Vượt qua thách thức, nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng

(VOV5) - Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, mức tăng trưởng GDP 3,72% trong 6 tháng đầu năm không cao, nhưng không gây bất ngờ và không quá tiêu cực trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm nay của Việt Nam tăng 3,72%. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,74%. Theo phân tích của các chuyên gia, để đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5% của cả năm là thách thức rất lớn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cùng thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp và linh hoạt.
Vượt qua thách thức, nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng - ảnh 1Ảnh minh họa: Minh Hiếu/Vietnam+

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, mức tăng trưởng GDP 3,72% trong 6 tháng đầu năm không cao, nhưng không gây bất ngờ và không quá tiêu cực trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, nhiều quốc gia tăng trưởng thấp và tăng trưởng âm. Với mức tăng trưởng này, nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng thế giới, vẫn dự báo mức tăng trưởng mà Việt Nam có thể đạt được trong cả năm nay là trên dưới 6,5%.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Lê Duy Bình, nhận định: "Khi nhìn con số này ở một góc độ khác, có thể thấy được sự nỗ lực của Chính phủ, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong 6 tháng qua. Đó cũng là cơ sở để kỳ vọng vào mức tăng trưởng tốt hơn trong quý 3 và quý 4 năm nay. Tiêu dùng trong nước, được thể hiện qua tổng mức bán lẻ và doanh thu hàng hóa vẫn giữ được mức tăng khá, khoảng 6,5%. Với tốc độ này, tổng tiêu dùng trong nước trong năm nay có thể đạt 250 tỷ USD, sẽ đóng góp rất nhiều để bù đắp cho xuất khẩu".

Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 317 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước; cả nước có gần 76 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số lao động đăng ký gần 510 nghìn lao động. Bước sang quý III, kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; các biến động về kinh tế, chính trị của thế giới, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh bất thường, khó dự báo. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê, cho biết: "Chúng tôi sẽ cố gắng kết nối để có thêm thông tin nhằm phân tích thêm về tình hình xuất nhập khẩu và làm rõ thêm các kịch bản trong bức tranh kinh tế 6 tháng cuối năm. Để đạt được mức tăng trưởng 6,5% trong năm nay thì những tháng cuối năm sẽ phải tăng 6,7,8,9%. Đây sẽ là thách thức cần sự nỗ lực rất lớn".

Mục tiêu quan trọng nhất được xác định trong những tháng cuối năm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa. Đồng thời, các các bộ, ngành, địa phương… tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác