(VOV5) - Tuy tăng trưởng kinh tế năm 2021 suy giảm nhưng đổi mới sáng tạo và kinh tế số đã có dấu hiệu khởi sắc.
Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: saigondautu.com.vn |
Sáng 25/4, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022, đồng thời, công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021 của trường.
Với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19", hội thảo thảo luận, làm rõ bối cảnh quốc tế và những tác động của tình hình thế giới đến kinh tế Việt Nam; phân tích những cơ hội và thách thức trong năm 2021; đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết: Tuy tăng trưởng kinh tế năm 2021 suy giảm nhưng đổi mới sáng tạo và kinh tế số, vốn là những động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, đã có dấu hiệu khởi sắc. Năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt được mục tiêu 6-6,5%.
Cũng tại Hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị, các chính sách của Chính phủ cần tập trung hướng đến việc hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh "sống chung với COVID-19". Trong đó, chính sách tài khoá phải được coi là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất. Ngoài hỗ trợ tài khoá, Chính phủ cũng cần hỗ trợ tín dụng và hướng đến các doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường. Đặc biệt, cần chú trọng hướng chuyển các dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng "nóng" ở các thị trường tài sản.