Quản lý nợ công: Đảm bảo cho sự phát triển

(VOV5) - Đây cũng là chủ đề được các đại biểu và cử tri quan tâm bởi những giải pháp đưa ra nhằm giảm áp lực nợ công

Trong tuần làm việc cuối cùng này, Quốc hội sẽ thông qua Luật quản lý nợ công ( sửa đổi). Đây cũng là chủ đề được các đại biểu và cử tri quan tâm bởi những giải pháp đưa ra nhằm giảm áp lực nợ công, trong đó chú trọng tới vấn đề giảm bội chi với sự tham gia của nhiều ngành, các địa phương sẽ tạo cơ sở tăng trưởng ổn định.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:     

Những điểm sáng trong kinh tế Việt Nam  trong năm nay là không thể phủ nhận nhờ những nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là của Chính phủ. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Kiểm soát lạm phát, kỷ luật ngân sách chặt chẽ hơn kéo giảm được bội chi ngân sách xuống dưới 3,5% GDP, nợ công từ 63,6% xuống còn 62,6% GDP.

Tuy vậy, để trần nợ công không vượt ngưỡng mà Quốc hội cho phép 65% GDP từ nay đến năm 2020 là vấn đề đáng quan tâm và bàn thảo của nhiều đại biểu bên trong nghị trường, ngoài hành lang Quốc hội và trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng.

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này như sau:“ Giải pháp về tình hình nợ công là vấn đề cử tri quan tâm. Nguyên nhân dẫn đến nợ công là do đầu tư công và giải pháp tập trung sắp tới là quản lý đầu tư công như thế nào”.

Quản lý nợ công: Đảm bảo cho sự phát triển            - ảnh 1Ảnh: Cafef.vn 

Đầu tư dàn trải, nhiều dự án không hiệu quả là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ công tăng cao. Quan điểm sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả đã được nhiều đại biểu chia sẻ, trong đó có bà Nguyễn Thanh Thủy, đại biểu Quốc hội đoàn Hậu Giang:“ Trong quản lý nợ công làm thế nào để đảm bảo an toàn nợ công tức là khi vay vốn trong nước và nước ngoài thì hiệu quả trong vốn đầu tư công là quan trọng. Vay vốn và trả nợ công là áp lực nhưng Cử tri quan tâm nhiều hơn nữa là hiệu quả vốn vay trong đầu tư”

Quản lý nợ công: Đảm bảo cho sự phát triển            - ảnh 2 Ảnh: VOV

Để đảm bảo duy trì trần nợ công  không vượt ngưỡng cho phép thì cần phải sử dụng vốn hiệu quả và phải giám sát chặt chẽ vấn đề nợ công. Chỉ có như vậy mới vừa đảm bảo an toàn nợ công nhưng vẫn duy trì nguồn vốn cho sự phát triển.

Đáp ứng những băn khoăn này, Bộ trưởng tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định về việc triển khai những giải pháp như sau: “Triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý nợ công, tăng cường thể chế, quốc hội thảo luận và thông qua luật quản lý nợ công sửa đổi, tăng cường quản lý nợ công,phối hợp các bộ ngành quản lý ODA…Giải pháp đầu tư công cho nguồn vốn vay chỉ cho các dự án quan trọng. Cần phải tập trung vào sử dụng vốn vay có tác động lan tỏa từng bước kiểm soát tăng nợ công. Bội chi ngân sách, lộ trình cắt giảm bội chi. Vì bội chi liên quan đến nợ công.  Bố trí trả nợ đúng hạn. Minh bạch tài chính công, kiểm soát chặt chẽ đầu tư công”

Đồng quan điểm với những giải pháp của ngành tài chính, bà Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, giải pháp lâu dàu vẫn là cơ cấu thu chi ngân sách và cơ cấu nợ công: “ Muốn nợ công đảm bảo an toàn, giảm xuống. Bộ tài chính cần phải làm là cơ cấu lại thu chi ngân sách, cơ cấu nợ công. Phối hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kỷ luật tài chính, cơ cấu lại thu chi ngân sách. Minh bạch tài chính cần. Chi thường xuyên quá lớn mà chi đầu tư thấp. giảm bội chi ngân sách, xây dựng khung quản lý nợ công và quản lý rủi ro, phát triển thị trường tài chính, thị trường vốn. Huy động trong nước phải tăng lên và vay nợ phải giảm đi, và kéo dài tình trạng nợ ra”

Việc thông qua Luật quản lý nợ công ( sửa đổi) trong những ngày tới hy vọng sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để từng bước khắc phục được tình trạng nợ công tăng cao và khi đó sẽ có cơ sở phân định trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, đơn vị, từ đó, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn và bền vững, tạo tiền đề cho tăng trưởng ổn định.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác