Phòng trọ 15.000 đồng – câu chuyện đẹp về lòng nhân ái

(VOV5) - Trong lòng thủ đô Hà Nội, có một khu phòng trọ mà giá thuê chỉ với 15.000 đồng một đêm với đầy đủ điện nước, máy điều hòa, đồ dùng sinh hoạt. 
Phòng trọ 15.000 đồng – câu chuyện đẹp về lòng nhân ái - ảnh 1Ông Nguyễn Thế Hiệp - chủ của những phòng trọ giá chỉ 15.000 đồng/ngày 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nằm sâu trong một con ngõ nhỏ tại phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội, đã từ nhiều năm nay, khu nhà trọ của ông Nguyễn Thế Hiệp lúc nào cũng nhộn nhịp khách đến thuê. Mỗi người ở một vùng quê khác nhau, nhưng họ đều chung một hoàn cảnh khó khăn và thiếu chỗ ở. Có người chỉ đến ở vài ngày, cũng có người ở đã vài năm nay. Chỉ với 15 nghìn đồng, khách đến thuê trọ còn được ông Hiệp cho mượn những vật dụng sinh hoạt cần thiết như nồi cơm điện, móc áo quần, đồ làm bếp…và được sử dụng nước miễn phí.

Tại căn phòng tập thể, những chiếc giường 1m2 được kê sát nhau. Trên chiếc giường nơi góc phòng, chúng tôi gặp bố con anh Đỗ Khánh, quê ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, đã ở đây được 27 tháng. Có lẽ đối với nhiều người, 27 tháng chẳng là bao, nhưng đối với anh đây là khoảng thời gian dài đằng đẵng. Hàng ngày anh đưa cô con gái nhỏ vào bệnh viện chạy thận nhân tạo và chữa trị căn bệnh xương thủy tinh. Căn phòng nhỏ này chính là nơi để bố con anh được nghỉ ngơi sau những giờ đấu tranh với căn bệnh quái ác.Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Khánh, ông Hiệp đã dang rộng vòng tay, nhiệt tình hỗ trợ và chỉ lấy 10 nghìn đồng một ngày ở trọ cho hai bố con.

Anh Khánh ngậm ngùi bộc bạch: “Tôi từ ở quê ra đây chữa bệnh cho con điều kiện rất khó khăn. Cũng may đến đây gặp được nhà trọ của ông Nguyễn Thế Hiệp. Ông giúp chúng tôi cả về tinh thần, vật chất. Với giá của nhà trọ rất hợp với chúng tôi chữa bệnh cho con lâu dài”

Nhìn bé Đỗ Thị Bạch Dương, con gái anh Khánh trong phòng tập thể hẳn sẽ khiến nhiều người thật xót xa. 15 tuổi nhưng vì mắc căn bệnh xương thủy tinh nên cơ thể em chỉ như cô bé 7 tuổi. Nhưng bù lại trên môi em không bao giờ thiếu vắng đi nụ cười. “Em thấy rất vui. Ở đây nhiều em cũng bị giống như em nhưngcác  em ấy cũng phải ra hàng tháng, nhưng ra hàng tháng cũng không thể ở được một căn nhà rất đắt. Bây giờ chỉ có mỗi nhà ông Hiệp là có thể giúp đỡ em. Con người em bây giờ coi căn nhà ông Hiệp là căn nhà thứ hai của em" - Bạch Dương nói.

Lo cho từng hoàn cảnh, chia sẻ từng nỗi khó khăn, nhọc nhằn của những khách trọ, thế nhưng với bản thân mình,  ông Hiệp cũng chỉ dành lại một căn phòng nhỏ trên tầng gác cao nhất để vợ chồng ông có chỗ nghỉ ngơi. Ông luôn tâm niệm phải hài lòng với cuộc sống vì vẫn còn có thể giúp đỡ được những người khổ hơn mình. "Tôi thường xuyên tiếp xúc với những cảnh màn trời chiếu đất, về sức khỏe như ruồi muỗi đốt, vệ sinh tắm giặt không được đảm bảo. Người ta ngủ ghế đá rồi nhiều rủi ro xảy ra, ví dụ như trộm cắp, mất mát. Những điều ấy đập vào mắt tôi nhiều lần, nên từng ngày từng ngày tôi mở rộng diện tích ra" - ông Hiệp chia sẻ

Không chỉ hỗ trợ về nơi ăn chốn ở, những người đến thuê nhà đều được ông Hiệp hỏi han cẩn thận và hướng dẫn cho những cách khám chữa bệnh nhanh và ít tốn kém nhất. Thậm chí, với những trường hợp hết sức khó khăn, ông Hiệp không những miễn phí tiền trọ mà còn kêu gọi thêm sự giúp đỡ từ những tổ chức từ thiện. Số tiền ông có được khi cho mọi người thuê trọ ông cũng không giữ lại cho riêng mình. Ông tích cực tham gia những chuyến đi từ thiện ở vùng sâu vùng xa, tự mình bỏ ra cả trăm triệu đồng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Ông Nguyễn Quang Trung, tổ trưởng khu phố nơi ông Hiệp ở chia sẻ: “Vai trò, gương sáng của bác Hiệp đáng để cho người dân chúng tôi noi theo. Đây cũng là cái chúng tôi muốn nhân rộng ra, mang tính nhân văn sâu sắc. Vì tôi thấy đây là việc làm tốt cần phải nhân rộng thêm”.

Câu chuyện về ông Hiệp và khu nhà trọ tưởng như chuyện khó tin, thế nhưng lại đang xảy ra ngay giữa mảnh đất Thủ đô, nơi mà người ta cứ hay nói với nhau là chật chội, là bon chen, là khó sống. “Như mình nói, không ốm không đau, làm giàu chả mấy, để giảm bớt những khó khăn của đồng bào đi viện” - ông Hiệp khẳng khái nói.

Với tâm niệm giản dị ấy, mỗi sớm mai thức dậy, ông Hiệp lại bắt đầu chuyến hành trình quen thuộc của mình. Đó là đi để giúp đỡ mọi người.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác