Vai trò chủ động của người dân trong giảm nghèo

(VOV5) - Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã giảm tỷ lệ nghèo từ 58% (1993) xuống còn khoảng 7,8% (2013) theo chuẩn nghèo quốc gia từng giai đoạn. Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường, đời sống của người dân được cải thiện. Tiến tới giảm nghèo đa chiều và phát huy vai trò chủ động của người dân được coi là những giải pháp căn cơ để Việt Nam tiếp tục giảm nghèo bền vững.



Là tỉnh miền núi với 88% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người H’Mông chiếm trên 31%, Hà Giang xác định muốn giảm nghèo, trước hết cần phát huy vai trò tự lực vươn lên của người dân. Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang, cho biết: “Đến hết năm 2012, tỉnh Hà Giang còn hơn 30% số hộ nằm trong diện nghèo. Trong năm 2013, có khoảng 2 đến 3% số hộ có khả năng thoát nghèo. Có thể tỷ lệ hộ thoát nghèo ít hơn mọi năm, bởi vì năm 2013 có rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thiên tai liên tiếp dẫn đến thu nhập của người dân trên địa bàn có ảnh hưởng.

Vai trò chủ động của người dân trong giảm nghèo  - ảnh 1


Theo bà Phạm Nguyên Cường, chuyên gia của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, phần lớn người nghèo đều mong muốn thoát nghèo, tuy nhiên, họ không biết bắt đầu từ đâu. Vậy nên, điều quan trọng là người thực hiện chính sách phải tùy đặc điểm, lợi thế, khó khăn ở mỗi địa phương để hướng dẫn người nghèo phát huy thế mạnh của bản thân, giúp họ thoát nghèo ngay trên mảnh đất của mình: Muốn trợ giúp được người nghèo thì  phải biết họ mong muốn cái gì và phải làm họ thức tỉnh rằng họ đang nghèo. Cái nghèo đó có thể từ thiên tai hay từ bất cập trong tổ chức đời sống của họ mà họ không nhận ra. Có thể chỉ một cú hích là cho họ học để trồng cây này không được thì trồng cây khác, nuôi còn này không ổn thì nuôi con khác. Như vậy để cho họ phải tự lựa chọn cách thức sản xuất kinh doanh, từ đấy mới trợ giúp thêm. Cái chính là phải thay đổi nhận thức để họ hiểu họ đang nghèo và hãy vươn lên thoát nghèo bằng cách tính toán tại địa bàn của họ, lúc bấy giờ mới giải quyết được bản chất của vấn đề.


Vai trò chủ động của người dân trong giảm nghèo  - ảnh 2


Nghị quyết của Chính phủ về “Định hướng giảm nghèo bền vững thời gian từ năm 2011 đến 2020”, Việt Nam tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho những vùng nghèo nhất, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Việc xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ mới theo hướng mở rộng đối tượng là hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo nhằm hạn chế tái nghèo; khuyến khích tăng cường tính tự chủ, vươn lên của người nghèo. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo chuẩn nghèo, nhằm tăng độ bao phủ chính sách tới các đối tượng và thực hiện mục tiêu giảm nghèo hiệu quả hơn. Về chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, ông Trịnh Công Khanh, Vụ trưởng vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban dân tộc, cho rằng:  Một là rà soát lại chính sách, trong đó nhấn mạnh giảm nghèo trong giai đoạn này tập trung vào việc chúng ta phải lồng ghép các chính sách, các chương trình. Thứ 2 là trao quyền cho người dân. Thứ 3 là tập trung nhân lực cho giảm nghèo. Nếu trước đây chúng ta hỗ trợ cho người dân bằng nhiều tiền và vật chất thì đấy vẫn là trợ cấp xã hội, mà muốn giảm nghèo phải huy động sự tham gia của người dân. Tức là họ phải nỗ lực, phát huy trách nhiệm của họ, coi việc giảm nghèo chính là việc của đồng bào dân tộc. Còn nếu không có sự tham gia của người dân thì Nhà nước đổ bao nhiêu tiền của vào cũng vẫn chỉ là trợ cấp xã hội.


Vai trò chủ động của người dân trong giảm nghèo  - ảnh 3


Quốc hội khóa 13 cũng đang thực hiện nhiệm vụ giám sát tối cao về giảm nghèo trên toàn quốc, giai đoạn 2005-2012 nhằm đánh giá các kết quả giảm nghèo đã đạt được và tìm ra phương hướng cho các mục tiêu giảm nghèo thời gian tới. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, trưởng Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012, nêu rõ: Nên quan tâm thêm mấy vấn đề là: So với mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, chúng ta đạt được ở mức độ như thế nào. Và cái quan trọng là con số đạt được rồi nhưng chất lượng và tính bền vững trong các con số này. Đánh giá từng nhóm chính sách mới khó và tôi xin đề nghị chúng ta mạnh dạn công bố ra Quốc hội nhóm chính sách nào thành công, nhóm chính sách nào hiệu quả còn phải xem xét. Có lẽ chúng ta phải đánh giá như thế cho công bằng với chính sách giảm nghèo.


Sự tham gia của người dân vào công cuộc giảm nghèo là cơ hội tốt để đánh giá lại kết quả thực sự đạt được trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là cơ hội để tìm ra phương pháp đo lường chính xác nhằm thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững trong thời gian tới./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác