Kinh tế Việt Nam 2020 - Thành công từ bản lĩnh và trí tuệ

(VOV5) - Việt Nam là một trong không nhiều quốc gia tăng trưởng cao nhất trên thế giới và sự nỗ lực, sức chống chọi bền bỉ trong đại dịch Covid-19.

Theo Ngân hàng thế giới năm 2020, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mức 2,8% và Quỹ tiền tệ quốc tế dự báo là 2,4%. Việt Nam là một trong 4 nền kinh tế trên thế giới có được sự tăng trưởng về GDP bình quân đầu người. Tuy tăng trưởng GDP năm 2020 không đạt như kế hoạch nhưng nhìn trên bức tranh toàn cầu, Việt Nam là một trong không nhiều quốc gia tăng trưởng cao nhất trên thế giới và sự nỗ lực, sức chống chọi bền bỉ trong đại dịch Covid-19.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Năm 2020, sự xuất hiện của dịch COVID-19 khiến tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam bị ảnh hưởng trầm trọng nhưng Việt Nam vẫn là một trong hai quốc gia của châu Á đạt tăng trưởng dương, đời sống người dân cơ bản vẫn được bảo đảm, không rơi vào khủng hoảng. 
 
Kinh tế Việt Nam 2020 - Thành công từ bản lĩnh và trí tuệ - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
-Nguồn: TTXVN. 
Trình bày Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; Dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho rằng: Đạt được kết quả như trên, một trong những nguyên nhân quan trọng là Chính phủ Việt Nam đã thực hiện với quyết tâm rất cao trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt và phục vụ nhân dân. Đồng thời luôn chủ động, linh hoạt, hiệu quả và khả năng thích ứng cao và có đối sách phù hợp, kịp thời với những vấn đề mới phát sinh và diễn biến tình hình quốc tế, trong nước. Rõ nét nhất chính là trong những diễn biến bất ngờ, phức tạp của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã kịp thời và kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng chống dịch vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hoá, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN); GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục duy trì và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến động mạnh."

Kinh tế Việt Nam 2020 - Thành công từ bản lĩnh và trí tuệ - ảnh 2Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương.

Ảnh: tapchicongthuong.vn

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng thương mại của Việt Nam vẫn đạt những kết quả tích cực. Đặc biệt, xuất khẩu vẫn tăng trưởng dương và xuất siêu đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Ước cả năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 527 tỷ USD, tăng 1,8% so với năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1% so với năm 2019.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, cho rằng: "Trong bối cảnh hầu hết các nước trên thế giới tăng trưởng âm, với mức tăng trưởng xuất khẩu 1% của Việt Nam là rất đáng ghi nhận, được cộng đồng kinh tế quốc tế đánh giá cao. Những kết quả trên góp phần khẳng định tính hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị, Chính phủ và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, của nhân dân. Trong đó, có cả sự đóng góp quan trọng của các cơ quan xúc tiến thương mại cả nước."

Năm 2020, Việt Nam và các nước đã ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP). RCEP có sự tham gia của 16 nước, gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 nước châu Á –Thái Bình Dương như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các nước đối tác.

Cũng trong năm 2020, Việt Nam bắt đầu triển khai thực hiện các cam kết của Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA). Những thành công trong việc thực hiện các cam kết của các hiệp định thể hiện tinh thần cam kết hội nhập, cải cách trong nước của Chính phủ Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng: Việt tham gia EVFTA, RCEP và triển khai thực hiện CPTPP tạo cho Việt Nam có một vị thế mới, khẳng định Việt Nam là một miền đất tốt cho các nhà đầu tư. Kết quả này khẳng định nỗ lực của cả một quá trình và tạo ra sức hấp dẫn quốc tế, sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các đối tác nước ngoài; củng cố thêm thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế.

Từ đó cho thấy những thay đổi mang tính nền tảng sẽ tạo ra những yếu tố căn bản bảo đảm sự tăng trưởng. "RCEP cũng tạo 3 điều kiện rất lớn, chưa kể các tác động gián tiếp, thứ nhất là những lĩnh vực phục vụ người tiêu dùng – mà với một khu vực tiêu dùng lớn như thế này, sức mua ngày càng lớn do tầng lớp trung lưu ngày càng nổi lên thì rõ ràng rất nhiều lĩnh vực sẽ đem lại cơ hội kinh doanh như du lịch, giáo dục, giải trí, y tế, bán lẻ… Thứ 3, khu vực này là khu vực rất là hấp dẫn đầu tư và đã thể hiện rõ ngay cả trong thời covid-19 này. Khi các nhà đầu tư đến Việt Nam và cùng với các mạng sản xuất chuỗi giá trị thì sự tham gia đó cùng với logistic nữa thì đấy không chỉ là cơ hội cho phát triển công nghiệp hỗ trợ mà còn là các dịch vụ hỗ trợ cho các mạng sản xuất và các chuỗi cung ứng này."

Chính phủ Việt Nam đã trình Quốc hội 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, trong đó: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người… Trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt là dịch Covid-19, Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Những thành công đạt được trong năm 2020 sẽ là những tiền đề để Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng của năm 2021 cũng như các năm tiếp theo.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác