Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì được xây dựng với mục tiêu tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của ba đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, bao gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Với những ưu đãi chưa từng có về thuế, đất đai, Dự thảo luật được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá để các đặc khu phát triển, đóng góp vào nền kinh tế đất nước.
Nghê âm thanh bài viết tại đây:
Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt có đột phá quan trọng hàng đầu để thu hút đầu tư là tinh gọn bộ máy hành chính. Chính quyền các đặc khu sẽ áp dụng dịch vụ hành chính “một cửa, tại chỗ”, ủy ban nhân dân đặc khu toàn quyền giải quyết mọi thủ tục cho nhà đầu tư.
Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cần phải có cơ chế thoáng để tạo đột phá trong thu hút đầu tư. - Ảnh: Lê Tiên/ Báo Đấu thầu |
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng có chính sách ưu đãi về thuế, đất đai chưa từng có trong lịch sử đầu tư của Việt Nam, như: thu hẹp ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (từ 243 ngành, nghề xuống còn 108 ngành nghề). Mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở.
Về thuế, dự án được miễn thuế nhập khẩu trong 7 năm (tính từ khi bắt đầu sản xuất); thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung, dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được thiết kế với những quy định có thể bảo đảm tính cạnh tranh, vượt trội so với những quy định pháp luật hiện hành: "Dự thảo luật chủ trương thiết kế 1 mô hình chính quyền của đặc khu cùng các cơ quan nhà nước khác bảo đảm tính vượt trội, trong đó, đề cao trách nhiệm của cá nhân, gắn liền với sự giám sát, kiểm soát của các cơ quan nhà nước, của cộng đồng và của người dân, doanh nghiệp. Về kinh tế, dự thảo luật đưa ra 10 chính sách lớn.
Đây là những điểm rất cơ bản và có thể bảo đảm tính cạnh tranh, tính vượt trội so với các quy định hiện hành của ta cũng như so với quy định hiện hành của các quốc gia, vùng lãnh thổ có mô hình này. Các chính sách đưa ra phải được công khai, minh bạch, mọi người đều có quyền và có thể thực hiện quyền giám sát.
Khi thể chế cho các đặc khu được hoàn thiện và đi vào thực tiễn, Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được hy vọng sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Dự kiến sau giai đoạn 2020, các đặc khu sẽ đóng góp về thu ngân sách, tăng trưởng GDP cũng như thu nhập bình quân đầu người vượt trội so với hiện tại.
Ước tính tại đặc khu Vân Đồn, Nhà nước sẽ thu được khoảng 4 tỉ USD từ thuế, phí và các nguồn thu từ đất. Tương tự, tại Bắc Vân Phong, Nhà nước có khả năng thu được khoảng 2,2 tỉ USD từ thuế, phí và các nguồn thu từ đất, đóng góp tăng GDP địa phương hàng tỷ đôla Mỹ mỗi năm.
Tiềm năng mà đặc khu Phú Quốc mang lại cũng rất hấp dẫn với khoảng hơn 3 tỉ USD từ thuế, phí và các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỉ USD trong giai đoạn 2017-2030. Bên cạnh đó là những cơ hội việc làm mới cho người lao động, gia tăng thu nhập bình quân đầu người.
Tuy nhiên, để đạt được những con số ấn tượng này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng ưu đãi về thuế, giá thuê đất vẫn không đủ để thu hút đầu tư mà điều quan trọng của một đặc khu kinh tế chính là yếu tố thể chế vượt trội để có thể thu hút đầu tư:
"Đặc khu kinh tế không phải chỉ là một khu công nghiệp mà nó phải là một quốc gia thu nhỏ. Ở trong đấy được phép phát triển tất cả các hoạt động về kinh doanh phục vụ đời sống, có người dân sinh sống và có các thể chế hành chính đặc biệt. Để đảm bảo thành công thì nó phải giữ sự đảm bảo chính sách, đảm bảo lòng tin, sự nhất quán, nhất là đối với các dự án đầu tư dài hạn.
Thời kỳ đầu cũng nên có các đầu tư mồi và có những chính sách rất đặc biệt để khuyến khích các nhà đầu tư mồi đầu tư hạ tầng vào, từ đó, tạo nền tảng cho các nhà đầu tư khác.
Thực tế trên thế giới cho thấy việc xây dựng đặc khu kinh tế thành công sẽ tạo ra động lực mới cũng như sự bứt phá về phát triển kinh tế, không chỉ cho các địa phương thực hiện mô hình này mà còn cho cả quốc gia đó.
Việt Nam là quốc gia đi sau trong việc thiết lập đặc khu kinh tế, do đó, tại các đặc khu kinh tế này cần có những điểm thu hút hơn chứ không chỉ là những ưu đãi theo tư duy cũ. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng:
"Ưu đãi lớn nhất là ưu đãi về cách nhìn đối với một đặc khu, với thể chế bộ máy, với chức năng, quyền hạn, quy trình và làm sao tạo được sự hấp dẫn. Sự hấp dẫn này gồm có cả giao diện, sự thân thiện, đáng sống, đáng làm việc, đáng đầu tư.
Bên cạnh đó là sự minh bạch, tính tiên liệu cao và giảm thấp nhất cho chi phí giao dịch của doanh nghiệp. Phải làm sao phải tạo ra được một thể chế vượt trội so với thể chế hiện hành của Việt Nam, đồng thời, cạnh tranh được với các đặc khu khác trên thế giới"
Đặc khu hành chính - kinh tế được kỳ vọng sẽ mang lại những tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam. Quan trọng hơn, đây sẽ là nơi thí nghiệm những chính sách mới, thực nghiệm thể chế làm cơ sở để áp dụng với những đặc khu kinh tế sẽ được thành lập trong tương lai.