(VOV5) - Khi nền kinh tế đã có xuất siêu trong tháng 9 - nhiều chuyên gia nhận định về khả năng cân bằng cán cân thương mại, thậm chí có xuất siêu trong cả năm 2021.
Tính đến tháng 10/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước tính đạt gần 268 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 10/2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 27 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những tín hiệu vui của kinh tế và sự hồi phục nhanh chóng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất và xuất khẩu.
Doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng ổn định sản xuất, xuất khẩu - Ảnh minh họa/VOV |
10 tháng qua, hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng trong ngắn hạn dù gặp nhiều khó khăn của đại dịch Covid-19. Nếu như trong 4 tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự phục hồi tích cực với những kết quả đáng ghi nhận từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và thị trường:
Hoạt động sản xuất công nghiệp tăng trưởng 2 con số (động lực tăng trưởng của nền kinh tế là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 12,7%); Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua - với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng tới 28,3% so với cùng kỳ năm trước; Cán cân thương mại hàng hóa tính chung 4 tháng đầu năm ghi nhận xuất siêu 1,29 tỷ USD…
Bước sang tháng 5, làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp của Bắc Giang, Bắc Ninh, hai địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhất của cả nước, hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại thời điểm đó, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, nhấn mạnh phương án “sống chung an toàn với dịch” trên cơ sở thực hiện “3 tại chỗ” (cho công nhân ăn, ở, sản xuất ngay tại nhà xưởng, khu công nghiệp) và đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng vaccine cho người lao động: “Bắc Giang khi đóng của 4 Khu công nghiệp để chống dịch thì đã dừng sản xuất 340 doanh nghiệp với hơn 140.000 lao động. Trước khi đóng cửa chúng tôi đã họp trực tuyến với tất cả các doanh nghiệp trong 4 Khu công nghiệp để thông báo cho họ tình hình và bàn các phương án tổ chức lại sản xuất trong điều kiện có dịch - và phương châm của Bắc Giang là quyết tâm nối lại sản xuất, theo phương pháp là sản xuất để mà thích nghi với tình hình dịch, coi như là sống chung với dịch. Phương châm của chúng tôi là chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch.”
Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư tác động trực tiếp vào khu vực kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự hợp lực tổng thể của tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nền kinh tế, hoạt động xuất nhập khẩu 9 tháng qua vẫn đạt tăng trưởng 2 con số, cao hơn nhiều mức tăng trưởng 4-5% theo kế hoạch của Chính phủ và Quốc hội.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: “Thứ nhất, là nỗ lực cao độ để duy trì sản xuất và xuất khẩu. Điển hình thành công là chúng ta đã duy trì được nhịp độ sản xuất và xuất khẩu tại khu vực miền Bắc và khu vực miền Trung, trong đó có những trung tâm xuất khẩu rất lớn như tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên. Nếu như chúng ta không kiểm soát được dịch bệnh và duy trì được sản xuất xuất khẩu tại những trung tâm xuất khẩu lớn này thì xuất khẩu đã có thể còn giảm hơn nữa.
Việc lớn thứ hai mà chúng ta đã làm được đó là dồn toàn lực để làm sao bảo đảm được lưu thông hàng hóa trong bối cảnh giãn cách xã hội, bao gồm cả hàng hóa là đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu cũng như là hàng xuất khẩu trên đường ra các cảng biển để xuất khẩu.. Điểm cuối cùng cũng hết sức quan trọng, đó là, chúng ta đã giữ an toàn cho tất cả các cửa ngõ xuất khẩu chính. Chính nhờ sự quan tâm này cho nên là ngay trong những thời điểm khó khăn nhất thì các cảng biển ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh về cơ bản vẫn hoạt động an toàn.”
Ngày 11/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 - Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Tất cả những điều kiện thuận lợi này, cùng với những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp những tháng cuối năm, với tín hiệu vui khi nền kinh tế đã có xuất siêu trong tháng 9 - nhiều chuyên gia nhận định về khả năng cân bằng cán cân thương mại, thậm chí có xuất siêu trong cả năm 2021.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho rằng: “9 tháng chúng ta đã đang nhập siêu 2,13 tỷ USD và 2,13 tỷ USD này nếu so sánh với kim ngạch nhập khẩu thì nó tương đương với 0,8% thì có thể nói đây là một khoảng cách không phải là quá lớn, và chúng ta còn 3 tháng của quý 4. Chính vì vậy, nếu như không có biến động nào lớn trong vấn đề về kiểm soát dịch bệnh chúng ta cũng hy vọng là 3 tháng cuối năm sẽ là thời điểm các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khu vực phía Nam lấy lại sự phục hồi và đà tăng trưởng, thì lúc đó chúng ta cũng hoàn toàn có thể tin tưởng là kết thúc năm 2021 thì cán cân thương mại có thể cân bằng, và tình hình lạc quan hơn thì chúng ta vẫn có thể xuất siêu một tỷ lệ nhất định.”
Cuộc sống “bình thường mới” mở ra những cơ hội cho ngành du lịch cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng mang đến những yếu tố thuận lợi để gia tăng xuất khẩu cả về lượng và chất, giúp doanh nghiệp phát triển trở lại