Tháng nhân đạo: Hành trình nhân đạo – Trao nhận yêu thương

(VOV5) - Mục tiêu hướng đến là sẽ vận động 400 tỷ đồng để trợ giúp cho 100.000 địa chỉ nhân đạo tại cộng đồng...

Tháng 5 - Tháng nhân đạo năm 2024 với chủ đề “Hành trình nhân đạo – Trao nhận yêu thương” được các cấp Hội chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực cho người dân khó khăn ở khắp mọi miền tổ quốc. Đặc biệt là hành trình về tỉnh Điện Biên nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Phóng viên Phương Thoa có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa để hiểu rõ hơn về các hoạt động trong Tháng nhân đạo năm nay.

PV: Tháng nhân đạo năm nay có chủ đề “Hành trình nhân đạo – Trao nhận yêu thương”, vậy Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có mong muốn và hướng tới những mục tiêu gì trong việc hỗ trợ ngày càng nhiều người dân khó khăn trên cả nước, thưa bà?

Bà Bùi Thị Hòa: Năm nay, chúng tôi chọn chủ đề “hành trình nhân đạo - trao nhận yêu thương” với mong muốn là hành trình này sẽ lan tỏa rộng rãi đến mọi tầng lớp trong xã hội cả trong và ngoài nước nữa để làm sao chúng ta thực sự đưa tháng nhân đạo trở thành tháng cao điểm toàn dân làm nhân đạo. Mục tiêu chúng tôi hướng đến là sẽ vận động 400 tỷ đồng để trợ giúp cho 100.000 địa chỉ nhân đạo tại cộng đồng và cùng với các địa chỉ nhân đạo này, chúng tôi cũng tập trung cho việc xóa nhà tạm, xóa nhà dột nát, tập trung xây dựng những bếp ăn bán trú cho các điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tập trung hỗ trợ cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn.

Tháng nhân đạo: Hành trình nhân đạo – Trao nhận yêu thương - ảnh 1Bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Cùng với những mục tiêu đấy, chúng tôi cũng tiếp tục truyền thông để lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa. Thông điệp về hiến máu nhân đạo hiến mô tạng thể người và thực hiện thông điệp cho đi là còn mãi. Tháng nhân đạo năm nay, trong không khí hân hoan của cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, vì vậy, chúng tôi cũng chọn điểm hẹn của các hoạt động là thành phố Điện Biên Phủ.

PV: Như bà vừa chia sẻ, chuỗi hoạt động khởi đầu của hành trình nhân đạo năm nay hướng về thành phố Điện Biên Phủ, với các hoạt động  triển khai tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Sơn La và Điện Biên đã diễn ra vào 20-24/4 vừa qua. Vậy vì sao Trung ương Hội tổ chức các hoạt động cao điểm tại các địa phương này? Và Hội tập trung các hoạt động hỗ trợ nào cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở những nơi đó?

Bà Bùi Thị Hòa: Trong hành trình có những hoạt động. Thái Nguyên nơi đó có an toàn khu định hóa, nơi đó Đảng, Chính phủ của chúng ta cũng đã có những quyết sách để lãnh đạo cuộc kháng chiến của dân tộc. Sơn La là địa danh nằm trên toàn bộ tuyến đường lên Tây Bắc và ở nơi đó đã ghi những dấu chân hành quân của quân và dân ta lên Điện Biên. Tôi chọn đèo Pha Đin, đấy là điểm nhấn lịch sử để mọi người cùng ôn lại những truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Tại các tỉnh mà chúng tôi đặt chân đến chúng tôi hành quân qua, đều có hoạt động dâng hương tri ân, đều có hoạt động khám bệnh phát thuốc tặng quà cho người nghèo, người khó khăn; chợ nhân đạo để hỗ trợ cho người dân đến đó được chọn những món quà, món hàng cần thiết cho cuộc sống của mình. Đặc biệt là Điện Biên thì chúng tôi có chùm hoạt động nhiều hơn, hoạt động tri ân, hoạt động dâng hương, khám bệnh phát thuốc, trao tặng những bếp ăn bán trú, tổ chức những bữa cơm dinh dưỡng cho trẻ em cho học sinh ở điểm trường bán trú. Chúng tôi trao sinh kế, cấp những bình lọc nước, xây dựng những trạm nước cho những điểm trường đấy, những địa bàn đang chịu khô hạn tại Điện Biên. Những hoạt động đó đã diễn ra trong vòng 3 ngày và đều đầy ắp những cảm xúc niềm tự hào. Trên 16.000 lượt người dân học sinh được hưởng lợi từ các chương trình này, tổng giá trị hoạt động của chúng tôi trên 14,1 tỷ đồng, gấp đôi dự tính của chúng tôi là 7 tỷ đồng.

PV:  Năm nay, toàn Hội phấn đấu huy động khoảng 400 tỷ đồng cho các hoạt động chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Vậy, Trung ương Hội và các cấp hội triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động như thế nào để đạt được nguồn lực, để triển khai các hoạt động nhân đạo trong tháng nhân đạo và trong năm nay?

Bà Bùi Thị Hòa: Hệ thống hội của chúng tôi với phương châm là “Chữ thập đỏ vì mọi người, ở mọi nơi”, chúng tôi đang nỗ lực vận động nguồn lực để trợ giúp cho 100.000 địa chỉ nhân đạo ở tất cả các địa phương gắn với cuộc sống của người dân. Thông qua rất nhiều kênh, có những nhà tài trợ đi cùng với chúng tôi rất nhiều năm, có những nhà tài trợ bắt đầu tiếp cận với chúng tôi trong thông điệp qua hành trình này. Chúng tôi cũng vận động qua các kênh nhắn tin, qua App thiện nguyện… Năm nay, chúng tôi có một hình thức đang lan tỏa rất rộng.

Đấy chính là chiến dịch “Triệu bước chân nhân ái”. Chúng tôi kết nối được với các cá nhân, các tổ chức để mỗi người bằng tầm ảnh hưởng của mình có thể kết nối để có thêm nhiều nguồn lực cho những hoạt động này. Tất cả đều có địa chỉ, chúng tôi cũng hy vọng là với những địa chỉ chúng tôi đặt ra xóa nhà tạm, nhà dột nát cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thiên tai thì chúng tôi cũng sẽ có những ngôi nhà chữ thập đỏ để hưởng ứng phong trào này. Tôi cũng hy vọng là với cách làm minh bạch, với những địa chỉ rất thuyết phục tại cộng đồng, với sự năng động cũng như là tinh thần tận tụy của cán bộ hội viên tình nguyện chữ thập đỏ, sự hào phóng của những nhà tài trợ, chúng tôi sẽ đạt được đạt được chỉ tiêu đặt ra trong tháng nhân đạo này.

PV: Như bà vừa chia sẻ, một trong những hinh thức mới nhằm huy động nguồn lực năm nay mà Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai là phát động chiến dịch “Triệu bước chân nhân ái” nhằm vận động mọi người dân tham gia thể dục thường xuyên và vận động kinh phí tài trợ để triển khai các hoạt động trong tháng nhân đạo. Bà có thể chia sẻ về kết quả của hoạt động này và những trợ giúp cho người có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn lực này?

Bà Bùi Thị Hòa: Khi chúng tôi đặt ra chỉ tiêu cho chiến dịch “Triệu bước chân nhân ái” là 70.000 lượt người sẽ tham gia chương trình chạy bộ, đi bộ thể hiện thực tế trên nền tảng V-Race, để huy động mọi người tham gia đông nhất thì con số cuối cùng chúng tôi đạt trên 95.000 lượt người tham gia chỉ trong vòng 56 ngày đêm thôi. Chúng tôi dự kiến là sẽ chinh phục 700.000 km, nhưng chúng tôi đã đạt được trên 2,5 triệu km. Chúng tôi cũng dự kiến là sẽ vận động thông qua chương trình này khoảng 7 tỷ đồng thì chúng tôi đã đạt được trên 14 tỷ đồng để thực hiện những chỉ tiêu trong Tháng nhân đạo tại Điện Biên, Thái Nguyên và Sơn La.

Tôi cho rằng rất thành công, vì khi mọi người tham gia, họ nghĩ rằng đóng góp được cho các mục tiêu nhân đạo bằng việc cứ mỗi một bức chân của họ đi, sẽ có nhiều người ủng hộ và tôi nghĩ rằng triệu bước chân của chúng tôi đã tác động đến các nhà tài trợ, các tổ chức, các cá nhân hỗ trợ cho Hội chữ thập đỏ để thực hiện những địa chỉ nhân đạo này ở 3 tỉnh. Đấy là một trong những kinh nghiệm để chúng tôi tiếp tục vận động tốt hơn, lan tỏa rộng rãi hơn và đưa ra những thông điệp để thuyết phục mọi người cùng tham gia các hoạt động nhân đạo với Hội Chữ thập đỏ.

PV: Vâng xin cảm ơn bà!

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác