(VOV5) - Không chỉ có trong một tháng này hằng năm, mà công việc này luôn được toàn thể cộng đồng xã hội, mội phụ nữ dù là trong nước hay ở nước ngoài đều cố gắng hướng tới.
Tháng hành động vì bình đẳng giới năm nay bắt đầu từ ngày 25/11 đến ngày 25/12/2024. Trong đó, tập trung kêu gọi đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới. Không chỉ có trong một tháng này hằng năm, mà công việc này luôn được toàn thể cộng đồng xã hội, mội phụ nữ dù là trong nước hay ở nước ngoài đều cố gắng hướng tới.
Nghe âm thanh tại đây:
Câu chuyện của chị Bùi Lê Xiêm, một cô dâu Việt tại Hàn Quốc đã phần nào giúp chúng tôi hiểu được hoàn cảnh của những phụ nữ người Việt Nam lấy chồng tại đây cũng như một số nước Châu Á khác. Không biết ngôn ngữ sở tại, sự khác biệt về văn hóa là nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn trong gia đình đa văn hóa.
Chi Xiêm kể: cuộc sống khi mới làm dâu tại Hàn Quốc khá vất vả, chỉ lo việc gia đình, không bước chân ra ngoài. Nhiều lúc làm mọi người không hiểu ý là bị mắng, rồi vợ chồng cãi nhau mà không thể giải thích nổi. Sau đó, chị đã nhờ người cháu làm tại trung tâm tư vấn cho người nước ngoài giải thích cho gia đình chồng và hòa giải sau mỗi vụ việc: “Em nhờ trên trung tâm người nước ngoài, tư vấn, mình biết ít, mình nói, tâm sự với họ thì họ truyền tải lại, thông dịch lại. Cháu em ở bên đó tiếng cũng rành nên có khúc mắc gì cháu em cũng giúp đỡ và thông dịch lại chứ như trước kia họ chỉ biết họ thôi, không biết chia sẻ,đồng cảm với mình. Mình nói họ không nghe. Mình lại nói với cháu, với trên trung tâm thì họ lại điện về nói với gia đình chồng mình”.
Giáo sư tiến sĩ Lê Thị Quý |
Cho tới giờ, cuộc sống của chị Bùi Lê Xiêm đã thay đổi, chị đã đi làm và ra ở riêng. Hành trình giành được sự bình đẳng, tư do trong gia đình của một cô dâu Việt khá gian nan và vất vả. Nhiều hoàn cảnh khác cũng khá thương tâm như chị Phan Mỹ Hạnh, thành viên của Hội hỗ trợ các cô dâu Việt tại Trương Hóa đã chia sẻ: “Một lần em nhớ chị đó là người Việt Nam, có chồng bị tai nạn đã mất. Chị qua Đài Loan rất lâu rồi nhưng không làm giấy chứng minh. Khi đó, có người giới thiệu đến Hội chúng em. Chúng em quyên góp tiền để lo cho chị. Lúc đó, chúng em đến thăm thì chị mới nói là chồng mất rồi. Không biết học hành nữa, đi ra ngoài đi làm việc, đi học hành cũng khó khăn, không được giúp đỡ nên chị ý nhiều lúc định tự sát theo chống. Nhưng hiệp hội của chúng em giúp đỡ, đi quyên góp và vận động viên tinh thần. Giờ chúng em đã giúp cho làm được giấy chứng minh”.
Theo các chuyên gia, làm được điều này, ngoài sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, cần sự nỗ lực của chính bản thân mỗi người phụ nữ và sự hỗ trợ của nam giới. Giáo sư, tiến sĩ Lê Thị Quý, nhà xã hội học nghiên cứu về bình đẳng giới, khi nói về thực trang của các cô dâu Việt tại Hàn Quốc đã có lời khuyên: “Tôi muốn khuyên các cô dâu Việt Nam phải học tập không ngừng, mình phải khẳng định mình. Khi mình nắm vững ngôn ngữ của người ta, khi mình nắm vững kỹ năng sống của người ta thì mình hoàn toàn bình đẳng với người ta. Khi sang nước người ta, tục của người ta thế nào thì mình phải nhập trước đã. Thế rồi, mình phải tuân thủ theo pháp luật để khi mình phát triển cá nhân rồi thì có gì không thích hợp mình có thể góp ý. Nếu sau này, mình là công dân Hàn Quốc thì mình sẽ đóng góp, cống hiến cho xã hội của người ta và sau đó mình giáo dục thế hệ con lai để làm cầu nối cho hai nước. Phụ nữ tự mình giải phóng mình nhưng nếu không có sự hỗ trợ của nam giới khó thực hiện được”.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương |
Còn rất rất nhiều những phụ nữ Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài hằng ngày nỗ lực tự mình vươn lên, giành được quyền bình đẳng, có cuộc sống hạnh phúc, đấu tranh với hành vi bạo lực trong gia đình. Theo tổ chức Oxfam quốc tế, trong báo cáo “ Chỉ số cam kết Giảm bất bình đẳng năm 2024”, Việt Nam cam kết giảm bất bình đẳng với thành tích đáng ghi nhận. Đó là xếp vị trí 94 trong xếp hạng báo cáo năm 2024, so với vị trí 92 trong báo cáo của năm 2022 với 161 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các ngành chức năng không ngừng vào cuộc hỗ trợ đẩy lùi bất bình đẳng, hỗ trợ phụ nữ vươn lên.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khẳng định: “Ban chấp hành của Hội phụ nữ đã ban hành được Nghị quyết giúp đỡ phụ nữ Hội nhập Quốc tế đến năm 2030. Thông qua các hoạt động như chia sẻ kinh nghiệm hay kỹ năng, những vấn đề mà phụ nữ cùng quan tâm, phối hợp và bảo vệ nhân phẩm của phụ nữ Việt Nam trong các quan hệ và giao dịch có yếu tố nước ngoài. Chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối và hỗ trợ hoặc hỗ trợ hoạt động, hỗ trợ thành lập những tổ chức phụ nữ Viêt Nam ở nước ngoài, nền tảng để Hội có thể khẳng định vị thế của mình. Quan trọng hơn là vận động và thu hút phụ nữ Việt Nam ở trong nước và nước ngoài và phụ nữ tiến bộ trên toàn thế giới tham gia vào quá trình bình đẳng giới”.
Hướng tới sự bình đẳng, giảm các hành vi bạo lực trong mỗi gia đình và xã hội là nỗ lực của chính phủ Việt Nam, của các cấp, các ngành, sự nhận thức của mỗi thành viên trong một gia đình. Đặc biệt, mỗi phụ nữ, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, cần cố gắng không ngừng học tập, nâng cao kiến thức, có công việc ổn định để đạt được hạnh phúc và bình đẳng trọn vẹn.