Đầu tư có trọng điểm trong giai đoạn phục hồi nền kinh tế

(VOV5) - Chính phủ ban hành kịp thời Nghị quyết 128 chuyển hướng chiến lược của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch đã đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất từ TW đến địa phương. 

Sáng 21/10, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV thảo luận tại tổ về nhiều nội dung, trong đó có kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu nhìn nhận do ảnh hưởng của dịch COVID – 19, chưa bao giờ nền kinh tế Việt Nam bị tác động nhiều mặt như hiện nay. Tuy nhiên kinh tế quý III và 9 tháng qua cũng có những điểm sáng. Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội thành  phố Hà Nội, phát biểu: Nhất là ngành nông nghiệp, là ngành duy nhất tăng trưởng dương trong quý 3. Do vậy chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề phát triển nông nghiệp. Quả thật trong cơ cấu xuất khẩu, nông nghiệp Việt Nam có rất nhiều thế mạnh. Do đó, cần có cách thức khác để đầu tư cho nông nghiệp trong tương lai. Thứ hai là sự đóng góp rất tốt của ngành xuất khẩu. 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng hơn 10%. Với nền kinh tế mở như Việt Nam thì rất cần ưu tiên xuất khẩu. Sau này trong giai đoạn phục hồi, chúng ta cũng nên giành ưu tiên cho những ngành, mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh.

Đầu tư có trọng điểm trong giai đoạn phục hồi nền kinh tế  - ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Nguyễn Phú Cường phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Các đại biểu Quốc hội cũng đánh giá trong phòng chống dịch COVID -19 vừa qua tuy một vài địa phương còn chưa linh hoạt, song điểm nhấn quan trọng là Việt Nam đã rất thành công trong vấn đề vaccine. Từ tháng 4 đến nay, Việt Nam đã tiêm gần 70 triệu liều vaccine cho người dân. Đặc biệt, việc Chính phủ ban hành kịp thời Nghị quyết 128 chuyển hướng chiến lược của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch đã đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất từ TW đến địa phương. Ngoài ra Chính  phủ cũng đã có những chính sách giãn, hoãn thuế kịp thời, giúp giảm khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động. Thời gian tới, nhiều đại biểu cho rằng Chính phủ nên đánh giá tổng thể lại quá trình phòng chống dịch COVID - 19, đặc biệt là các chính sách để cân đối ngân sách, tăng thêm các nguồn lực bằng các chính sách tài khóa để tạo động lực phát triển kinh tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác