Thầy giáo Việt với hoài bão gieo tiếng mẹ đẻ trên đất nước Triệu Voi

(VOV5) - Thầy giáo trẻ Trương Văn Phương 10 năm qua vẫn miệt mài với hành trình “cõng” tiếng mẹ đẻ sang dạy cho con em cộng đồng người Việt sinh sống tại nước bạn Lào.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tốt nghiệp đại học, không như nhiều người lựa chọn ở lại quê hương lập nghiệp, thầy giáo trẻ Trương Văn Phương lại quyết định vượt qua mọi khó khăn như ngôn ngữ, văn hóa hay khoảng cách địa lý để mang tiếng mẹ đẻ sang dạy cho con em cộng đồng người Việt ở nước bạn Lào.

Giữa những tia nắng vàng xuyên qua những cành lá, từ xa những tiếng đọc râm ran hay tiếng trẻ học đánh vần tiếng Việt phát ra từ các lớp học của Trường tiểu học Thống Nhất ở thị xã Thà-khẹc, tỉnh Khăm-muộn (Trung Lào) đã tạo nên một khung cảnh như đang ở một ngôi trường trên mảnh đất hình chữ S.

Thầy giáo Việt với hoài bão gieo tiếng mẹ đẻ trên đất nước Triệu Voi - ảnh 1Lễ chào cờ của thầy và trò Trường tiểu học Thống Nhất.

Tiếng giảng bài đặc sệt vùng Quảng Bình của một thầy giáo làm tăng thêm sự tò mò của chúng tôi. Hơn 20 em học sinh lớp 5 đang ngồi ngay ngắn, dỏng tai nghe, miệng đọc còn mắt lại chăm chú nhìn về phía người thầy có dáng người nhỏ nhắn, làn da đen sạm bởi cái nắng, gió Lào nhưng trông rất chững chạc. Đó là thầy giáo trẻ Trương Văn Phương (sinh năm 1987), quê xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) - người hơn 10 năm qua vẫn miệt mài với hành trình “cõng” tiếng mẹ đẻ sang dạy cho con em cộng đồng người Việt sinh sống tại nước bạn Lào.

Chia sẻ về cơ duyên đến với đất nước Triệu Voi, thầy Phương kể, năm 2011, tỉnh Quảng Bình thông báo tuyển giáo viên sang Lào dạy học, thầy đăng ký tham gia nhưng trong lòng vẫn rất đắn đo, bởi cuộc sống xa nhà chưa bao giờ là dễ. Tuy nhiên, sự động viên và ủng hộ từ gia đình, thầy đã có thêm động lực để vững tâm vượt qua những khó khăn khi khăn gói “chân ướt chân ráo” sang Lào.

Thầy giáo Việt với hoài bão gieo tiếng mẹ đẻ trên đất nước Triệu Voi - ảnh 2Thầy Phương luôn tận tình chỉ bảo, hướng dẫn để các trò tiếp thu bài học hiệu quả.

Thầy Phương tâm sự: “Lúc mới sang Lào, cái khó khăn lớn nhất là giao tiếp ngôn ngữ giữa thầy và trò, còn vấn đề văn hóa, tập tục sống của người Lào thì có nhiều điểm khác biệt so với người Việt, nên dần dần tôi mới thích ứng với lối sống của họ. Lãnh đạo hội Việt kiều cũng rất quan tâm, thăm hỏi động viên hàng ngày, các hoạt động như ngày nhà giáo Việt Nam (20/11) đều tổ chức cho chúng tôi”.

Những lúc rảnh rỗi, thầy Phương tự học tiếng Lào, tìm hiểu về văn hóa đời sống của người dân bản địa hay học hỏi kinh nghiệm từ các thầy cô đi trước, để mỗi lần lên lớp có thể giúp các trò tiếp thu bài giảng nhanh, dễ hiểu và bổ ích nhất.

Thầy Phương hồ hởi nói: “Kèm theo kiểu của người Việt thì không có hiệu quả, mà phải dạy theo lối vừa học vừa chơi thì trò mới có thể tiếp thu được. Đặc biệt, con em người Việt ở đây là thế hệ thứ 5, thứ 6, vốn tiếng Việt ít mà hàng ngày chủ yếu sử dụng bằng tiếng Lào. Vì vậy, mình phải giải thích nghĩa của tiếng Việt sang tiếng Lào kết hợp với sử dụng các hình ảnh phù hợp với bài giảng như khi dạy về chữ “bé” thì phải đưa hình ảnh của em bé hay phát âm về “dấu hỏi” trong bài giỏ cá thì phải có hình ảnh cái giỏ”.

Học trò của thầy Phương chủ yếu ở bậc tiểu học – lứa tuổi hồn nhiên, vô tư. Cho nên, là người thầy có trách nhiệm không chỉ dạy chữ, truyền thụ kiến thức mà còn biết quan tâm, chăm sóc tìm hiểu học trò bằng cả trái tim và lòng bao dung. Chính vì vậy, thầy giáo Trương Văn Phương luôn giành được tình yêu thương, quý trọng của các em học sinh, như chia sẻ của em Vilayphone, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Thống Nhất.

“Thầy Phương luôn cố gắng truyền tải những kiến thức cho chúng em, mỗi lần đến kỳ thi thầy cũng luôn động viên để chúng em có thêm nghị lực. Trong những hoạt động ngoại khóa thầy cũng nhiệt tình giúp đỡ. Chúng em ai cũng yêu quý thầy”.

 
Thầy giáo Việt với hoài bão gieo tiếng mẹ đẻ trên đất nước Triệu Voi - ảnh 3Học trò của thầy Phương chủ yếu ở bậc tiểu học.

Có lẽ chính bởi sự quý trọng, tinh thần ham học, khát chữ của các em học sinh là động lực giúp thầy Phương gắn bó lâu dài và coi đất nước Triệu Voi là quê hương thứ hai của mình.

Thầy Phương bộc bạch: “Nghề giáo là một nghề thiêng liêng và đặc biệt hơn là giáo viên Việt Nam sang giảng dạy ở đất nước bạn có ý nghĩa trong việc gìn giữ tiếng Việt cho nhiều thế hệ con em người Việt. Với niềm tin đó, với mong muốn tiếng Việt vươn rộng ra hơn nữa thì đó là điều tôi muốn thực hiện và cũng là lý do để tôi ở lại Khammuane”.

 
Thầy giáo Việt với hoài bão gieo tiếng mẹ đẻ trên đất nước Triệu Voi - ảnh 4Trường tiểu học Thống Nhất có hơn 400 học sinh từ mầm non đến lớp 5. Ngoài con em người Việt theo học còn có con em người Lào.

Hiện gia đình nhỏ của thầy Phương đang sinh sống tại một gian tập thể của Hội người Việt Nam tỉnh Khammuane cho mượn. Thầy Phương tâm sự, vợ là giáo viên cùng trường nên cả hai đều đồng cảm và cùng nhau cố gắng gắn bó với công việc giảng dạy tiếng Việt ở đất Lào. Về những dự định sắp tới, thầy Phương đang ấp ủ mở một trung tâm dạy tiếng Việt nâng cao dành cho con em cộng đồng người Việt Nam, con em người Lào sau khi tốt nghiệp lớp 12 có thể học tiếng Việt bài bản và giúp các em tự tin hơn trước khi sang Việt Nam học tập.

 
Thầy giáo Việt với hoài bão gieo tiếng mẹ đẻ trên đất nước Triệu Voi - ảnh 5Thầy Phương mong muốn mở một trung tâm dạy tiếng Việt nâng cao để bồi dưỡng cho con em cộng đồng người Việt Nam hay người Lào trước khi sang học đại học tại Việt Nam.

Hơn 10 năm công tác tại Lào, thầy giáo trẻ Trương Văn Phương là tấm gương có nhiều thành tích xuất sắc trong giảng dạy tiếng Việt, vinh dự được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của UBND tỉnh Khammuane, tỉnh Quảng Bình, Tổng lãnh sự quán và ngành giáo dục địa phương... Những kết quả đó, không chỉ cho thấy tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề của người thầy, mà còn góp phần vào việc giữ gìn, phát huy văn hóa Việt cho người Việt đang sinh sống tại Lào.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác