảng, nỗ lực phấn đấu hết mình, hoàn thiện bản thân, trau dồi chuyên môn, bồi dưỡng lý tưởng chính trị vì mục tiêu phát triển chung của đất nước, đưa đất nước hội nhập và phát triển.

Vì vậy, mỗi người trong thế hệ thanh niên chúng tôi, ngoài việc kế thừa những giá trị tốt đẹp, kiến thức văn minh nhân loại, những sản phẩm khoa học công nghệ đã phát triển thì cũng cần có những đột phá của riêng mình, mang tính cá nhân, để cùng phát huy sức sáng tạo, tạo động lực cho bánh xe dịch chuyển nhanh hơn nữa. Bên cạnh đó, do công tác trong ngành giáo dục nên tôi cũng đặc biệt quan tâm, chăm lo đến công tác giáo dục thế hệ trẻ, làm sao chúng ta có những thế hệ trẻ vừa hồng, vừa chuyên, sẵn sàng đảm nhận mọi nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới.

Sức mạnh mềm của văn hóa Việt trong kỷ nguyên mới - ảnh 6Lê Hưng tại sự kiện kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân VN tại Pháp. Ảnh: NVCC

PV: Có cơ hội tiếp cận với nhiều nền văn hóa khác nhau, người trẻ Việt cần biết làm thế nào kết hợp được giá trị truyền thống và hiện đại để sáng tạo, phát triển bản thân mà vẫn bảo tồn được cội nguồn văn hóa dân tộc? Quan điểm của Anh như nào về nội dung này?

PGS, TS Trần Lê Hưng: Như chị biết, văn hóa cũng có tính kế thừa và phát triển. Đây là một bài toán khó bởi trong sự phát triển chúng ta sẽ có nhiều yếu tố dẫn đến những truyền thống văn hóa bị lãng quên do những yếu tố chủ quan và khách qua. Trong thời hội nhập, giới trẻ thường đón nhận cái mới một cách dễ dàng hơn. Ví dụ như các bạn trẻ ru con bây giờ chắc ít người hát ru những câu như “con cò, cò bay lả, bay la, bay từ đồng ruộng bay ra cánh đồng” hay “con cò mà đi ăn đêm, đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”….thay vào đó sử dụng các clip video, nhạc, hoạt hình tiếng nước ngoài để dỗ trẻ con. Cùng với thời gian, người Việt mình cũng biết gìn giữ lại những phong tục truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời và dần dần bỏ được những hủ tục cũ kỹ, lạc hậu, ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe, v…v…

Sức mạnh mềm của văn hóa Việt trong kỷ nguyên mới - ảnh 7Toạ đàm sinh hoạt: Vai trò của trí thức Đảng viên tại Pháp
đóng góp cho phát triển Khoa học - Công nghệ của Việt Nam trong thời kỳ mới. Ảnh: NVCC.

Chúng ta thấy rằng việc kế thừa văn hóa là một bài toán khó. Có điểm rất sáng hiện nay là các nghệ sĩ trẻ đã đóng vai trò rất tốt trong việc gìn giữ giá trị truyền thống, bằng cách cách tân âm nhạc truyền thống. Nhiều video đã kết hợp khéo léo giữa chất liệu văn học, nghệ thuật, truyền thống lịch sử với nhạc Rap, điện tử sôi động và quan trọng hơn hết là được khán giả công chúng đón nhận, yêu thích và ghi nhận. Việc làm mới này đã có từ lâu rồi, tôi còn nhớ những năm 2008 khi ca sĩ Anh Khang – Tạ Quang Thắng trình bày ca khúc "Bèo dạt mây trôi" với phong cách khác lạ cùng đàn piano đã tạo ra hiệu ứng, làn sóng trong giới trẻ chúng tôi. Sau đó, chúng ta thấy rằng nhiều ca sĩ đã có những thành công nhất định khi đưa giai điệu, âm hưởng nhạc dân gian vào ca khúc hiện đại như Hoàng Thùy Linh với "Gieo quẻ", "see tình", "tứ phủ" v…v… hay ca nương Kiều Anh với "Cô đôi thượng ngàn", ca sĩ Hà Myo kết hợp hát xẩm với nhạc RAP và EDM có giai điệu trẻ trung, sôi động, hay gần nhất là sản phẩm Bắc Bling của ca sĩ Hòa Minzi kết hợp cùng nghệ sĩ Xuân Hinh.

Sự đan xen giữa xưa và nay tạo ra các sản phẩm âm nhạc mới, như cây cầu kết nối các thế hệ. Người thuộc thế hệ "xưa" vẫn cảm thấy khác lạ mà vẫn thân quen và thế hệ trẻ thích thú, tò mò hơn với giá trị truyền thống...Tuy nhiên, tôi cho rằng, các nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ trẻ cần phải có được cái tâm, kiến thức, hiểu biết nhất định về âm nhạc truyền thống để tạo ra các sản phẩm phù hợp, tránh chạy theo thị hướng hay có những biến tấu quá đà, bóp méo giá trị truyền thống, gây tác dụng ngược với cộng đồng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn anh.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác