(VOV5) - Festival trái cây và sản phẩm OCOP lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Sơn La và là Festival có quy mô toàn quốc, lớn nhất từ trước đến nay.
Tối 28/5, tại Quảng trường Thành phố Sơn La, khai mạc Festival trái cây, sản phẩm Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) Việt Nam năm 2022.
Một gian hàng tại Festival. Ảnh: Vĩnh Phong/VOV5 |
Festival có gần 500 gian hàng chia thành các khu vực: “Nông sản Việt và sản phẩm OCOP - vươn ra Thế giới”; Triển lãm “Thành tựu phát triển nông nghiệp Việt Nam”; Triển lãm “Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và tiềm năng phát triển của tỉnh Sơn La”... Chuẩn bị cho Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022, tỉnh Sơn La đã lựa chọn được hơn 200 mặt hàng nông, lâm, thủy sản tiêu biểu của 12 huyện, thành phố tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Trong đó, có gần 60 sản phẩm OCOP.
Ông Lê Huy Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, cho biết: tại Festival này, huyện Yên Châu các loại trái cây đặc sản như chuối, xoài, các sản phẩm OCOP như tỏi đen, các sản phẩm chế biến từ trái cây như chuối, mận hậu…: “Qua festival lần này, rất mong các sản phẩm nông nghiệp của huyện Yên Châu được nhân dân và du khách biết đến và từng bước, các sản phẩm sẽ được xuất khẩu đi các nước trên thế giới như Châu Âu, Mỹ, Australia. Từ đó, sẽ khẳng định được thương hiệu sản phẩm xuất khẩu, thị trường trong nước và nước ngoài sẽ biết đến các sản phẩm nông sản từ Yên Châu để từng bước tiêu thụ và nâng cao sản lượng sản phẩm của huyện”.
Festival trái cây và sản phẩm OCOP lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Sơn La và là Festival có quy mô toàn quốc, lớn nhất từ trước đến nay, được đông đảo các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia. Mỗi tỉnh, thành phố tham gia 1 - 2 gian hàng, trưng bày các sản phẩm trái cây đặc hữu và sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.
Hiện có hơn 1.300 sản phẩm là đặc sản vùng miền như các loại trái cây tươi, sản phẩm chế biến, sản phẩm OCOP đã được giới thiệu tại các gian hàng số để sẵn sàng phục vụ các yêu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Nguyễn Thị Tân, Giám đốc Công ty TNHH Tân Phát Bắc Giang, cho rằng: “Festival là một sân chơi mà có thể kết nối cung-cầu giữa người dân và thị truồng được rộng mở hơn. Đặc biệt, quan sự kiện này, người dân có thể học hỏi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về nuôi trồng, quảng bá các thương hiệu trái cây của vùng miền trên cả nước”.
Tỉnh Sơn La hy vọng Festival sẽ là cơ hội để quảng bá con người và những sản phẩm đặc trưng, độc đáo của tỉnh. Đồng thời là dịp để kết nối giữa Sơn La và các tỉnh trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại.