Tối 1/12, tại Hà Nội, đã diễn ra Chương trình Chính luận nghệ thuật “Ánh sao người lính” năm 2024, sự kiện đánh dấu năm đầu tiên tổ chức. Chương trình do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản thực hiện. Ảnh: VOV |
Tham dự chương trình có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương... |
Chương trình đặc biệt có ý nghĩa khi được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024), 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2024). Đây là dịp để tri ân và tôn vinh những đóng góp to lớn của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Chương trình “Ánh sao người lính” được chia thành hai phần chính: "Lý tưởng cách mạng soi đường" và "Chí thép - lòng son". Ảnh: VOV |
Thông qua những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, kết hợp với các phóng sự, chương trình đã tạo ra những cảm xúc mạnh mẽ, khơi dậy niềm tự hào về sức mạnh chính trị, tinh thần của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trải qua 80 năm xây dựng và trưởng thành, quân đội không ngừng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng đủ khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Khai mạc Festival hoa Đà Lạt lần thứ 10
Tối 5/12, tại Quảng trường Lâm Viên bên bờ hồ Xuân Hương thơ mộng, Festival hoa Đà Lạt lần thứ 10 năm 2024 đã chính thức khai mạc.
Khai mạc Festival hoa Đà Lạt lần thứ 10 năm 2024 với các tiết mục văn nghệ, sân khấu hóa đặc sắc. Ảnh: Quang Sáng/VOV |
Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cơ quan Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành trong cả nước, các phái đoàn ngoại giao nước ngoài tham dự khai mạc Festival. Ảnh: Quang Sáng/VOV |
Với chủ đề “Hoa Đà Lạt - Bản giao hưởng sắc màu”, Festival hoa Đà Lạt lần thứ 10 năm 2024 khẳng định thành phố Đà Lạt là thành phố Festival Hoa của Việt Nam, là lễ hội đặc trưng của thành phố cao nguyên thơ mộng, thành phố sáng tạo trong lĩnh vực Âm nhạc của UNESCO và là thành phố thuộc “Nhóm 5 thành phố Festival ấn tượng của Châu Á”. Đồng thời, tiếp tục tôn vinh những giá trị về hoa và nghề trồng hoa; tạo cơ hội để ngành hoa Đà Lạt gắn kết, lan tỏa, phát triển cùng ngành du lịch, công nghiệp văn hóa và hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh Lâm Đồng.
Phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm và những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt đã đạt được trong những năm qua. Ảnh: Quang Sáng/VOV |
Festival hoa Đà Lạt lần thứ 10 năm 2024 kéo dài đến hết ngày 31/12, hứa hẹn với nhiều nội dung, chương trình đặc sắc để du khách và người dân địa phương có nhiều thời gian trải nghiệm, thưởng lãm.
Lễ hội Vía Bà chúa xứ Núi Sam được UNESCO công nhận là Di sản thế giới
Di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO diễn ra tại Trung tâm hội nghị Conmebol, thủ đô Asunción, Cộng hòa Paraguay, ngày 4/12. Đây là 1 trong tổng số 66 đề xuất được xem xét trong kỳ họp này và là di sản văn hoá phi vật thể thứ 16 của Việt Nam được UNESCO ghi danh.
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam. Ảnh: Báo An Giang |
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Minh Vũ và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh An Giang Lê Hồng Quang phát biểu đáp từ và cam kết bảo vệ di sản sau khi ghi danh. Ảnh: VOV |
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ ngày 22 đến ngày 27 tháng 4 Âm lịch, trong miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và khu vực bệ đá thờ Bà trên núi Sam, là các nghi thức tâm linh và diễn xướng nghệ thuật, biểu hiện niềm tin, sự biết ơn Mẹ Đất - Mẹ Xứ sở của cộng đồng các dân tộc Việt, Chăm, Khmer và Hoa ở Châu Đốc, An Giang. Bà Chúa Xứ là vị thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ nữ thần, luôn che chở, phù trợ cho dân chúng.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam gồm các nghi thức tâm linh và diễn xướng nghệ thuật. Ảnh: Cục Di sản văn hóa |
Việc UNESCO ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc cùng tổ chức, quản lý và gìn giữ di sản chung, gắn kết cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam; từ đó, nâng cao sự tôn trọng văn hóa trong việc thể hiện niềm khát vọng chung về cuộc sống an lành, mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh.
Thành lập Hiệp hội Văn hóa Nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại Nhật Bản
Chiều 30/11, Hiệp hội Văn hóa Nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại Nhật Bản đã chính thức được thành lập và tổ chức lễ ra mắt tại Đại Sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.
Đây là sự kiện được đánh giá có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống vốn là tinh hoa của dân tộc Việt Nam, mà còn là “sợi dây kết nối” và thúc đẩy tình hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ảnh: VOV |
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Phạm Quang Hiệu đã chúc mừng Hiệp hội Văn hóa Nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại Nhật Bản chính thức được thành lập, đánh giá sự ra đời của Hiệp hội có ý nghĩa hết sức to lớn, đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh, hội nhập ngày càng sâu rộng của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản. Ảnh: PV/VOV-Tokyo |
Một tiết mục múa truyền thống tại Lễ ra mắt Hiệp hội. Ảnh: PV/VOV-Tokyo |
Đại sứ Phạm Quang Hiệu khẳng định, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ Hiệp hội Văn hóa truyền thống Việt Nam tại Nhật Bản và các hội thành viên để cùng chung sức xây dựng một cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản ổn định, đoàn kết, hướng về quê hương đất nước.
Bà Đỗ Khánh Hân, Chủ tịch Hiệp hội, cho rằng, sự ra đời của Hiệp hội Văn hóa Nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại Nhật Bản là khởi đầu của một hành trình mới để tôn vinh và lan tỏa những giá trị văn hóa nghệ thuật đáng tự hào của dân tộc Việt Nam tại Nhật Bản, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, cùng nhau hướng về quê hương đất nước, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Ảnh: PV/VOV-Tokyo |