Sáng 7/4 (tức 10/3 Âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ), Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng đã được tổ chức trọng thể, trang nghiêm, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.
Dự lễ dâng hương có Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh Phú Thọ cùng đông đảo đại diện các tầng lớp nhân dân và kiều bào. Ảnh: VOV |
Sáng 7/4, Tổng hội người Việt Nam tại Lào đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10/3 Âm lịch. Ảnh: PV/VOV-Vientiane |
Ngày 6/4 tại thủ đô Paris, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp phối hợp với Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương với sự tham dự của đông đảo kiều bào và bạn bè quốc tế. Đây là lần đầu tiên sự kiện được tổ chức trọng thể tại thủ đô Paris. Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN |
Xúc động và tự hào “Bản trường ca hoà bình”
Tối 6/4, chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Bản trường ca hòa bình” diễn ra tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đắk Lắk và TP. Hồ Chí Minh. Đây là một trong những chương trình giao lưu chính luận, nghệ thuật đầu tiên, mở màn cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Chương trình do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thành ủy, UBND TP. Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp thực hiện. Ảnh: VOV |
Điểm cầu Hà Nội là biểu trưng cho sự chỉ đạo chiến lược, quyết tâm của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Bác Hồ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng như sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến.
Điểm cầu Buôn Ma Thuột là nơi diễn ra trận đánh mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tạo bước ngoặt cho Đại thắng mùa xuân 1975.
Và điểm cầu Dinh Độc Lập (TP. Hồ Chí Minh) là biểu tượng của chiến thắng, hòa bình và thống nhất đất nước, nơi ghi dấu thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975.
Chương trình mang đến những câu chuyện và hồi ức xúc động từ các nhân chứng lịch sử, những người đã trực tiếp tham gia và chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc. (Trong ảnh: Các nhân chứng giao lưu tại điểm cầu Dinh Độc Lập. Ảnh: VOV) |
Những tiết mục ca ngợi Đảng và Bác Hồ. Ảnh: VOV |
"Bản trường ca hòa bình" một lần nữa khẳng định thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiến thắng này đã kết thúc 21 năm kháng chiến, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của thống nhất, độc lập và tự do.
Khai mạc Triển lãm chuyên đề “50 năm vang mãi bản hùng ca”
Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), sáng 8/4, tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, Cục Chính trị Quân khu 7 phối hợp Cục Chính trị Quân đoàn 34, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề “50 năm vang mãi bản hùng ca”, giới thiệu đến khán giả gần 500 hình ảnh, tư liệu, hiện vật liên quan đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Các đại biểu và du khách tham quan tại triển lãm. Ảnh: baoquankhu7.vn |
Triển lãm là nội dung có ý nghĩa thiết thực trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; góp phần giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Trong khuôn khổ triển lãm diễn ra một số hoạt động trải nghiệm như di chuyển dưới giao thông hào, hầm chữ A; nhà lợp lá Trung quân tại căn cứ cách mạng; may cờ giải phóng, mũ tai bèo; thưởng thức món ăn của du kích trong kháng chiến (khoai mỳ, muối đậu)…
Giới thiệu các món ăn du kích trong kháng chiến cho các em nhỏ tại triển lãm. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN |
Khách tham quan trải nghiệm hoạt động may cờ giải phóng. Ảnh: baoquankhu7.vn |
Lễ hội Then Kin Pang năm 2025
Lễ hội Then Kin Pang năm 2025 với chủ đề “Lời Then vọng mãi” khai mạc ngày 7/4 tại xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Ảnh: baodantoc.vn |
Năm nay, Lễ hội được tổ chức theo quy mô cấp tỉnh với sự tham gia của các huyện, thành phố trong tỉnh, đoàn huyện Kim Bình (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) và hơn 300 diễn viên, nghệ nhân, vận động viên của các huyện, thành phố, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phong Thổ.
Các đại biểu vui vòng xòe đoàn kết. Ảnh: baodantoc.vn |
Lễ hội diễn ra từ ngày 6-7/4, gồm phần lễ và phần hội, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Thái như: Nghi thức dâng hương tại nhà Then; tái hiện tục gội đầu, thi trình diễn trang phục; trưng bày không gian văn hóa dân tộc Thái...
Các đại biểu tham dự nghi thức dâng hương tại nhà Then. Ảnh: baodantoc.vn |
Tái hiện tục gội đầu của người Thái tại lễ hội. Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN |
Lễ hội Then Kin Pang là nét văn hóa đặc sắc, là hình thức diễn xướng dân gian độc đáo của dân tộc Thái khu vực Mường So, Khổng Lào của huyện Phong Thổ.
Ngày nay, lễ hội được duy trì tổ chức hằng năm và ngày càng lan tỏa trong cộng đồng không chỉ người Thái nói riêng mà còn trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu./.