(VOV5) - Trong văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, chiếc khăn Piêu chứa đựng nhiều ý nghĩa đời sống và tâm linh sâu sắc.
Trong sắc phục của phụ nữ đồng bào dân tộc Thái, khăn Piêu là vật không thể thiếu, được dùng trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, che nắng, che gió, giữ ấm về mùa đông. Ngoài ra còn vừa là điểm nhấn để tôn lên vẻ đẹp riêng có của người con gái Thái.
Khi đi rừng, làm nương, phụ nữ Thái cũng thường dùng khăn Piêu để che đi phần tóc, tránh bị vướng víu, mắc vào cành cây, gọn gàng thuận tiện hơn cho lao động, sản xuất.
Khi mặc trang phục truyền thống, người con gái Thái thường đội trên đầu khăn Piêu để tôn thêm vẻ đẹp duyên dáng trong bộ áo cóm bằng sự rực rỡ sắc màu của chiếc khăn Piêu.
Khăn Piêu được phụ nữ Thái dệt từ bông vải. Khi vải dệt thành tấm đem nhuộm chàm vài lần cho kỹ, vải sẽ không bị bạc màu. Bà con thường dùng khổ vải rộng khoảng 40 phân, dài khoảng một sải tay và được thêu thùa 2 đầu khăn.
Chỉ thêu khăn Piêu thường dùng chỉ tơ tằm nhuộm thành màu xanh, đỏ, tím, vàng... Có 2 loại Piêu theo cách gọi của bà con, một loại gọi là Piêu xôn được thêu đơn giản, không cầu kỳ, thêu chỉ đỏ xen kẽ xanh, đỏ, tím, vàng theo ô khổ vải, giữa các ô được thêu hình cây, quả trám và hoa... Một loại khăn Piêu nữa gọi là Piêu xéo được thêu cầu kỳ nhiều hoa văn rực rỡ phối các chỉ màu thêu trên nền 2 đầu khăn.
Các họa tiết trên khăn Piêu thường được thêu rất cầu kỳ, dễ dàng nhận ra những đường thêu hình hạt Trám (hình thoi) trên hầu hết các loại khăn Piêu. Bởi theo quan niệm của người Thái hạt Trám có ý nghĩa may mắn, bền vững. Các màu sắc trên khăn Piêu còn tượng trưng cho sự thủy chung giữa người vợ và người chồng.
Khi một người con gái Thái lấy chồng thường phải chuẩn bị khoảng 20 – 30 chiếc khăn Piêu để tặng cho họ hàng bên chồng. Để khi đó việc xem các họa tiết thêu trên khăn Piêu sẽ để đánh giá sự khéo léo hay vụng về của một người con gái Thái.
Khi thêu xong khăn, phụ nữ Thái thường dùng vải xanh hoặc đỏ làm nẹp viền theo mép khăn và đính cút piêu (tương tự biểu tượng Khau Cút trên nóc nhà sàn của người Thải) vừa để trang trí khăn Piêu đẹp hơn, vừa có ý nghĩa xua đuổi ma tà. Mỗi chiếc khăn có thể xem là một câu chuyện thể hiện qua họa tiết, sắc màu để nói lên tâm tư, tính cách của mỗi người phụ nữ.
Các cút Piêu được làm từ vải đỏ được cuộn tròn, bên trong lõi là sợi vải. Người cuộn phải rất khéo léo sao cho cút piêu này giống hình ngọn cây dương sỉ và thêu xen kẽ các chỉ màu, xanh, đỏ tím vàng…
Khăn Piêu của người Thái Đen và Thái Trắng cũng có sự khác biệt. Người Thái Trắng thêu khăn Piêu không cầu kỳ, không đính cút và các họa tiết thường có biểu tượng hình chạc cây… Trong ảnh: Biểu tượng “ta leo” là vật trừ đuổi tà ma, bảo vệ thần hồn cho người đội khăn.
Trong đám hiếu của đồng bào Thái phải có từ 4 đến 8 chiếc khăn Piêu để làm đồ lễ cho người đã khuất. Đặc biệt khi vợ hoặc chồng về với tổ tiên trước, một chiếc khăn Piêu sẽ được cắt đôi ra, một nửa cho người ở lại và đến khi người đó cũng về với tổ tiên thì sẽ mang cho người đó. Bà con cho rằng khi cùng về với tổ tiên chiếc khăn Piêu sẽ là vật giao ước để lên thiên đàng nhận lại nhau, lấy chiếc khăn đó ghép vào nhau thành một và nhận lại vợ chồng như thời đang sống dưới trần gian.
Ngoài phục vụ sinh hoạt, làm quà cưới, khăn Piêu còn được dùng để biểu diễn văn nghệ, nhất là trong các điệu múa xòe. Mỗi dịp lễ hội được diễn ra, các chàng trai thường tìm cách tỏ tình với các cô gái thông qua việc cướp khăn Piêu.
Khi xưa, vào những dịp lễ hội, khi cô gái tung còn, chàng trai nào bắt được phải đền cho cô một hoặc hai đôi vòng bạc. Còn khi chàng trai ném còn mà cô gái không bắt được phải đem khăn Piêu ra tặng chàng trai. Chiếc khăn khi ấy trở thành cái cớ để họ hẹn ước, rồi yêu nhau. Nếu cô gái không yêu chàng trai thì có thể đem vật khác đến xin lại chiếc khăn của mình.
Xã hội ngày một phát triển, với nhiều trang phục hiện đại, đa dạng, tiện dụng làm ảnh hưởng không ít đến việc bảo tồn và lưu giữ trang phục truyền thống của đồng bào Thái. Nhưng khăn Piêu vẫn là vật không thể thiếu trong đời sống tâm linh của đồng bào Thái và luôn được chị em phụ nữ Thái tiếp tục thêu dệt như chính công việc đời thường của họ./.