Trung tâm ngoại ngữ MV: Góp một nhịp cầu hợp tác giáo dục kinh tế Việt - Đức

(VOV5) - Những hoạt động đào tạo tiếng Đức để học nghề ở Đức của Trung tâm Ngoại ngữ MV (Hà Tĩnh) là một mắt xích quan trọng trong quá trình củng cố mối quan hệ hợp tác Việt - Đức.

Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Nguyễn Minh Vũ trong bài viết về quan hệ Việt Nam - Đức đã khẳng định: "suốt gần nửa thế kỷ qua, hai nước đã cùng nhau thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu trên nhiều lĩnh vực. Các dự án trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề của Đức dành cho Việt Nam không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu lao động đang thiếu hụt tại Đức, mà còn mở ra cơ hội cho thanh niên Việt Nam được học tập, trải nghiệm và làm việc trong môi trường tiên tiến tại Đức."

Những hoạt động đào tạo tiếng Đức để học nghề ở Đức của Trung tâm Ngoại ngữ MV (Hà Tĩnh) là một mắt xích quan trọng trong quá trình củng cố mối quan hệ này, được mở ra miễn học phí, có lương học nghề cho học viên với mong muốn nâng cao chất lượng nhân lực tại khu vực miền Trung. Chương trình nằm trong Dự án đào tạo nhân lực chất lượng cao, ký kết hợp tác của tỉnh Hà Tĩnh với bang MECKLENBURG-VORPOMMERN.

VOV5 phỏng vấn ông Bùi Quang Hùng, người Việt ở Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm ngoại ngữ MV về những hoạt động đào tạo này.

Trung tâm ngoại ngữ MV: Góp một nhịp cầu hợp tác giáo dục kinh tế Việt - Đức - ảnh 1Ông Bùi Quang Hùng, người Việt ở Đức, Giám đốc công ty TNHH Khu công nghiệp Việt Đức GVIP, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Ngoại ngữ MV. 

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

 PV: Xin chào ông Bùi Quang Hùng. Trung tâm Ngoại ngữ MV của ông ở Hà Tĩnh hiện nay đã thành hình một cơ sở rất là bề thế. Ông có thể cho biết lý do ra đời một trung tâm tiếng Đức lớn như thế ở Hà Tĩnh, mà không phải là ở Hà Nội hay là ở thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng - là những nơi mà sẽ có nhiều học viên hơn?

Ông Bùi Quang Hùng: Vâng xin chào chị Phi Hà. Tôi được sinh ra ở Hà Tĩnh. Sau nhiều năm kinh doanh về xuất nhập khẩu hoa quả, tôi gặp anh Nguyễn Hữu Tráng, tham tán thương vụ của Đại sứ quán Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở Berlin. Anh có mong muốn liên kết hợp tác giữa hai nước Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam phát triển hơn.  Anh có rất nhiều hoạt động hỗ trợ trong thương mại và tôi được may mắn được gặp anh ấy,  gặp các đại diện của bang Mecklenburg-Vorpommern. Những doanh nghiệp ở đấy muốn đầu tư về Việt Nam trong lĩnh vực điện khí sinh học, lĩnh vực xây dựng, công nghiệp mạ kẽm, thép.... 

Tôi sinh ra ở Hà Tĩnh nhưng đi từ nhỏ, nên mới nghĩ về Hà Tĩnh để kết nối những mong muốn của họ, xem có thể xây dựng được gì ở Hà Tĩnh. Nhưng sau khi về Hà Tĩnh tôi nhận ra mình không có công nhân lành nghề, kể cả người Đức có đầu tư vào thì cũng thiếu hẳn mảng công nhân lành nghề, không ai làm việc cho họ cả. Khi được biết Bộ Kinh tế Y tế và Lao động của bang Mecklenburg-Vorpommern cũng muốn hợp tác với Việt Nam để đào tạo công nhân lành nghề, tôi rất mong muốn đưa tất cả những dự án đấy về Hà Tĩnh, trở thành sự cộng tác giữa Đức và Hà Tĩnh. Và qua đấy, đưa các em sang bên kia, được học nghề miễn phí.

Trung tâm ngoại ngữ MV: Góp một nhịp cầu hợp tác giáo dục kinh tế Việt - Đức - ảnh 2Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Lao động và Y tế - bang Mecklengburg – Vorpommern (CHLB Đức) Harry Glawe ký kết ý định thư hợp tác giữa Bộ Kinh tế, Lao động và Y tế bang Mecklengburg – Vorpommern với UBND tỉnh Hà Tĩnh năm 2019. - Ảnh: Báo Hà Tĩnh.

PV: Và công việc đó được triển khai như thế nào?

Ông Bùi Quang Hùng: Những bước đi đầu tiên từ năm 2017, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh lúc đấy là anh Đặng Quốc Khánh (trong đoàn tháp tùng) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp hành lang G20 (họp 20 nền kinh tế nhất thế giới mà Việt Nam được mời dự). Anh Đặng Quốc Khánh sang Đức. Lúc ấy bang Mecklenburg-Vorpommern và tỉnh Hà Tĩnh có ý định cùng nhau hợp tác để xây dựng những hành lang pháp lý cho việc đào tạo cho con em Việt Nam tiếng Đức và sang Đức học nghề.

Nhưng tất nhiên chị biết đấy, những việc chuẩn bị không đơn giản, nên chúng tôi cũng mất gần 2 năm, đến tháng 5/2019 Trung tâm ngoại ngữ MV mới được thành lập ở Hà Tĩnh. Sau đấy chúng tôi tuyển sinh, và đã dạy các em đến nay đã hơn 1 năm, 13 tháng rồi.

Trung tâm ngoại ngữ MV: Góp một nhịp cầu hợp tác giáo dục kinh tế Việt - Đức - ảnh 3Một buổi khai giảng cho học viên mới. 

PV: Chắc hẳn là ông cũng đối diện với những khó khăn nhất định khi mà mở trung tâm ngoại ngữ ở nơi này?

Ông Bùi Quang Hùng: Lúc đầu tất nhiên vì trung tâm được thành lập ở Hà Tĩnh, khó khăn rất lớn. Khó khăn lớn nhất của chúng tôi không phải là vấn đề tuyển sinh, vì con em ở Hà Tĩnh rất chăm chỉ học tập và cũng mong muốn đi sang Đức học nghề miễn phí và từ đó nâng cao tay nghề của mình.

Khó khăn của chúng tôi là vấn đề tuyển giáo viên tiếng Đức ở đâu. Ở Việt Nam về giáo viên tiếng Anh đã mỏng rồi, nhưng tiếng Đức càng mỏng hơn, gần như không có. Nếu tuyển từ Đức về thì Hà Tĩnh có cái gì? Chuyện tuyển giáo viên từ Đức về Hà Nội hay Sài Gòn đã khó thì Hà Tĩnh càng khó nữa.

Nhưng chúng tôi có may mắn, là có một hai người quen biết họ cũng muốn giúp đỡ mình trong những vấn đề ban đầu. Sau đó họ cũng cảm thấy Hà Tĩnh là nơi đáng sống. Và Việt Nam trong những năm qua sự đầu tư về xây dựng nhà cửa, chất lượng nhà ở cũng cao lên, cho nên chuyên gia của Đức về Việt Nam cũng rất thoải mái và họ tận tâm dạy cho mình.

Sau bước đầu thì họ giới thiệu thêm cho mình, nên Trung tâm càng ngày càng nhiều giáo viên Đức về đây dạy. Hiện nay chúng tôi đã có tổng cộng hơn 10 người, mặc dù dịch covid họ chưa về được hết nhưng mà có 10 người sẵn sàng về Hà Tĩnh để dạy con em Việt Nam tiếng Đức.

Trung tâm ngoại ngữ MV: Góp một nhịp cầu hợp tác giáo dục kinh tế Việt - Đức - ảnh 4Lễ chúc mừng các học viên khoá MV4 (10/2019) đạt kết quả cao trong kỳ thi B1 vào tháng 7/2020 của Trung tâm Ngoại ngữ MV 

PV: Được biết  trung tâm ngoại ngữ MV là một trong số ít những trung tâm ngoại ngữ tiếng Đức được thành lập theo Hiệp định ký kết chính thức giữa chính quyền hai nước?

Ông Bùi Quang Hùng: Đây là chương trình hợp tác đào tạo giữa tỉnh Hà Tĩnh và bang Mecklenburg-Vorpommern. Bang Mecklenburg-Vorpommern có chương trình rõ ràng, là hỗ trợ trong công việc học tập bằng B2 tiếng Đức cho con em Việt Nam, và họ sẽ chi phí một phần nào chi phí đào tạo tiếng Đức bằng B2 cho các em.

Nên chẳng hạn chương trình đi điều dưỡng chúng tôi thu trọn gói các em 76 triệu 400 ngàn, bao gồm học tiếng Đức đến B2, vé máy bay, bao gồm chi phí visa,  thi cử bằng B2 tại Việt Nam và những chi phí đưa đón các em từ Hà Tĩnh ra sân bay Nội Bài, hay từ sân bay Franfurk đến chỗ đào tạo nghề chẳng hạn. Và các em khi sang Đức lại được đào tạo thêm ngôn ngữ chuyên ngành trong vòng 3 tháng, được đào tạo về hòa nhập với nước Đức, được đào tạo kiến thức về đất nước, con người của họ. Tất cả những cái đó nằm trong chương trình của Trung tâm MV Hà Tĩnh.

Trung tâm ngoại ngữ MV: Góp một nhịp cầu hợp tác giáo dục kinh tế Việt - Đức - ảnh 5Hoạt động thể thao do Trung tâm MV tổ chức. 

 PV: Ông có một lời khuyên nào đó dành cho các bạn trẻ muốn học nghề ở Đức?

Ông Bùi Quang Hùng: Không nên vội vàng sang Đức khi vốn tiếng Đức của mình chưa đầy đủ. Đấy là điều Trung tâm muốn đào tạo cho các em và cũng muốn nhắn nhủ tất cả những em học ở các trung tâm khác (cũng không sao), nhưng phải nhớ tiếng Đức là cái vốn mình cần có được trong vòng 12 đến 18 tháng khi học ở Việt Nam, để sang Đức thì việc tiếp xúc với người Đức được dễ dàng, để hòa nhập với xã hội Đức dễ dàng, để việc học hành của mình sau này được dễ dàng. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác