PAPI 2022 cho thấy những nỗ lực của Việt Nam nhằm khắc phục các tác động của dịch COVID-19

(VOV5) - Sáng nay (12/04),  Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng các đối tác công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022.

Báo cáo trình bày kết quả ý kiến phản hồi từ hơn 16.000 người tham gia khảo sát được lựa chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh, thành phố. Đây là con số kỷ lục trong 14 năm thực hiện khảo sát PAPI.

PAPI 2022 cho thấy những nỗ lực của Việt Nam nhằm khắc phục các tác động của dịch COVID-19 - ảnh 1

Quang cảnh Hội nghị công bố Chỉ số PAPI 2022. Ảnh: qdnd.vn

Phát biểu tại lễ công bố, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, nhấn mạnh: "Với hàng trăm nghìn điểm dữ liệu được thu thập từ người dân, tức là đối tượng người dùng cuối cùng của dịch vụ công, PAPI giúp chúng ta nhận diện được khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn để cung cấp thông tin cho các cơ quan hoạch định chính sách và các cơ quan quản lý ngành. Điều này tạo ra những động lực cải thiện hiệu quả quản trị Nhà nước. Chúng tôi tin rằng những dữ liệu được chia sẻ trong PAPI sẽ đem lại những góc nhìn chuyên sâu quý báu để Việt Nam tối ưu hơn nữa và hiện thực hóa chương trình Nghị sự lập pháp 2023, bao gồm cả những nội dung trọng tâm chính sách của PAPI, như: sửa đổi Luật Đất đai 2013. Các phát hiện được chia sẻ trong báo cáo cũng có thể được sử dụng làm cấp so sánh để theo dõi đánh giá tình hình thực hiện Luật Dân chủ cơ sở 2022 sẽ bắt  đầu có hiệu lực từ tháng 7 năm nay".

PAPI năm 2022 đo lường 8 chỉ số nội dung, gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử. Theo khảo sát, tỉnh Quảng Ninh đứng đầu trong bảng xếp hạng PAPI 2022, đứng thứ 2 và thứ 3 lần lượt là Bình Dương và Thanh Hóa. So với kết quả PAPI năm trước đó, nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận mức độ cải thiện đáng kể ở các chỉ số: “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”; “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương” và “Quản trị điện tử”.

Kết quả khảo sát của PAPI cũng cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong năm 2022 nhằm khắc phục các tác động kinh tế - xã hội của hai năm đại dịch COVID-19 đã giúp tăng niềm tin của người dân vào điều kiện kinh tế của hộ gia đình và của quốc gia trong năm qua. Đáng chú ý, có tới hơn 66% số người được hỏi đánh giá nền kinh tế quốc gia là “tốt”, tăng 19,4% so với một năm trước đó; 56% số người được hỏi khẳng định điều kiện kinh tế hộ gia đình của họ tốt hơn, cao hơn so với tỉ lệ 52% năm 2021.

 Phương Liên - Trang Uyên

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác