Hội “Rau Muống” góp phần cho tình hữu nghị Pháp – Việt

Trong 14 năm tồn tại, Hội đã có nhiều hoạt động hướng về Việt Nam và coi đất nước này như quê hương mình.


“Người trong một nước phải thương nhau cùng”, câu tục ngữ của Việt Nam luôn được ghi nhớ giữa các thành viên trong Hội hữu nghị Pháp - Việt Le Liseron được dịch là Hội “Rau muống”, những người yêu mến và coi Việt Nam như quê hương mình. Trong 14 năm tồn tại, Hội đã có nhiều hoạt động hướng về Việt Nam trên tinh thần câu tục ngữ ấy.

Hội “Rau Muống” góp phần cho tình hữu nghị Pháp – Việt  - ảnh 1
Sân khấu buổi lễ mừng năm mới Quý Tỵ với bàn thờ tổ tiên.


Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Pháp (12/3/1973- 12/3/2013), PV Đài TNVN thường trú tại Pháp giới thiệu cùng quý vị và các bạn về Hội “Rau muống”.

Tại thành phố Carriere-sous-Poissy, cách thủ đô Paris hơn 30 cây số về phía Tây, từ hơn 14 năm qua, có một hiệp hội luôn hướng về Việt Nam. Tham dự các hoạt động của hội, gần đây nhất là Lễ đón năm mới Quý Tỵ, được hòa mình vào không gian trang trí và âm nhạc đậm chất văn hóa Việt Nam, chứng kiến sự hăng hái nhiệt tình, tinh thần tự hào, yêu quý Việt Nam của các thành viên, ít ai nghĩ rằng chỉ có số ít trong họ là có gốc tích Việt Nam. Số còn lại là những người bạn Pháp cùng cộng hưởng tình yêu Việt Nam với các thành viên sáng lập hội. Thật thú vị và đáng quý khi chứng kiến những người bạn Pháp, dù có chút ngượng ngịu trong tà áo dài, đôi chút vụng về khi chơi các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam…nhưng họ biểu diễn bằng cả trái tim hướng về đất Việt.

Hội “Rau Muống” góp phần cho tình hữu nghị Pháp – Việt  - ảnh 2
Chủ tịch - người đồng sáng lập Hội Rau muống ông Bernard Biron.


Người sáng lập hội ông Jean-Marie Pognon tự hào trò chuyện với PV Đài TNVN bằng tiếng Việt rất sõi rằng, ông không bao giờ quên mảnh đất Khánh Hòa nơi ông đã sinh ra, lớn lên và gắn bó tuổi thơ của mình đến năm 17 tuổi.

Rời Việt Nam năm 1975, theo diện hồi hương trở lại Pháp, gia đình ông vẫn giữ gìn nét truyền thống và bản sắc của người Việt. Và thành lập Hội “Rau muống” cũng là một cách ông nhớ và đóng góp cho quê hương Việt Nam của mình. Chia sẻ về cái tên thú vị của hội, ông Jean-Marie nói: “Khi lấy cái tên Rau muống, Jean-Marie nhớ lại, trong lúc chiến tranh, đôi lúc mình không có khả năng, chỉ còn 1 bát cơm, 1 chén rau muống, rau muống nấu lên làm canh, chỉ một chút xíu nước mắm, một chút mắm tôm là đủ rồi. Lúc đó, Việt Nam chỉ cần có hòa bình, độc lập, tự do, người dân chỉ cần bát cơm, rau muống với chút xíu nước mắm là đủ rồi và mọi người nói nước mắm Phú Quốc ngon, nhưng với Jean Marie thì nước mắm Khánh Hòa ngon nhất. Hội rau muống nghĩ là nếu mọi người có như vậy thì cả quê hương mình sẽ có niềm vui và hội rau muống muốn đem lại chút xíu niềm vui và đóng góp cho giao hữu Pháp Việt”. 

Theo ông Jean-Marie, mục đích chính của Hội là tập hợp những người bạn Pháp mong muốn tìm hiểu và yêu mến Việt Nam cùng chung tay giúp những người Việt Nam gặp khó khăn trong cuộc sống, bởi đó cũng là những người anh em, đồng bào.

Hội “Rau Muống” góp phần cho tình hữu nghị Pháp – Việt  - ảnh 3
Người sáng lập và Chủ tịch danh dự Hội Rau muống Jean-Marie Pognon.


Theo báo cáo 10 năm phát triển, Hội “Rau muống” đã làm được những việc không hề nhỏ. Với tổng số tiền đóng góp 100.000 Euro, Hội đã giúp đỡ nhiều bà con khó khăn ở các tỉnh Khánh Hòa, Nghệ An, Lâm Đồng, Thừa Thiên - Huế và Hà Tĩnh. Đồng sáng lập hội và hiện là Chủ tịch Hội, ông Bernard Biron cho biết: “Chúng tôi có khoảng 1.000 thành viên, trong đó chính thức khoảng 400 thành viên tích cực. Chúng tôi không có nhiều nguồn lực lắm, nhiều khi cũng khó trong bối cảnh khủng hoảng, để có được những nguồn đóng góp lớn từ mọi người. Do đó chúng tôi phải nhắm đích vào những việc nhỏ mà có ích. Nhờ có những người bạn của Hội ở Việt Nam, chúng tôi nắm được những nhu cầu cụ thể có thể kịp thời giúp đỡ thiết thực. Chúng tôi cũng phải luôn nghĩ ra các hoạt động để thuyết phục các thành viên, bạn bè Pháp đóng góp nhiều hơn, trong bối cảnh khủng hoảng khó khăn chung”.

Hội “Rau Muống” góp phần cho tình hữu nghị Pháp – Việt  - ảnh 4
Một số kết quả hoạt động hội giúp Việt Nam năm 2010.


Những đóng góp cụ thể của Hội như: xây giếng cho bà con vùng sâu vùng xa, tặng xe đạp cho các em nhỏ nhà nghèo phải đi bộ đến trường, giúp đỡ mổ mắt cho khoảng 200 người già bị đục thủy tinh thể, tặng học bổng cho khoảng 1.000 học sinh, sinh viên… Hội cũng hướng tới việc khuyến khích bạn bè người Pháp đi thăm Việt Nam, vừa thúc đẩy tình đoàn kết, vừa đóng góp vào phát triển du lịch ở Việt Nam.

Hội “Rau Muống” góp phần cho tình hữu nghị Pháp – Việt  - ảnh 5
Bà Abertine Charbeau là một thành viên tích cực.


Bà Abertine Charbeau là một thành viên tích cực, thường xuyên tham gia tình nguyện việc tổ chức các hoạt động của hội cho biết: “Đây là một hiệp hội nhỏ, không qua trung gian. Do đó, số tiền đóng góp không lớn tập hợp được từ những thành viên, những người tài trợ, phải được sử dụng thiết thực cho những ai thực sự cần tới. Mọi người đều rất yêu mến và hướng về Việt Nam”.

Hội “Rau Muống” góp phần cho tình hữu nghị Pháp – Việt  - ảnh 6
Người sáng lập và Chủ tịch danh dự Hội Rau muống Jean-Marie Pognon.


Với ông Jean Claude Biron, việc gắn bó với hội từ hơn 12 năm qua trong vai trò thủ quỹ đã giúp ông có nhiều niềm vui, nhiều tình bạn trong “đại gia đình” Rau muống: “Hội Rau muống như một gia đình lớn với tôi. Tôi thích thấy mình có ích, khi mọi người thường gọi đến tôi để bảo tôi làm được việc này, việc kia cho hội. Tôi tham gia nhiều hoạt động, tôi đã đỡ đầu cho 1 cháu đi học và giờ cháu đã đi làm, tôi trở thành một người bạn của gia đình cháu. Sau đó, chúng tôi đỡ đầu cho em trai của cháu tên là Việt. Các cháu gửi thư hỏi thăm chúng tôi thường xuyên. Cuối tháng 2 vừa qua, Việt đã gửi cho chúng tôi ảnh cháu trong lễ nhận bằng. Nhìn các cháu sung sướng trong trang phục của ngày tốt nghiệp, chúng tôi cũng thấy rất vui và tự  hào. Tôi đã sang Việt Nam 2 lần, giờ tôi đã biết đến đất nước và người Việt các bạn. Các cháu luôn hỏi chúng tôi bao giờ lại sang Việt Nam và chắc chắn chúng tôi sẽ trở lại”.

Hội “Rau Muống” góp phần cho tình hữu nghị Pháp – Việt  - ảnh 7
Trang trí không gian ngoài sảnh đón Tết Quý Tỵ 2013.


Nhân năm giao lưu chéo Việt - Pháp 2013-2014, Hội “Rau muống” dự kiến sẽ có nhiều hoạt động đa dạng và ý nghĩa như tổ chức Tết Trung thu vào tháng 9/2013, tổ chức nấu và bán các món ăn Việt Nam trong các trường học, mở lớp dạy nấu ăn các món Việt Nam cho người lớn, tổ chức gặp mặt hữu nghị và biểu diễn văn nghệ, võ thuật Việt Nam; triển lãm về Việt Nam... Đặc biệt, Hội còn tổ chức Lễ Giỗ tổ Hùng Vương vào tháng 4/2014./.

Thùy Vân/VOV - Paris

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác