Thoát nghèo nhờ trồng xen canh trên triền đất dốc

(VOV5) - Hiện nay đã có nhiều hộ gia đình thoát nghèo và đổi đời bằng phương pháp trồng xen canh các cây ngắn ngày phù hợp với địa hình đất dốc. 

Huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn là một huyện nghèo, có nhiều xã đặc biệt khó khăn được hưởng lợi từ chương trình 135. Hiện nay đã có nhiều hộ gia đình thoát nghèo và đổi đời bằng phương pháp trồng xen canh các cây ngắn ngày phù hợp với địa hình đất dốc ở đây.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Trên con đường làng nhỏ, ngoằn ngoèo xa trung tâm dẫn vào UBND xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, chúng tôi gặp chị Nông Thị Dương đang đi trên một chiếc xe ga mới với nét mặt rạng rỡ. Anh Hà Văn Hưởng, Phó Chủ tịch xã cho biết trước kia chị là một trong những hộ nghèo, mấy năm nay cuộc sống đã khác nhiều rồi Nhà chị Dương có 2.000 m2 đất ruộng chị chỉ cấy một vụ. Những vụ còn lại chị chia ruộng trồng dưa hấu, dưa lê, trồng đỗ xanh. Thu hoạch xong tiếp tục cấy thêm vụ ngô nữa. Năm nào cũng vậy. Một năm 3 vụ mỗi vụ chị thu về hơn 20 triệu đồng. Đấy là chưa kể 0,8 ha vườn đồi nhà chị đang trồng chuối và dong riềng. Cứ thế, chỉ trong vòng hơn hai năm, hiệu quả nhìn thấy rõ. Từ chỗ nhà ở mé suối xa lắc, chị đã chuyển nhà lên chỗ cao hơn, gần đường, gần khu dân cư. Nói về cái tết năm nay, chị Dương tâm sự: “Tết năm nay nhà tôi có 4 người vẫn thịt con lợn 70 cân. Vì bây giờ qua thực hiện mô hình, gia đình đã có của ăn của để. Hiện nay, gia đình còn nuôi gần 20 con lợn, 50 con vịt, ngoài ra còn trồng các loại rau và cây ăn quả. Năm nay, thu nhập khá, tôi vui lắm”.

Thoát nghèo nhờ trồng xen canh trên triền đất dốc - ảnh 1
Chị Nông Thị Dương bên thửa ruộng dong riềng.

Trước đây, cuộc sống nhà chị Dương chật vật lắm chỉ trồng ngô đắp đổi qua ngày, trồng lúa năng suất chẳng được bao nhiêu. Sau khi tham gia vào dự án hỗ trợ người dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn xây dựng các mô hình sản xuất dựa trên kiến thức bản địa để thích ứng với biến đổi khí hậu của Trung tâm ADC (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông lâm nghiệp miền núi phía bắc), trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên và tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, đời sống gia đình chị đã thay đổi hẳn. Chị đã sắm sửa nhiều đồ đạc trong nhà. Anh Lưu Thanh, giám đốc điều hành dự án của Trung tâm ADC cho biết: “Để giúp người dân phát triển kinh tế và thoát nghèo, Trung tâm ADC hỗ trợ về chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ một phần giống. Ví dụ người dân đăng ký 1 ha thì trung tâm sẽ tính mật độ là bao nhiêu cây rồi sẽ hỗ trợ 50% diện tích họ đang làm. Cách làm này sẽ huy động sự tham gia của cộng đồng. Bên cạnh đó, trung tâm cũng hỗ trợ cả men vi sinh để người dân tự sản xuất phân vi sinh để chăm sóc cây trồng, giảm lượng phân hóa học đi”.

Thoát nghèo nhờ trồng xen canh trên triền đất dốc - ảnh 2
Củ dong riềng nhà chị Dương.

Những ngày đầu dự án triển khai ở xã Mai Lạp, cũng là một xã nghèo của huyện Chợ Mới, người dân có phần e dè vì đã có cả chục dự án của một số tổ chức từng đến đây rồi lần lượt ra đi, đời sống người dân vẫn không hề khởi sắc. Chỉ một lẽ đơn giản theo lời chị Hà Thị Tươi, Chủ tịch Hội phụ nữ xã: “Trước đây một số tổ chức có tập huấn phát triển khoa học kỹ thuật cho bà con nhưng trên lý thuyết không được trực tiếp thực hành. Nhưng dự án ADC này tập huấn đến đâu người ta thực hành cho người dân, cùng dân thực hiện đến đấy thì hiệu quả hơn, nâng cao năng lực cho người dân. Những mô hình mà ADC đang triển khai ở đây đối với bản thân tôi cũng như tổ chức hội phụ nữ xã Mai Lạp thấy phù hợp với quá trình phát triển của nhân dân ở đây”.

Thoát nghèo nhờ trồng xen canh trên triền đất dốc - ảnh 3
Anh Lưu Thanh đang hướng dẫn kỹ thuật cho bà Kim Phượng


Hình ảnh những kỹ sư trẻ của ADC đi đến từng thửa ruộng, khoảnh vườn đồi để chỉ dẫn cặn kẽ, tỉ mỉ phương pháp chăm cây, bón gốc, phòng trừ sâu bệnh đã trở nên thân thiết với bà con dân tộc xã Mai Lạp. Bà Trần Thị Kim Phượng, dân tộc Dao là người đi tiên phong ở xã trong việc áp dụng mô hình trồng chuối xen gừng trên triền đồi dốc do Trung tâm ADC đưa ra năm 2010. Theo chân bà lên thăm mô hình trên vườn đồi rộng 1 ha tại thôn Khuổi Đác, vừa đi bà Phượng vừa cười lớn và kể: “Hồi xưa trồng theo kiểu bản địa, trồng cây nào ăn cây đấy, không biết cách chăm sóc đâu. Cứ khi nào trồng lên, lớn thì chặt ăn thôi. Bây giờ được tập huấn về cách chăm sóc cách trồng, chúng tôi đã chăm sóc đồng bộ hơn. Trước không chăm sóc thì một cây chuối chỉ được 1 đến 2 buồng lên quả. Nay chăm sóc thì cả vườn thu được quả hết”.

Thoát nghèo nhờ trồng xen canh trên triền đất dốc - ảnh 4
Bà Trần Thị Kim Phượng thu hoạch chuối

Nhà bà Phượng không có ruộng, trước kia chỉ trông vào mảnh vườn đồi trồng ngô. Cái nghèo bám riết. Một năm thiếu ăn ba tháng. Sau khi áp dụng mô hình này, trong năm 2011, nhà bà chỉ thiếu ăn một tháng. Đến năm 2012 cuộc sống đã tạm ổn. Sang năm nay, đã có dư dật. Thấy bà Phượng làm ăn hiệu quả, hơn chục hộ trong thôn Khuổi Đác đã áp dụng học theo. Ông Lường Văn Thụ, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Chợ Mới cho biết thêm: “Thấy các xã phía tây trồng chuối thấy hiệu quả hơn và thường xuyên có thu nhập, người dân đã chuyển sang trồng chuối. Những tổ chức hướng dẫn những mô hình ấy phù hợp với tiềm năng thế mạnh của địa phương, đưa năng suất cây trồng vật nuôi tăng lên. Họ hướng dẫn cho bà con  đưa giống chuối tây nuôi cấy mô vào trồng đại trà, quả thu cùng 1 lứa nên quả đồng đều, chất lượng tốt hơn. Ngoài ra bà con còn trồng một số cây vụ đông như đỗ, cây khoai tây…”

Với phương pháp trồng xen giữa cây nông nghiệp và vườn cây ăn quả như trồng chuối xen gừng; trồng cam, quýt xen bí đỏ, khoai sọ do Trung tâm ADC hướng dẫn, thu nhập của hàng trăm hộ gia đình của huyện Chợ Mới mấy năm trở lại đây đã tăng lên. Quan trọng hơn, bà con dân tộc thiểu số đã biết cách canh tác bền vững trên đất dốc dựa vào cây trồng bản địa, từ đó nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông lâm nghiệp./.

Phản hồi

Các tin/bài khác