(VOV5) - Việc làm của bà Thũng chẳng cần nói cũng tự lan tỏa và nhận được sự chia sẻ của những tấm lòng đồng cảm.
Từ 7 năm nay, ở góc phố Quán Sứ và Tràng Thi, Quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, có một người phụ nữ dù đã ngoài 70 tuổi, ngày ngày vẫn tự mình chở cả trăm lít nước vối phát miễn phí cho bệnh nhân và những cảnh nghèo mưu sinh ngoài đường phố.
Dù bất kể thời tiết mưa hay nắng, người ta vẫn thấy bà miệt mài làm công việc ấy với sự hào hứng “khó tin” ở một người “chẳng chịu an phận tuổi già” bởi bà mang trong mình một tình yêu lớn cho những phận người kém may mắn ở chốn Hà Thành. Phóng viên Hương Giang sẽ gửi đến quý thính giả câu chuyện về “Người phụ nữ 71 tuổi và những ngụm nước vối ấm tình người”. Bà là Đinh Thị Thũng, trú tại số nhà 12 ngách 143/36 phố Phúc Tân, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.
Bà Thũng với chén nước vối ấm tình người - Ảnh: kenh14.vn
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tại khu vực Bệnh viện K cơ sở 1, Bệnh Viện Việt Đức, và Bệnh viện Phụ sản Trung ương người ta biết đến bà Đinh Thị Thũng bởi việc làm phát nước từ thiện, nhờ tiếng rao quen thuộc, nhờ lời cảm ơn những vị khách đến uống nước. Để có nước vối phát đều đặn hai lần một ngày, bà Thũng thức dậy từ 4 giờ sáng, chuẩn bị đun nước vối sau đó chia đều ra các can lớn để mang đi đến một số bệnh viện phát miễn phí. Trước khi bệnh viện K cơ sở 1 sửa chữa, bà Đinh Thị Thũng cùng những người đồng hành với mình còn duy trì việc phát quần áo, phát cơm từ thiện mỗi thứ 6 hàng tuần.
Nhìn cách người phụ nữ lớn tuổi miệt mài với công việc vất vả, tự đi xe máy, tự tay bê, vác bình nước vối 20 lít lên xe, ít ai hình dung được bà đã ngoài 70 tuổi. Ngay cả Bà Thũng cũng cho rằng: “Tôi năm nay chỉ 49 tuổi. Bởi vì tôi sinh năm 1949 nên tôi lúc nào cũng ước tôi chỉ 49 tuổi thôi để tôi còn có sức khỏe tôi giúp đỡ mọi người. Vì tôi thấy người ta quá khổ, mà mình đây cũng có người trong nhà mắc bệnh còn sướng hơn những người người ta ở bệnh viện. Từ lúc ấy tôi mới bắt đầu đi từ thiện, chứ có biết từ thiện là cái gì đâu. Người ta tận ở đâu người ta đến tận vùng sâu vùng xa cơm chả có ăn, quần áo chả có mặc, chỗ tắm chả có, hai ba người mới vào một phòng tắm lâu chết người vẫn phải chờ. Thế nên tôi mới bảo, ừ thôi mình giúp được người ta ngày nào thì mình giúp, thế thôi”.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, hoàn cảnh gia đình bà Thũng không mấy khá giả, chồng bà bị tai biến nằm một chỗ nhiều năm trước khi qua đời. Cuộc sống của gia đình phụ thuộc vào người con trai duy nhất, làm nghề bán hàng rong, bản thân bà Đinh Thị Thũng cũng đi chợ sớm buôn dăm ba thứ lặt vặt để nuôi thân và có tiền làm từ thiện. Cuộc sống mưu sinh dù vất vả nhưng trong căn nhà tuềnh toàng nằm ở ven Sông Hồng chẳng bao giờ thiếu đi niềm vui, tiếng cười.
Nhiều người vơi cơn khát nhờ chén nước vối của bà Thũng - Ảnh: kienthuc.net.vn
|
Anh Nghiêm Trọng Kiên, con trai bà chia sẻ: Từ ngày mẹ đi làm từ thiện, anh Kiên thấy mẹ khỏe ra, vì thế luôn hết lòng ủng hộ và hỗ trợ bà. Duy nhất một lần bà ốm mà vẫn “đòi đi”, anh tháo bánh xe máy vứt xuống bờ sông Hồng. Thương mẹ vất vả, vậy mà cũng chẳng thể thuyết phục được bà.
“Bà bảo nằm nhà khó chịu, không chịu nổi, cho tao đi. Nhiều hôm thấy thương mẹ,tháo bánh xe của mẹ ra cho mẹ khỏi đi, mẹ lại nhờ hàng xóm lắp vào để đi, đi bằng được. Đấy là chuyện có thật. Mẹ mình là người thích lao động, mà đúng thật, sức khỏe của mẹ ở lứa tuổi của mẹ bằng trang lứa với mẹ mình thì nhiều người không bằng” - anh Kiên nói.
Gieo nhân duyên tốt ắt sẽ gặt hái nhiều trái ngọt. Việc làm của bà Thũng chẳng cần nói cũng tự lan tỏa và nhận được sự chia sẻ của những tấm lòng đồng cảm. Đó là bà Nhung và nhiều phật tử cùng sinh hoạt trong đạo tràng niệm phật của chùa tổ đình Hồng Phúc Hòe Nhai. Trước đây khi viện K1 vẫn còn hoạt động, các bà thường hẹn nhau vào sáng thứ 6, người góp gạo, người góp rau, mỗi người một chân một tay cùng bà Thũng làm ra những suất cơm tình nghĩa. Bà Nhung tâm sự: "Tôi biết bà Thũng cũng do một cơ duyên, một nhân duyên thôi. Làm cái gì là nhiệt tình cái đấy, làm cái gì đã định là quyết tâm làm cho bằng được. Bà có tiền bà dành hết cho việc làm từ thiện. Buổi sáng không bao giờ thấy bà ăn phở, chỉ ăn cơm nguội thôi. Đó là tấm lòng từ thiện thật tâm, bảo nhau đóng bè tạo phúc theo lời Phật dậy”.
Nước vối chỉ đơn giản chỉ giúp người ta giải khát và giúp những ai vốn đã khánh kiệt vì bệnh tật tiết kiệm được vài nghìn đồng mỗi ngày nhưng trong cuộc sống còn nhiều những lo toan, gánh nặng thì cốc nước vối của bà Đinh Thị Thũng ắt hẳn đã mang đến sự dễ chịu và niềm vui cho những hoàn cảnh còn nhiều khó khăn. Dù không giàu có về vật chất nhưng có lẽ bây giờ bà Đinh Thị Thũng cũng đã gặt đủ trái ngọt từ “mầm cây thiện lành” mà bà gieo trồng.