Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nhượng quyền thương mại

(VOV5) -  Những năm gần đây, Việt Nam nổi lên như một thị trường tiềm năng trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng, thu nhập đang tăng cao, dân số lớn và tiêu dùng nội địa ngày càng tăng, đó là những lý do đưa Việt Nam trở thành một địa điểm hấp dẫn đối với nhượng quyền thương mại. Đặc biệt khi Việt Nam chính thức là thành viên Tổ chức thương mại thế giới(WTO), đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, thì các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều điều kiện để tham gia lĩnh vực đầu tư nhượng quyền thương mại. 


Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Hơn một thập kỷ qua, trên thị trường bán lẻ Việt Nam đã xuất hiện những thương hiệu nổi tiếng thế giới về thời trang, hoá mỹ phẩm, đồ điện tử gia dụng…Đặc biệt những năm gần đây, nhiều ngành hàng thực phẩm, đồ uống, thức ăn nhanh gắn với những thương hiệu nổi tiếng thế giới đã được nhương quyền thương mại vào Việt Nam ngày càng nhiều. Bà Hoàng Thị Tuyết Hoa, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ công thương, cho biết: “ Đến nay nhượng quyền thương mại ở Việt Nam đã có bước phát triển. Hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài đã đăng ký trên 8000 nhãn hiệu nhượng quyền thương mại vào Việt Nam, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực như : bán lẻ, cho thuê máy móc thiết bị, giáo dục đào tạo và các quốc gia có những nhãn hiệu này chủ yếu là các nước: Hoà Kỳ, Anh, Australia và các nước EU”

 

Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nhượng quyền thương mại  - ảnh 1
Doanh nghiệp Việt cũng đang tìm đến cách kinh doanh nhượng quyền thương mại (Ảnh minh hoạ:KT)


Các tập đoàn nước ngoài, đa số thuộc lĩnh vực thực phẩm đã và đang ồ ạt vào Việt Nam đầu tư, mở rộng kinh doanh thông qua nhượng quyền thương mại. Thành công nhất có thể kể đến là các tập đoàn thức ăn nhanh với thương hiệu Lotteria của Hàn Quốc, McDonald’s, KFC, Pizza Hut của Mỹ. Bên cạnh đó, hàng loạt các đại siêu thị đã được các nhà phân phối nước ngoài xây dựng ở Việt Nam như: Metro Cash & Carry tập đoàn của Đức, tập đoàn Parkson của Malaysia… và gần đây, nhiều doanh nghiệp Thái Lan cũng tìm đến thị trường Việt Nam thông qua nhượng quyền thương mại. Cùng với tiến trình đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tiếp cận với phương thức kinh doanh này trong việc xây dựng thương hiệu và bước đầu chuyển nhượng thương mại ra nước ngoài. Trong số đó, một số thương hiệu như: Phở 24, món cuốn Wrap & Roll, hay cà phê Trung Nguyên…phát triển thông qua hình thức nhượng quyền thương mại không chỉ mở rộng được mạng lưới trong nước, mà đã có mặt tại một số nước trên thế giới. Những thành công ban đầu của những doanh nghiệp này đã và đang khuyến khích rất nhiều các doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đi theo xu hướng phát triển này. Ông Phạm Duy Cường, Giám đốc Công ty Sản xuất và Dịch vụ Sen Việt, cho biết: Công ty của anh đang chú trọng tìm hiểu và đầu tư thương hiệu bánh mì tươi Subway của Mỹ để triển khai kinh doanh tại Hà Nội. Theo ông Cường, tình hình kinh tế khó khăn, kinh doanh thương hiệu đã được coi là cách làm an toàn, hiệu quả. Mô hình này giúp doanh nghiệp không phải mất thêm thời gian để xây dựng thương hiệu, đào tạo nhân lực, kinh nghiệm, tìm kiếm nguyên liệu, chọn địa điểm… mà thông qua nhượng quyền thương mại, doanh nghiệp sẽ tiếp quản tất cả các “dây chuyền” này. Quan trọng hơn, doanh nghiệp sẽ được tư vấn tài chính trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh của mình. Ông Phạm Duy Cường chia sẻ: "
 Theo tôi nghĩ nó an toàn hơn rất nhiều so với việc tự tạo một thương hiệu riêng cho mình. Trong cả một vườn cây, một loạt những hạt giống được bung ra, mỗi người đều có một ý tưởng, ai cũng muốn mình sở hữu một cái gì đó riêng cho mình. Nhưng thực tế chúng ta có kinh nghiệm để trồng cây hay không? Kinh nghiệm của chúng ta trong lĩnh vực đó đã đủ lớn so với những thương hiệu lớn họ làm rất tốt rồi hay không? Theo tôi ở Việt Nam mình muốn làm được thương hiệu tốt khó lắm, chúng ta phải học hỏi rất nhiều” . 

Nhượng quyền quyền thương hiệu có ưu điểm như hệ thống kinh doanh và nhãn hiệu đã có sẵn và khá nổi tiếng trên thế giới. Cùng với đó, phương thức kinh doanh đã được trải nghiệm trên thế giới với hoạt động chuyên nghiệp, bài bản trong kinh doanh, do vậy các doanh nghiệp nhận nhượng quyền khi bắt đầu kinh doanh sẽ có thời gian gia nhập thị trường ngắn hơn so với việc tự mình xây dựng thương hiệu. Tuy vậy, để việc giao thương trong và ngoài nước thuận tiện hơn, nhất là để hoạt động nhượng quyền thương mại phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, ngoài sự hỗ trợ về pháp lý, tín dụng của Nhà nước thì trước tiên, doanh nghiệp Việt cần đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực này, đồng thời sản xuất hàng hoá chất lượng cao phục vụ thị trường nội địa./.

Phản hồi

Các tin/bài khác