(VOV5) - Tổng cục Thủy sản phải tăng cường xúc tiến thương mại sang các thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc …để bù đắp phần thiếu hụt của một số thị trường đang tạm ngưng nhập hàng.
ảnh minh họa - Tạp chí Tài chính |
Ngày 7/2, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có buổi làm việc với các địa phương, doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xuất khẩu cá tra của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua.
Tại cuộc họp, Tổng cục Thủy sản cho biết, diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL đạt 6.600 ha, tăng hơn 22% so với năm 2018. Sản lượng đạt 1,42 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD, giảm hơn 11%. Dự báo năm nay cũng là năm thách thức lớn đối với ngành hàng cá tra vì một số thị trường chính đang giảm nhập mặt hàng này.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu, cần phải đẩy mạnh kiểm soát đầu vào, nhất là con giống; và các địa phương cần phải quản lý tốt quy hoạch vùng nuôi để tránh tình trạng cung vượt cầu.
Trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản phải tăng cường xúc tiến thương mại sang các thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc …để bù đắp phần thiếu hụt của một số thị trường đang tạm ngưng nhập hàng.