Sản xuất bát đĩa từ mo cau ở Quảng Ngãi

(VOV5) - Mo cau vốn là phế phẩm nông nghiệp nhưng lại được anh Nguyễn Văn Tuyến ở  Quảng Ngãi “biến tấu” thành những sản phẩm hữu dụng như chén, đĩa, hộp đựng thức ăn, xuất khẩu sang nhiều nước. 

Nghe âm thanh phóng sự tại đây:

Công việc này không chỉ mang về nguồn thu lớn, tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Quảng Ngãi nổi tiếng là "xứ ngàn cau" khi sở hữu hơn 2.000ha, được trồng chủ yếu tại hai huyện Sơn Tây và Nghĩa Hành. Bình thường, người dân chỉ thu hoạch trái cau để bán cho thương lái, còn mo cau rơi rụng khắp nơi, bị xem là phế phẩm và không có giá trị kinh tế. Cách đây 5 năm, thấy mo cau bị người dân đốt đi rất lãng phí, anh Nguyễn Văn Tuyến (41 tuổi) trăn trở phải làm việc gì đó để biến chúng thành những sản phẩm có ích. Tìm tòi trên mạng, anh đọc được tài liệu về các sản phẩm thân thiện với môi trường làm từ mo cau ở Ấn Độ. Cuối năm 2019, anh Tuyến đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất tại huyện Nghĩa Hành.
Anh Tuyến cho biết:  Với tôi, mo cau không phải để bỏ đi mà đưa nó đúng vào giá trị sử dụng thì nó sẽ tạo ra được sản phẩm. Tôi biết đến mo cau từ rất lâu rồi, nó gắn liền với tuổi thơ của tôi. Hồi xưa, mọi người dùng làm quạt, gáo múc nước. Tôi thấy mo cau có thể làm ra bát đĩa nên nguyên cứu, tìm tòi và làm.”
Sản xuất bát đĩa từ mo cau ở Quảng Ngãi - ảnh 1Nguyễn Văn Tuyến đã trăn trở trong một thời gian dài để nghĩ cách biến mo cau thành những sản phẩm có ích. Ảnh: VTC News

Để có nguồn nguyên liệu, anh thu mua mo cau của người dân địa phương. Theo anh Tuyến, từ tháng 3 đến tháng 10 là thời gian mo cau rụng. Trung bình một ha cau cho khoảng 12.500 chiếc mo mỗi năm.

Anh Tuyến nói: “Để thu mua nguyên liệu từ bà con nông dân, tôi phải tổ chức thu mua làm sao để mọi người bán dễ dàng nhất. Đó là tạo ra những điểm thu mua mo cau ở vùng ven gần với chỗ của bà con nhất rồi mang về nhà máy. Về máy móc, tôi nhập từ nước ngoài về. Bây giờ, công ty đã chủ động về máy móc và sản xuất các sản phẩm bát đĩa từ mo cau tại Việt Nam.”

Mo cau sau khi thu gom được chà rửa sạch sẽ, ngâm nước cho mềm, để ráo và đưa vào khuôn ép nhiệt tạo hình thành chén, đĩa, thìa, muỗng, khay đựng thức ăn,... với đa dạng hình dáng, kích thước. Mo cau được ép trong khuôn tạo hình với thời gian 40 giây, ở nhiệt độ từ 80 đến 120 độ C. Tùy vào yêu cầu của khách hàng, cơ sở chế tạo các loại khuôn ép khác nhau. Do đó, chén, đĩa,... được ép ra có hình dáng đa dạng và có thể in được hình ảnh lên sản phẩm.

Thành phẩm mo cau khi sản xuất xong sẽ được diệt khuẩn bằng máy chiếu tia UV rồi đóng gói, gửi mẫu đi kiểm nghiệm theo quy định trước khi đưa ra thị trường. Các sản phẩm đủ độ chắc và không thấm nước, đóng gói trong bao nilon ép nhiệt nên có thể đựng thức ăn, trái cây, gia vị... Anh Tuyến chia sẻ: Mo cau có ưu điểm là rất cứng cáp. Trong quá trình sản xuất, không sử dụng bất kỳ hóa chất nào, có thể đựng đồ ăn nóng, lạnh, nước, và được sử dụng trong lò vi sóng. Đây là ưu điểm của mo cau so với các sản phẩm khác.”

Năm 2020, anh Tuyến mang các sản phẩm làm từ mo cau của mình đến các hội chợ để giới thiệu và nhanh chóng gây chú ý với nhiều đơn hàng. Đặc biệt, một hãng hàng không đã ký kết mua sản phẩm chén, đĩa mo cau để phục vụ cho hành khách ở khoang thương gia. Anh Tuyến cho biết: Tôi tham gia các Hội chợ, triển lãm ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tôi cũng đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử để người tiêu dùng biết nhiều hơn sau đó mua.”

Từ thành công này, giữa năm 2021, anh Tuyến tiếp tục mở rộng sản xuất. Hiện, cơ sở tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10-12 lao động địa phương, với thu nhập từ 200.000-240.000 đồng/ngày (tương đương 7-15 USD/ngày). Trung bình mỗi tháng, anh Tuyến cung cấp ra thị trường khoảng 500.000 sản phẩm chén, đĩa, khay ăn... bằng mo cau. Người tiêu dùng hoàn toàn tin tưởng vào độ sạch của các loại sản phẩm này. Anh Tuyến chia sẻ: Khi chế biến thực phẩm, tôi cần tìm bát đĩa đựng phải thân thiện với môi trường và tôi lựa chọn sản phẩm bát đĩa từ mo cau. Tôi thấy sản phẩm tốt, khách hàng cũng phản hồi tốt. Sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, phù hợp để đóng gói thức ăn đã chế biến.”

Sản xuất bát đĩa từ mo cau ở Quảng Ngãi - ảnh 2Chén, đĩa, khay có nguồn gốc từ mo cau sẽ được khử khuẩn, đóng gói trong bao nilon ép nhiệt. Vì không bị thấm nước nên chúng có thể đựng thức ăn, trái cây, mắm, muối,... Ảnh: VTC News

Anh Tuyến cũng cho biết: “Sản phẩm bát đĩa từ mo cau có ưu điểm gọn, nhẹ, thân thiện với môi trường. Giá thành sản phẩm hợp lý, phù hợp với túi tiền của những người làm kinh doanh như tôi. Du khách sau khi trải nghiệm sản phẩm ở cơ sở du lịch của tôi thì rất muốn mua sản phẩm này mang về dùng trong dịp cúng giỗ, lễ tết.”

Giá của các sản phẩm bằng mo cau chỉ từ 1.000-4.000 đồng/cái (tương đương 0,04-0,16 USD/cái) và có thể tái sử dụng. Đặc biệt, chúng rất thân thiện với môi trường nên được thị trường các nước rất ưa chuộng. Đến nay, các sản phẩm của anh Tuyến đã xuất khẩu sang các quốc gia, gồm Mỹ, Canada, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, giúp cơ sở có doanh thu hơn 2 tỷ đồng (tương đương 78.000 USD) mỗi năm.

Ngoài mo cau, anh Tuyến còn phát triển dòng sản phẩm bát, đĩa làm từ lá tra, một loại cây ven biển. Trong thời gian tới, anh Tuyến sẽ cố gắng giảm giá sản phẩm ở mức thấp nhất để tiếp cận người tiêu dùng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác