Hạ viện Bỉ điều trần về dự thảo Nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

(VOV5) - Dự thảo nghị quyết sẽ được đưa ra thảo luận tại phiên họp của ủy ban vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 tới để sau đó trình Hạ viện tại phiên họp toàn thể đầu tháng 10. 

Chiều 20/6, tại Hạ viện Bỉ ở thủ đô Brussels, đã diễn ra phiên điều trần thông qua dự thảo Nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam do bà Els Van Hoof, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, làm chủ tọa. Tham gia điều trần có Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ Nguyễn Văn Thảo; Chủ tịch Hội Hữu nghị Bỉ - Việt Nam Pierre Gréga; Giám đốc điều hành Công ty công nghệ Haemers - Jan Haemers; và nhà văn André Bouny - Chủ tịch Ủy ban Quốc tế ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam.

Hạ viện Bỉ điều trần về dự thảo Nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam - ảnh 1Các thành viên Ban điều trần. Ảnh: TTXVN

Tại phiên điều trần, các đại biểu đã trao đổi với các nghị sĩ là những người đề xuất dự thảo Nghị quyết cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực này, nhằm hiểu rõ hơn về dự thảo nghị quyết, kêu gọi sự ủng hộ về tài chính của Chính phủ Bỉ đối với các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, đồng thời thúc đẩy Hạ viện Bỉ thông qua nghị quyết.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Brussels, nghị sĩ André Flahaut, 1 trong 5 nghị sĩ Bỉ đề xuất dự thảo Nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, cho biết ông cùng một số nghị sĩ Bỉ đưa ra một dự thảo nghị quyết nhằm kêu gọi Quốc hội Bỉ cũng như Quốc hội Mỹ có những chương trình hành động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, thực hiện việc thải độc đất nhiễm dioxin để trả lại môi trường trong sạch cho người dân Việt Nam. Ông hy vọng nghị quyết sẽ được thông qua trong năm nay, nhân dịp 50 thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Bỉ - Việt Nam.
Bà Els Van Hoof, Chủ tịch Ủy ban Đối  ngoại Hạ viện Bỉ, cho biết dự thảo nghị quyết sẽ được đưa ra thảo luận tại phiên họp của ủy ban vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 tới để sau đó trình Hạ viện tại phiên họp toàn thể đầu tháng 10. Bà tin tưởng rằng nghị quyết sẽ được thông qua trước cuối năm nay. Nếu nghị quyết được thông qua, Quốc hội Bỉ sẽ là cơ quan lập pháp đầu tiên ở châu Âu ủng hộ vấn đề này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác