Vẻ đẹp của Bình Phước còn nguyên sơ và bình dị và đang nổi lên là địa điểm thăm quan, khám phá thú vị của du khách trong nước và nước ngoài.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đến với Bình Phước, du khách có thể chọn đi xe khách hoặc đi dã ngoại bằng xe máy. Trên những con đường ở Bình Phước, du khách có thể chiêm ngưỡng những cánh rừng cao su bạt ngàn, thẳng tắp hay vườn điều trĩu cây… Bình Phước có các con sông lớn như sông Đồng Nai, sông Bé, sông Sài Gòn chảy qua kết hợp với địa hình cao nguyên, đồi núi đã tạo nên những hồ, thác hữu tình, thơ mộng như thác Đắk Mai, thác Voi, hồ Suối Cam.
Nét đẹp hoang sơ của trảng cỏ Bù Lạch. - Ảnh: vnexpress.net |
Nơi đây còn có nhiều cảnh quan hùng vĩ đang ẩn mình trong các khu rừng bạt ngàn như: Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Vườn quốc gia Tây Cát Tiên, núi Bà Rá… Trong đó, vườn quốc gia Bù Gia Mập, với diện tích hơn 26.000ha, là địa điểm thăm quan thú vị cho du khách bởi nơi đây có hệ thực vật rất đa dạng và phong phú, quy tụ nhiều loài động thực vật đặc trưng của vùng Ðông Nam Á. Ngoài ra còn có rừng Tây Cát Tiên, một phần thuộc quần thể Khu dự trữ sinh quyển Vườn quốc gia Cát Tiên. Khu vực rừng nguyên sinh nằm trên địa phận tỉnh Bình Phước thuộc 2 huyện Bù Đăng và Đồng Phú. Đây là nơi bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Nơi đây có cảnh quan đẹp, có hệ động, thực vật đa dạng như: bò rừng, bò Bonten, ngan cánh trắng, gà so cổ hung…
Tại huyện Bù Đăng, có một nơi rất độc đáo để du khách khám phá đó là Trảng cỏ Bàu Lạch ở xã Đồng Nai. Nơi đây, giữa bạt ngàn núi, rừng xuất hiện những trảng cỏ và hồ nước kết nối nhau thành một thảo nguyên rộng chừng 500ha với 20 trảng cỏ lớn nhỏ khác nhau. Có trảng rộng chỉ 5 - 10ha, cũng có trảng có diện tích rộng gần 140ha gọi là trảng lớn nằm giữa một vùng đồi núi xen giữa những cảnh rừng bao la với nhiều cây cổ thụ in nghiêng soi bóng trên mặt hồ. Đi dọc trảng cỏ, du khách sẽ bắt gặp những thác nước như thác Đứng, thác Pan Toong, thác Bù Xa, thác Voi. Bù Lạch vào đầu mùa khô cỏ chuyển thành màu vàng úa, nhiều loại hoa dại khoe sắc tím, vàng… Cuối mùa khô, cả trảng cỏ chuyển sang màu vàng rực nhưng chỉ cần một cơn mưa đầu mùa là màu xanh mướt như ngọc lại trỗi dậy.
Ông Đỗ Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Bình Phước, cho biết: "Bình Phước có một vị trí địa lý rất là thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Bình Phước có đầy đủ các tài nguyên du lịch như: rừng nguyên sinh, núi, hồ, thác và đây là cừa ngõ vào thành phố Hồ Chí Minh và là cửa ngõ của các tỉnh Tây Nguyên. Bình Phước tập trung vào phát triển các sản phẩm du lịch như: du lịch sinh thái và du lịch về nguồn. Gắn với việc du lịch về nguồn du lịch tâm linh rồi tiếp cận các văn hóa của các dân tộc và các món ăn đặc trưng của Bình Phước. Chúng tôi mong được đón các du khách đến với Bình Phước, và tới đấy ngành cũng sẽ tham mưu cho tỉnh ủy, ủy ban sẽ ban hành một cơ chế chính sách đặc thù thu hút khách du lịch đến với Bình Phước."
Bình Phước không chỉ là địa danh được biết đến như thủ phủ của cây điều mà còn được biết đến là một vùng đất có nền văn hóa lâu đời. Nơi đây có nhiều di chỉ khảo cổ đã được phát hiện và nghiên cứu có niên đại cách đây 2.000 năm như: đàn đá, thành đất cổ, các công cụ bằng đá, gốm thuộc nền văn minh thời kỳ tiền sử. Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc như: Đồn điền cao su Phú Riềng, nhà tù Bà Rá, Khu căn cứ Quân ủy Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam, sóc Bom Bo... Một địa danh mà du khách không thể bỏ qua đó là Di tích Căn cứ Tà Thiết, đây là căn cứ Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam từ năm 1972 - 1975 hay còn gọi là “rừng Chính phủ” tọa lạc tại sóc Tà Thiết, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh. Căn cứ Tà Thiết được xây dựng từ năm 1973, diện tích 16km2. Tại đây diễn ra các sự kiện trọng đại như: nơi đón tiếp các phái đoàn cao cấp của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu, Trung ương Cục để bàn kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang, triển khai các phương án tác chiến… Đặc biệt năm 1975, nơi đây đã thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miễn Nam, thống nhất đất nước.
Một địa danh khác được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia mà du khách nên ghé qua đó là Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, hay còn gọi là Nhà Giao tế. Nhà Giao tế được xây dựng từ năm 1911, tiền thân là văn phòng làm việc của Công ty cao su Xét - Xô của Pháp và để đón tiếp các phái đoàn ngoại giao trong nước và quốc tế nên tên gọi “Nhà Giao tế” ra đời từ đó. Năm 1973, tại đây diễn ra hội nghị quân sự bốn bên gồm: Đại diện phái đoàn Quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Đại diện phái đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại diện phái đoàn quân sự Mỹ và Đại diện phái đoàn quân sự Việt Nam Cộng hòa, bàn về việc thực thi các điều khoản đã được ký trong Hiệp định Paris dưới sự giám sát của Ủy ban Quốc tế.
Chánh điện trong chùa Sóc Lớn. Chùa Sóc Lớn tọa lạc ấp Sóc Lớn (xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước) là ngôi chùa Khmer lâu đời nhất ở Bình Phước, được xây dựng năm 1931, đến năm 1937 chùa được khánh thành. - Ảnh: binhphuoc.gov.vn |
Bình Phước hiện có 4 loại hình sản phẩm du lịch đang được khai thác và phát triển chủ yếu, gồm: Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh và du lịch cuối tuần. Với du lịch tâm linh, du khách có thể đến thăm ngôi chùa Khmer được xây dựng năm 1931 tại huyện Lộc Ninh, gắn liền với Phật giáo Nam Tông Tiểu thừa, qua tiếng nói, chữ viết, các lễ hội truyền thống, các hình thức nghệ thuật như: kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc. Hoặc đến thăm Sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng, nơi có đông đồng bào dân tộc S'tiêng sinh sống, để ôn lại năm tháng sôi động của đồng bào S’tiêng kháng chiến chống Mỹ và được hòa mình vào âm thanh rộn ràng của tiếng chày xen lẫn tiếng cồng chiêng, uống rượu cần, thưởng thức thịt nướng, cùng thanh niên nam nữ biểu diễn các điệu múa, nghe già làng kể chuyện về sóc Bom Bo bên ánh lửa hồng.
Anh Đoàn Quý, du khách ở Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Mảnh đất đất Bình Phước còn ít người biết tới vì thực sự du lịch ở đây chưa phát triển. Tuy nhiên đổi lại là sự hoang sơ, bình dị, gần gũi mà du khách dễ dàng cảm nhận được. Chính vì ít khách du lịch nên các điểm đến là nơi mà chúng tôi có sự tò mò để khám phá, như đi thăm rừng Cát Tiên, thăm các bản làng của đồng bào các dân tộc nơi đây."
Bình Phước có đông đồng bào các dân tộc sinh sống như M’nông, S’tiêng, Mạ, Châu Ro... chính vì thế cũng có nhiều lễ hội phong phú, độc đáo, làm giàu thêm nét đẹp truyền thống văn hóa của miền đất đỏ bazan màu mỡ, tiêu biểu là: Lễ hội miếu Bà Rá, Lễ hội Phá Bàu, Lễ hội đâm trâu, Lễ bỏ mả, Lễ cầu mưa... Đến Bình Phước, du khách còn được thưởng thức các món ăn độc đáo của người dân nơi đây như Đọt mây nướng, món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của người đồng bào S’tiêng.