Bình Định nâng tầm sản phẩm OCOP nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật

(VOV5) - Việc tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào sản xuất đã giúp các hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp ở Bình Định đạt lợi nhuận tốt hơn.

Thời gian qua, tỉnh Bình Định đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Để khẳng định thương hiệu sản phẩm, nhiều hợp tác xã, cơ sở sản xuất ở tỉnh Bình Định đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, máy móc hiện đại để nâng tầm sản phẩm OCOP.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Những ngày đầu tháng 8, thời tiết nắng ráo, nhân viên Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, tranh thủ thu hoạch 4 ha lúa trên cánh đồng xã. Ngoài thu hoạch lúa do đơn vị sản xuất, Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hưng còn mua lúa của hội viên hợp tác xã để làm sản phẩm OCOP 3 sao mang tên “Gạo quê Phước Hưng”. Để có được hạt gạo dài, trắng đục, thơm được người tiêu dùng ưa chuộng, Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hưng đã đầu tư hệ thống sấy lúa và dây chuyền máy xay xát, chế biến lúa gạo công nghệ hiện đại theo một quy trình khép kín.
Bình Định nâng tầm sản phẩm OCOP nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật - ảnh 1Nhà máy chế biến xay xát gạo Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định - Ảnh: VOV

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hưng, cho biết quy trình sản xuất, thu hoạch và xay xát lúa thành gạo quê Phước Hưng đều được cơ giới hóa. Từ sản phẩm OCOP gạo quê Phước Hưng, hợp tác xã đã huy động được nhiều người dân vùng nông thôn tham gia vào chuỗi sản xuất và tạo thu nhập cho bà con. "Khi gieo giống cũng bằng drone (công nghệ chiếu sáng), đến thu hoạch sử dụng bằng máy liên hợp, máy móc. Lúa được mang về sấy, nhà máy hoạt động một lò sấy khoảng cỡ 30 tấn/mẻ. Sấy xong được đưa vào kho bằng dây chuyền, máy móc rồi qua sàng tạp chất, qua máy bóc làm trắng gạo, đánh bóng và đóng gói. Trong giai đoạn này, để tạo ra sản phẩm OCOP chất lượng thì làm quy trình của chúng tôi rất kỹ về an toàn vệ sinh thực phẩm và tuân theo các điều kiện nghiêm ngặt, từ hạt giống đến khi ra sản phẩm".

Hợp tác xã Hữu cơ Lộc Tín tại thôn Quảng Tín, xã Phước Lộc, huyện Tuy  Phước, tỉnh Bình Định, được thành lập năm 2020, hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất sản phẩm dinh dưỡng bảo vệ sức khỏe, sản phẩm phân bón, chăm sóc cây cảnh, rau màu... Sau 4 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã Hữu cơ Lộc Tín đã có 5 sản phẩm được công nhận đạt OCOP hạng 3 sao. Đó là: Nấm đông trùng hạ thảo tươi, nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, rượu đông trùng hạ thảo, bột diếp cá sấy lạnh và bột diếp cá đông trùng hạ thảo. Trong đó, sản phẩm OCOP bột diếp cá sấy lạnh và bột diếp cá đông trùng hạ thả được nhiều người chọn làm thực phẩm bổ sung.

Bình Định nâng tầm sản phẩm OCOP nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật - ảnh 2Máy sấy lạnh làm sản phẩm bột diếp cá đông trùng hạ thảo của Hợp tác xã hữu cơ Lộc Tín, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định - Ảnh: VOV

Để có sản phẩm bột diếp cá sấy lạnh và bột diếp cá đông trùng hạ thảo, Hợp tác xã Hữu cơ Lộc Tín đã đầu tư 1 ha trồng rau diếp cá theo hướng hữu cơ, đồng thời đầu tư mua sắm máy móc hiện đại. Ông Phạm Trung Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Hữu cơ Lộc Tín, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, cho biết: "Rau diếp cá khi thu hái tại khu vườn trồng tập trung của hợp tác xã thì được đem về sơ chế. Rau tươi được đưa vào hệ thống máy rửa, sục ozon. Hệ thống máy rửa sục ozon này sẽ kháng khuẩn và diệt được vi khuẩn trước khi đưa vào sấy. Trước khi vào sấy cũng vào hệ thống máy vắt ly tâm, vắt sạch nước và để ráo sản phẩm rồi đưa vào máy sấy lạnh. Khi ra sản phẩm sẽ giữ được nguyên vị, nguyên màu".

Đến nay, tỉnh Bình Định đã có 397 sản phẩm đạt hạng OCOP từ 3 sao trở lên. Các hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP ngày càng quan tâm hơn về kiểm soát chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bán hàng, tiêu thụ sản phẩm, tham gia vào các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, các sản phẩm OCOP ngày càng nâng tầm thương hiệu và được người tiêu dùng biết đến và tin tưởng nhiều hơn.

Bình Định nâng tầm sản phẩm OCOP nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật - ảnh 3Các sản phẩm OCOP của Hợp tác xã hữu cơ Lộc Tín, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bỉnh Định - Ảnh: VOV

Để tiếp tục hỗ trợ các hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp, chính quyền địa phương cũng có những chính sách cụ thể. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đang phối hợp Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh và 11 huyện, thị xã, thành phố chọn mỗi đơn vị cấp huyện 1 sản phẩm để phát triển, sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến. Từ đó, hình thành sản phẩm OCOP đặc trưng, xây dựng mô hình phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, hướng đến xuất khẩu.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết: "Từng bước ứng dựng các trang thiết bị, máy móc để nâng tầm sản phẩm OCOP. Cùng với nâng tầm sản phẩm OCOP, để đạt các chứng nhận 4 sao trở lên thì ngoài việc các cơ sở trang bị các máy móc thì các sở, ngành, đặc biệt UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ đối với các sản phẩm OCOP này. Ngoài ra, tỉnh Bình Định còn hỗ trợ 50% kinh phí truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm OCOP. Với những hỗ trợ như vậy đã mang lại hiệu quả và đặc biệt giúp nâng tầm sản phẩm OCOP trong thời gian qua".

Việc tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, dưới sự đồng hành hỗ trợ của chính quyền địa phương, đã giúp các hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp ở Bình Định đạt lợi nhuận tốt hơn, nhiều sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương được nâng tầm, mang lại giá trị kinh tế cao và ổn định.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác