Chất và lượng trong thu hút đầu tư nước ngoài năm 2013

(VOV5)- Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (FDI) năm 2013 vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Điều đáng chú ý là trong cơ cấu thu hút các dự án đầu tư đã có sự chuyển hướng, trong đó chú trọng lựa chọn những dự án FDI có chất lượng cao, phù hợp với quá trình tái cơ cấu và phát triển kinh tế ở Việt Nam.

Vượt qua nhiều thách thức, nhất là tác động ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng tình hình thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam năm 2013 vẫn đạt kết quả khả quan, vượt mục tiêu đề ra không chỉ về mặt số lượng, mà cả chất lượng và đặc biệt năng lực giải ngân các dự án đã được cải thiện rõ rệt. Tính đến hết tháng 11, thu hút FDI cả nước đã đạt 20,8 tỷ USD. Dự báo cả năm tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó vốn giải ngân đã đạt 10,5 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó tập trung vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến, chế tạo với 557 dự án đầu tư đăng ký mới. Đặc biệt các dự án đầu tư  FDI  trong năm nay đã có sự chuyển dịch rõ nét với sự xuất hiện ngày càng nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, đem lại giá trị gia tăng cao. Các dự án công nghệ thấp và trung bình sử dụng nhiều nguyên, nhiên liệu, có thể gây ảnh hưởng môi trường đã giảm rõ rệt. Để đạt kết quả này, Việt nam đã chủ động, tạo điều kiện thu hút nhiều dự án lớn, trong đó hết sức coi trọng vấn đề giải ngân cho các dự án. Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch và đầu tư Việt Nam, nhận xét:“ Trong số vốn đăng ký, chúng tôi thấy có 2 xu hướng rõ rệt. Một là tập trung vào các dự án  có giá trị lớn, thứ 2 là  các dự án nhỏ và  vừa để có được vốn đăng ký khởi sắc như vậy. Đây là một phần nỗ lực trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ và sự phối hợp của các Bộ, ngành địa phương trong từng dự án để có thể được cấp phép nhanh và triển khai sớm”

Đầu tư của Nhật bản hiện là nguồn vốn quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Nhật Bản hiện vẫn là quốc gia dẫn đầu về thu hút FDI vào Việt nam với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,7 tỷ USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam. Ngày 23 tháng 10 năm 2013  dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ USD, liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait, Công ty Idemitsu Kosan  và Công ty Hoá chất Mitsui Nhật Bản góp vốn đã trở thành dự án FDI có số vốn lớn nhất Việt nam. Cùng với đó, dự án nhiệt điện nghi Sơn 2 có tổng vốn 2,3 tỷ USD giai đoạn đầu cũng đã được đăng ký tăng thêm 2,9 tỷ USD  đã đưa Thanh Hoá trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI . Một dự án quan trọng khác là nhà máy sản xuất điện thoại di động và các thiệt bị điện tử Samsung ở Bắc Ninh  cũng được bổ sung vốn 1 tỷ USD, đưa tổng vốn dự án này lên 2,5 tỷ USD, trở thành nhà máy Samsung lớn nhất thế giới. Đây cũng là dự án đạt thời gian kỷ lục về giải ngân FDI ở Việt nam. Những chuyển động tích cực của việc triển khai các dựa án FDI trong năm nay đã và đang góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế và đóng góp quan trọng vào tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế ở Việt Nam.

Chất và lượng trong thu hút đầu tư nước ngoài năm 2013 - ảnh 1

Nâng cao chất và lượng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh: Tuyengiao.vn

Trong bối cảnh và xu thế chung hiện nay, Việt Nam vẫn cần nhiều nỗ lực nhằm tạo ra tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn nữa, nhất là tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực trong thu hút đầu tư nước ngoài. Từ kinh nghiệm giải ngân dự án Samsung, Bộ kế hoạch đầu tư khuyên nghị nên áp dụng đồng bộ cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư lớn, tạo động lực cho quá trình giải ngân các dự án đúng tiến độ triển khai. Các dự án đầu tư vào Việt nam trong thời gian tới sẽ không chạy theo số lượng  và được chọn lọc theo hướng nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, ưu  tiên các dự án góp phần giúp Việt nam tái cơ cấu lại tỷ trọng các lĩnh vực có lợi cho nền kinh tế, xã hội Việt nam. Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Việt Nam Bùi Quang Vinh, nêu rõ:“ Những dự án công nghệ thấp, lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên liệu, gây ô nhiễm môi trường thì chúng ta sẽ kiến quyết từ chối. Ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai…những trung tâm lớn và thuận lợi thì chúng ta sẽ hạn chế dần những dự án công nghệ trung bình và thấp. Những dự án công nghệ cao sẽ được ưu tiên đầu tư vào những nơi này. Ở  chỗ đó chúng ta có quyền lựa chọn, còn lại ở những vùng sâu, vùng xa thì có thể chấp nhận những dự án trung bình hoặc thấp hơn trung bình một chút, nhưng nó phải phù hợp với địa phương. Hiện nay chúng ta đang đi theo lộ trình như vậy.”

Theo hướng đó các Bộ, ngành, địa phương đang rà soát, bổ sung các chính sách ưu đãi đối với những dự án hạ tầng kinh tế - xã hội có quy mô lớn, có sức lan tỏa trong nền kinh tế. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đang phối hợp để  thực hiện mục tiêu thu hút nguồn vốn FDI một cách cụ thể, giúp Việt Nam tăng tính hấp dẫn hơn nữa trong thu hút vốn FDI trong giai đoạn tới./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác