Sức lan tỏa từ một cuộc vận động

(VOV5) - Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, sau bốn năm được Bộ Chính trị phát động ngày càng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân. Phóng viên VOV5 ghi lại một số ý kiến tại hội nghị “4 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa được Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức tuần qua tại Hà Nội. 

 Sức lan tỏa từ một cuộc vận động - ảnh 1

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Ngày 31/7/2009, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành văn bản số 264-TB/TW về việc tổ chức cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Sau thời điểm này, các chương trình hưởng ứng đã được phát động trên toàn quốc. Cuộc vận động từng bước làm thay đổi ý thức, thái độ của người tiêu dùng và cả nhà kinh doanh đối với hàng nội, cũng như góp phần sản xuất ra nhiều hàng hoá Việt Nam có chất lượng và sức cạnh tranh cao hơn. Hơn 4 năm qua, tại các hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh như: Metro, Big C, Co.op Mart, Fivimart, Hapro, Intimex…sản phẩm nhập khẩu giảm dần đáng kể, chỉ chiếm khoảng 10-20% trong tổng lượng hàng hóa. Hàng nội đến nay đã chiếm tới 80-90%. Không chỉ tăng về số lượng được bày bán mà lượng tiêu thụ hàng nội những năm gần đây cũng đã tăng mạnh. Theo bà Nguyễn Thị Hậu, phó tổng giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart Hà Nội, nguyên nhân chính là chất lượng, mẫu mã hàng hóa Việt đã được cải tiến nhiều và giá cả cũng đã cạnh tranh hơn. Bà khẳng định: "
Tỷ lệ hàng nội khi chúng tôi mới bắt đầu làm siêu thị là 60%, dần dần tỉ lệ này được dịch chuyển. Hiện nay hàng ngoại chỉ chiếm trên dưới 10% thôi. Đa phần là hàng sản xuất trong nước. Việc này chứng minh rằng người VN ngày càng tự hào khi sử dụng những sản phẩm Việt có uy tín và chất lượng".

 Sức lan tỏa từ một cuộc vận động - ảnh 2

Tuy vậy, theo bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), hàng Việt không nên hiểu đơn thuần là những sản phẩm do các công ty 100% vốn trong nước sản xuất, mà còn là sản phẩm của các công ty nước ngoài liên doanh với các công ty Việt Nam sản xuất. Ngoài ra, sản phẩm của các tập đoàn, công ty đa quốc gia sản xuất ở Việt Nam, mang thương hiệu quốc tế vẫn được coi là hàng nội địa. Cũng theo bà Hạnh, mặc dù khuyến khích dùng hàng hàng Việt, nhưng tinh thần của cuộc vận động không hề “bài ngoại”, đóng cửa đối với hàng hóa của nước ngoài. Hàng ngoại còn được coi là những đối thủ cạnh tranh để cho các nhà sản xuất trong nước phải cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, kiểu dáng, giảm giá thành để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Thực tế, hàng “made in Việt Nam” rõ ràng có thế mạnh về giá, phù hợp nhu cầu bình dân của đại đa số người dân, mạng lưới phân phối rộng khắp. Bà Vũ Kim Hạnh cũng cho rằng, để thói quen tiêu dùng hàng Việt Nam thực sự “ăn sâu, bám rễ” vào từng người dân, thì phải xây dựng được hệ thống phân phối xuống tận vùng nông thôn, để mọi người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận và sử dụng hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng. Theo bà Hạnh: "Lâu nay các doanh nghiệp trong nước bỏ quên thị trường nông thôn. Chúng tôi nghĩ rằng qua cuộc vận động này, bản thân các doanh nghiệp phải cố gắng. Chất lượng phải đảm bảo trên thực tế, giá phải hợp lý, cái đó là quan trọng nhất. Qua đó chứng minh với người tiêu dùng rằng sử dụng hàng của Việt Nam cũng không thua kém gì hàng nhập ngoại. Chúng ta có thể liên kết, kết nối với nhau trong việc đưa hàng về nông thôn".

Thực hiện chương trình "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tổ chức đưa hàng về bán lưu động tại khu vực nông thôn, các khu công nghiệp, các khu dân cư ngoài đô thị. Đây là khâu đột phá nhằm loại bỏ hàng giả, hàng thấp cấp của nước ngoài và phát triển mạng lưới bán lẻ hàng Việt nơi vùng sâu, vùng xa. Với kinh nghiệm của đơn vị từng tổ chức thành công hàng trăm chuyến đưa hàng về vùng nông thôn của 17 tỉnh trong cả nước, ông Phí Ngọc Chung, Giám đốc Công ty TNHH Trung Thành, một trong những doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến tham gia chương trình này cho rằng: "Tôi cho đây là cơ hội rất tốt để chúng tôi tiếp cận người tiêu dùng trực tiếp và tìm hiểu nhu cầu, mong muốn của người tiêu dùng. Từ đó chúng tôi sẽ đưa ra chính sách, chiến lược bán hàng và sản xuất phù hợp với người tiêu dùng".

 Sức lan tỏa từ một cuộc vận động - ảnh 3

Lâu nay, người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn “tâm lý và thói quen” sính hàng ngoại, thể hiện rõ nhất ở nhiều mặt hàng tiêu dùng hàng ngày của người Việt. Tâm lý tiêu dùng ấy từ lâu cho rằng, hàng ngoại luôn tốt hơn hàng nội, chẳng hạn như mặt hàng sữa. Điều này gây thiệt hại cho chính người tiêu dùng và cho cả doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm- Bộ Y tế cho biết, nhiều sản phẩm sữa của Việt Nam hiện nay đã đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu được vào các thị trường khó tính hàng đầu thế giới. "Chúng ta có thể tự tin nói rằng, những sản phẩm sản xuất tại Việt Nam hoàn toàn đạt những tiêu chuẩn phù hợp thông lệ quốc tế về an toàn thực phẩm. Đó là tiêu chuẩn ISO, HACAPP, và ngay cả những tiêu chuẩn GMP".

Có thể thấy sau 4 năm thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế. Nhưng đây chỉ là một cuộc vận động nhằm khuyến khích tiêu dùng hàng nội, chứ không phải là một quyết định hành chính mang tính bảo hộ mậu dịch, lại càng không phải là định hướng buộc người tiêu dùng trong nước phải mua hàng hóa giá cao, chất lượng thấp chỉ vì đó là hàng nội. Ở một góc độ khác, cuộc vận động này cũng chính là để phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc. Và qua đó nhắc nhở cả nhà sản xuất và người tiêu dùng Việt Nam về việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng như xây dựng văn hóa tiêu dùng, với tinh thần người Việt ưu tiên dùng hàng Việt./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác