Trung tâm văn hóa thể thao Hội An tập trung duy trì đào tạo bài chòi cho lớp trẻ

(VOV5) - Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân gian, gắn liền với đời sống con người đặc biệt ở khu vực miền Trung. 

Hội An góp công lớn trong việc không chỉ giữ gìn nét tinh túy của nghệ thuật bài chòi mà còn tạo tình yêu, niềm say mê bài chòi đối với người dân bản địa và du khách quốc tế. Ông Trần Đình Châu, Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa, thể thao thành phố Hội An trả lời phỏng vấn phóng viên VOV5 về việc duy trì và phát huy nét độc đáo của nghệ thuật bài chòi, một bản sắc văn hóa của đất Quảng, trong đời sống hiện đại. 

Trung tâm văn hóa thể thao Hội An tập trung duy trì đào tạo bài chòi cho lớp trẻ - ảnh 1 Một buổi hô, hát bài chòi của các nghệ sĩ bên bờ sông Hoài

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

Phóng viên: Thưa ông, ông có thể cho biết đôi nét về dân ca bài chòi miền Trung nói chung và bài chòi Hội An nói riêng?

Dân ca bài chòi miền Trung chủ yếu là hò khoan ứng đáp. Hò khoan tức là các nghệ nhân ứng đáp có vần, có điệu. Vào đêm 14 âm lịch tại Hội An, nhiều nghệ nhân hát hò khoan ứng đáp dưới thuyền. Họ có thể đố nhau rồi trả lời bằng các lời ca. Họ ứng đáp với nhiều nội dung khác nhau, theo chủ đề riêng. Ví dụ một buổi tối có thể hát với chủ đề về trung thu chẳng hạn. Ban tổ chức cũng định hướng nội dung chủ đề cho các đêm hát. Bài chòi miền Trung mang đậm tính chất con người Quảng Nam. Ở Hội An có nhiều nghệ nhân hô hát bài chòi như anh Hai Đúng, anh Ba En. Lãnh đạo thành phố vẫn đang quyết tâm giữ gìn sắc thái không những về văn hóa vật thể, mà còn giữ được văn hóa phi vật thể ở Hội An.
Phóng viên: Thưa ông, Trung tâm văn hóa thể thao thành phố Hội An đã chủ trương thực hiện như thế nào nhằm phát huy loại hình dân ca bài chòi để công chúng mến mộ? 
Định hướng của thành phố Hội An là tập trung vào mảng văn hóa, du lịch sinh thái. Chúng tôi làm công tác văn hóa, văn nghệ cũng đã có những định hướng đi sâu vào việc bảo tồn dân ca truyền thống trong đó có loại hình bài chòi. Một mặt không thể để các làn điệu mất gốc thì chúng ta phải duy trì đồng thời cũng cải biên cho phù hợp với xu thế hiện nay, hài hòa để công chúng dễ nghe, những làn điệu dễ đi vào lòng người. Hiện nay, các nghệ sĩ của Trung tâm văn hóa thể thao Hội An vẫn biểu diễn nghệ thuật bài chòi vào các buổi tối, lúc nào cũng có khách tham gia, rất lý thú.  
Chúng tôi cũng quan tâm đến việc sưu tầm các câu hát bài chòi xưa cũ. Năm ngoái, Học Viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam phối hợp với trung tâm văn hóa thể thao Hội  An làm chương trình hoạt động nghệ thuật với các làn dân ca ở các vùng miền vừa với mục bảo tồn nghệ thuật dân ca cổ, vừa phục vụ du lịch. Đặc biệt, chương trình đó đã lấy bài chòi làm nòng cốt. Chúng tôi lồng ghép đưa vào các làn điệu dân ca của các vùng miền khác trên đất nước đưa vào làm chương trình phong phú hơn. Từ đó đến nay, Hội An đang duy trì loại hình này rất tốt. Về lâu dài, chúng tôi cũng tiếp tục công việc đào tạo lớp trẻ để nghệ thuật bài chòi không thể mất gốc. 
Phóng viên: Trong thời hiện đại này, với cuộc sống rất hối hả, tại sao bài chòi vẫn giữ được sự tinh túy và hồn cốt của nghệ thuật dân gian, thưa ông?
Do Đảng và nhà nước định hướng và do những người làm văn hóa văn nghệ phát huy bảo tồn nét văn hóa dân gian nên chúng tôi, những người làm văn hóa văn nghệ phải đi đúng hướng, được lòng dân thì tất cả người dân ủng hộ. Khi người dân ủng hộ thì người dân sẽ thưởng thức nghệ thuật. Điều đó làm cho người nghệ sĩ không ngừng tìm tòi học hỏi để đáp ứng nhu cầu cảm thụ nghệ thuật truyền thống của người dân. 
Tôi nghĩ những bài chòi trước đây, họ chơi vào dịp tết ở nông thôn, họ hô hát giống như một trò chơi. Hiện nay, khi nghệ thuật hô hát bài chòi được nâng lên, trở thành một tác phẩm nghệ thuật, các em hát hay, diễn tốt và sưu tầm được nhiều lời hát dân gian có giá trị, rất đời thường nhưng rất hay. Trò chơi bài chòi là như vậy. Người thưởng lãm nghệ thuật, họ đến, họ chơi, họ nghe các em hát dân ca bài chòi. Khi có độ thẩm thấu và đi vào lòng người thì tạo cho họ sự yêu thích. Chính vì vậy mà bài chòi ở Hội An vẫn tồn tại và phát triển.
Phóng viên: Được biết, bài chòi cũng đã được đưa vào nhiều trường học ở Hội An. Điều này đã tạo được những hiệu quả như thế nào?
Riêng hát dân ca bài chòi đã được đưa vào trường học. Hơn 15 năm nay chúng tôi đã đào tạo cho thế hệ trẻ ở các trường học vào các giờ ngoại khóa. Từ Thu Sang, đến Thu Ly và nhiều em khác đã trưởng thành từ học hát ở trường THCS, trở hành diễn viên hát dân ca hay, được nhiều người mến mộ của thành phố. Chúng tôi mở nhiều lớp học hát bài chòi trong nhiều năm. Chính vì thế, kể cả trong thế hệ trẻ cũng đã biết thưởng thức đồng thời có độ thẩm thấu và biết hát bài chòi.
Hồi đầu năm nay, vào dịp Tết, chúng tôi tổ chức thi hát dân ca và hô hát bài chòi cho thầy và trò ở các trường học THCS ở Hội An. Chẳng hạn như trường THCS Nguyễn Du ở Cẩm Giao, trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Cẩm Nam. Tôi nghĩ việc đưa loại hình bài chòi vào trường học để các em nhỏ tuổi biểu diễn như nhiều năm chúng tôi đã làm đó là một hoạt động rất hay và thiết thực để gìn giữ nghệ thuật bài chòi.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác