(VOV5) - Các địa phương trong tỉnh Sơn La nói chung, huyện Mai Sơn nói riêng, đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Sơn La là tỉnh miền núi, vùng cao, với nhiều ưu đãi về đất đai, khí hậu rất phù hợp để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Trong đó, quả Thanh Long, một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh. Được trồng từ năm 2010, với chất lượng đảm bảo, những qủa thanh long Sơn La đã khẳng định được thương hiệu và xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây.
Với diện tích trên 200 ha, năm nay, hợp tác xã Ngọc Hoàng dự kiến thu hái khoảng 3 nghìn tấn quả thanh long. Ảnh: VOV |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tiếp cận với thị trường xuất khẩu từ năm 2016, đến nay Hợp tác xã (HTX) Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, đã trở thành đơn vị có tiếng trong lĩnh vực xuất khẩu mặt hàng hoa quả tươi. Hiện HTX có trên 200 ha thanh long, sản lượng mỗi năm đạt khoảng 3.000 tấn. Sản phẩm quả thanh long ruột đỏ của hợp tác xã đã được xuất khẩu sang các thị trường như Nga, Pháp... Để quả thanh long đủ điều kiện xuất khẩu, đơn vị đã tuyên truyền các thành viên kiểm soát toàn bộ quy trình, từ khâu chăm bón đến cắt tỉa cành để tạo nên sản phẩm tốt, an toàn; đồng thời, lấy mẫu và kiểm nghiệm sản phẩm. Quả thanh long của HTX xuất khẩu sang thị trường các nước luôn đảm bảo các tiêu chuẩn về mã số vùng trồng và được kiểm dịch thực vật, mẫu mã đẹp, đồng đều, trọng lượng từ 350 gram/quả trở lên. Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc hợp tác xã Ngọc Hoàng, chia sẻ: “Đối với quả thanh long, để đảm bảo xuất khẩu rất cầu kỳ, phải qua các bước. Khi thu hái về phải cẩn thận để quả thanh long không bị dập, sau đó qua rửa lần 1, rửa kiểm soát lần 2 và lần thứ 3 kiểm soát lại, đến khâu thứ 4 mới đóng hộp để xuất khẩu”.
Hiện nay, HTX Ngọc Hoàng đang liên kết với các công ty xuất nhập khẩu uy tín trong nước để giới thiệu sản phẩm đến các thị trường quốc tế. Vừa qua, chuyến hàng thứ 3 trong năm nay được xuất khẩu đi Pháp và Hà Lan với sản lượng 2 tấn. Dù sản lượng chưa nhiều song đây là bước đi quan trọng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh long ruột đỏ của Sơn La ra thị trường thế giới. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu, HTX Ngọc Hoàng hiện đang tập trung phát triển vùng nguyên liệu tại các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, Mộc Châu, Sông Mã và Sốp Cộp… Toàn bộ diện tích trồng thanh long đều được áp dụng quy trình sản xuất sạch theo hướng hữu cơ, Quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản ở Việt Nam (VietGap) và các tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu, GlobalGAP)… Ông Đỗ Danh Nhất, thành viên HTX Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, cho biết: “Để nói về chất lượng quả thanh long xuất khẩu thì phải đảm bảo được quy trình kỹ thuật. Thứ nhất là phân bón hữu cơ; Thứ hai là thuốc trừ sâu phải sử dụng thuốc sinh học”.
Vừa qua, chuyến hàng thứ 3 trong năm 2023 củ HTX Ngọc Hoàng được xuất khẩu đi Pháp và Hà Lan với sản lượng 2 tấn quả thanh long. Ảnh: VOV |
Với kinh nghiệm hàng chục năm trong phát triển cây thanh long ruột đỏ tại Sơn La, HTX Ngọc Hoàng có nhiều lợi thế trong việc tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu. Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc hợp tác xã Ngọc Hoàng, cho biết: “Năm nay, hợp tác xã đã ký hợp đồng với 5 đối tác, mỗi tuần bình quân đưa theo đường hàng không là 6 tấn. Dự tính là đưa sang hệ thống xuất khẩu của Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Đông năm nay là khoảng 2 nghìn tấn”.
Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, các địa phương trong tỉnh Sơn La nói chung, huyện Mai Sơn nói riêng, đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao; trong đó, có cây thanh long. Hiện nay, trên địa bàn huyện Mai Sơn có khoảng trên 100 ha trồng thanh long và là huyện đứng đầu về diện tích trồng thanh long của tỉnh Sơn La. Các hộ trồng thanh long tại đây đã và đang chăm sóc theo đúng quy trình VietGAP. Do đó, sản phẩm thanh long đạt chất lượng tốt và mang lại thu nhập cao.
Tỉnh Sơn La hiện có 300 ha thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, Mộc Châu… với sản lượng trung bình đạt 5.000 tấn/năm. Sản phẩm thanh long Sơn La đã khẳng định được chất lượng, uy tín trên thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga... Việc xuất khẩu hoa quả sang thị trường các nước là mục tiêu chính mà nhiều hợp tác xã ở Sơn La đang hướng tới. Anh Lê Văn Sơn, Công ty cổ phần Cao nguyên Mộc Châu, cho biết: “Một số thị trường chính của công ty đó là Pháp, Italy, Canada, Hà Lan. Về thanh long ở Mai Sơn ở thị trường bên kia họ cũng bắt đầu chấp nhận. Về chất lượng, thanh long Mai Sơn được đánh giá khá là cao, công ty đang tiếp tục chào hàng với 1 số thị trường khác”.
Sau 7 năm có mặt trên thị trường xuất khẩu, sản phẩm thanh long ruột đỏ của Sơn La đã chinh phục được những thị trường khó tính khu vực EU, như: Pháp, Italya, Hà Lan, Nga, Nhật Bản... góp phần nâng cao giá trị quả thanh long ruột đỏ, đồng thời khẳng định thương hiệu và chất lượng nông sản Sơn La trên thị trường quốc tế.