(VOV5) - Với những người con xa quê, tết càng trở nên ý nghĩa và trọn vẹn hơn khi được trở về bên mái ấm Việt Nam và cảm nhận không khí Tết thân thuộc.
Cứ mỗi độ tết đến xuân về, có lẽ người dân Việt Nam trên thế giới lại có cảm xúc bồi hồi nhớ về quê hương. Với những người con xa quê, tết càng trở nên ý nghĩa và trọn vẹn hơn khi được trở về bên mái ấm Việt Nam và cảm nhận không khí Tết thân thuộc.
Các kiều bào về từ Hàn Quốc. |
Gần 40 năm sinh sống và làm việc tại Australia, ông Cao Đức Kỳ ít khi có dịp về ăn Tết ở nhà. Thêm nữa các con cái sinh sống và làm ăn tại Mỹ, nên có những cái Tết hai vợ chồng ông lại ở nơi cách Việt Nam nửa vòng trái đất. Chỉ 3 năm trở lại đây, sau khi đã về hưu, ông Kỳ tiếp tục tham gia phát triển mảng hợp tác đưa sinh viên Việt Nam sang học tập tại Australia, ông Kỳ mới có dịp trở về Việt Nam nhiều hơn. Năm nay, được đón không khí xuân rộn ràng tại Việt Nam thực sự là niềm vui trọn vẹn bởi Tết Việt Nam có lẽ đã luôn là một ký ức đẹp trong lòng ông Kỳ. Ông Cao Đức Kỳ chia sẻ: “Tết Việt luôn đầm ấm. Khi về tôi thích nhất là chợ Tết, ở bên kia thì không thể bằng được, không thể nhộn nhịp như ở Việt Nam. Đồ ăn khi nào mình cũng nhớ. Món ăn Huế và Sài Gòn và Hà Nội đều có nét riêng. Phức tạp của đồ ăn của Việt Nam nước Úc không có được”
Tết Việt lại không trùng vào lịch nghỉ đầu năm mới của các nước phương Tây cũng như nhiều nước phát triển trên thế giới, nhưng nhiều kiều bào ta vẫn luôn cố gắng sắp xếp tạm gác lại công việc còn bộn bề để trở về với quê hương. Anh Đỗ Quang Ba hiện nay đang giữ chức Chủ tịch Hiệp hội giao lưu văn hóa – thể thao Việt Nam – Nhật Bản, chia sẻ anh có 10 năm sinh sống tại Nhật Bản. Năm nay được trở về quê hương ăn Tết anh không khỏi xúc động. Những ký ức từ 10 năm trước về một cái Tết sum vầy đầm ấm bên gia đình, về buổi chiều 30 Tết hối hả hay khung cảnh yên bình của mùng 1 Tết luôn ở trong tâm trí anh. Anh Ba chia sẻ: “Khi ở xa quê bận rộn về công việc cảm xúc về quê hương dường như bị lãng quên phần nào. Mỗi lần trở về quê hương dịp Tết đến xuân về, cảm xúc về quê hương dường như ùa về. Đặc biệt dịp giao lưu của các kiều bào về chương trình Xuân quê hương. Khi trở về Việt Nam mỗi người đều cố gắng giao tiếp tiếng mẹ đẻ của mình. Có cảm nhận chung đặc trưng của người Việt Nam đó là cái Tết luôn thân quen gần gũi. Đây là đặc trưng chung của tâm hồn người Việt Nam chúng ta”.
Đón tết Việt nơi quê nhà còn là dịp để những kiều bào về ngắm nhìn những đổi thay của quê hương, đất nước. Theo từng năm, chứng kiến đất nước ngày càng đổi mới, thành phố mình sinh sống ngày càng đi lên, anh Nguyễn Ngọc Tiến, một Việt kiều sinh sống tại Đức chia sẻ: “Đổi mới đầu tiên là cơ sở hạ tầng được cải thiện. Mọi người dân rất lạc quan. Cuộc sống Việt Nam dù rất hối hả nhưng gương mặt mọi người ai cũng tươi cười lạc quan. Như thế là một minh chứng một cuộc sống hạnh phúc của người Việt”.
Các kiều bào tiêu biểu về dự chương trình Xuân quê hương 2020 |
Trở về quê hương sau 10 năm sinh sống làm việc tại Hàn Quốc, chứng kiến sự đổi thay của đất nước, anh Nguyễn Ngọc Hoàn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc luôn mong mỏi thế hệ trẻ của mình sẽ góp phần khiến mùa xuân quê hương ngày một tươi đẹp, đủ đầy hơn. Anh Hoàn tâm sự: “Khi quay trở lại Việt Nam tôi rất tự hào, bởi trong một thời gian rất ngắn Việt Nam phát triển rất nhiều, bản thân tôi đi xa quê hương đã 10 năm khi quay lại có rất nhiều điều mới mẻ, tôi cảm thấy rất tự hào. Hiện nay, Hàn Quốc và Việt Nam ở mối quan hệ thương mại cao nhất, mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu là 100 tỷ USD. Bản thân tôi mong muốn Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tôi nói riêng góp phần đạt được mục tiêu đó”.
Tết cổ truyền luôn là một nét là một nét văn hóa truyền thống thiêng liêng gắn bó trong tâm thức người Việt. Dù ở khắp năm châu bốn bể, một cái Tết sum vầy, đoàn viên bên gia đình người thân tại chính quê hương có lẽ là niềm vui trọn vẹn nhất của người Việt. Hướng về cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn đồng thời góp sức cho sự phát triển lớn mạnh của đất nước là điều người Việt khắp năm châu luôn nỗ lực thực hiện.