“Tết này có về không?, là câu hỏi bạn bè thường hỏi mỗi khi có dịp chat với người ở xa. Mẹ hỏi: Tết con có về không? anh chị em hỏi: Tết sẽ về chơi chứ? là câu được hỏi nhiều nhất mỗi khi người ở xa gọi về. Với người ở xa quê, cái Tết cổ truyền là dip gợi nhớ quê hương nhiều nhất, với những kỷ niệm ấu thơ không dễ phai mờ”.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đó là Thùy Linh đang đọc bản dịch tiếng Đức phần lời bài hát Việt Nam quê hương tôi do chị gái của em là Ina Thùy Dương dịch. Ina, con gái lớn của anh chị Phúc – Nga, mới năm nào là cô học trò lớp 5 đoạt giải nhất toàn nước Đức trong cuộc thi thơ 2008 của Nhà xuất bản FiFa, năm nay đã là sinh viên đại học.
Trong triển lãm Báu vật khảo cổ Việt Nam tại thành phố Chemnitz, CHLB Đức, cô bé đã được nhờ dịch lời bài hát Việt Nam quê hương tôi do đội văn nghệ cộng đồng biểu diễn.
Thuỳ Dương cùng ba Phúc làm MC cho chương trình thơ Tình thu của Hội Văn học nghệ thuật Chemnitz tổ chức tháng 10/2017 |
Chị Nghiêm Thị Hằng Nga, một trong những hạt nhân văn nghệ đình đám của người Việt ở Chemnitz, kể: “Gia đình anh Phúc, chị Nga có hai cô con gái, là Thùy Dương và bé Thùy Linh. Anh Phúc viết văn viết thơ rất hay. Còn Nga đúng là một người phụ nữ Việt Nam rất khéo tay, lúc nào cũng nhẹ nhàng, hay làm bánh, dạy con làm bánh, nấu ăn, tỉa hoa.
Trong các hoạt động của ngày Tết thì Thùy Dương cũng là một cô bé rất tích cực. Từ hồi hai cháu còn bé tí, thí dụ cô chị học lớp 5 chẳng hạn, cô chị múa thì cô em bé cũng nhảy bên cạnh rất đáng yêu. Và bây giờ đã lớn hai chị em vẫn tham gia tích cực. Cũng có lúc mình nhờ Thùy Dương là bây giờ cô muốn dịch ra tiếng Đức bài thơ Việt Nam này để khi biểu diễn mình cho các bạn người Đức nghe, thì cháu cũng dịch và thường rất hay”.
Chị Nguyễn Thị Nga (thứ hai từ trái sang) cảm ơn ca sĩ cộng đồng Phan Hiền cùng các anh chị em trong đêm sinh hoạt thơ của cộng đồng. |
Với chị Nguyễn Thị Nga, người thường được bạn bè biết tới với khả năng hội họa bẩm sinh của người gốc làng họa độc đáo nhất Việt Nam – làng Cổ Đô ở Ba Vì, Sơn Tây, Hà Nội, cũng như tài nấu nướng và trang trí món ăn luôn khiến mọi người trầm trồ, thì việc được tham gia cùng cộng đồng, và lan tỏa cho các con tình cảm chung ấm áp tình người Việt ở nơi xa xứ, là điều hạnh phúc.
Chị Nguyễn Thị Nga (thứ tư từ bên trái) được Chủ tịch hội người Việt Chemnitz tặng hoa vào dịp thành phố triển lãm Báu vật khảo cổ của Việt Nam, khi chị tham gia cùng các hoạt động của cộng đồng trong triển lãm này. (Chị Nghiêm Thị Hằng Nga là người thứ hai từ bên trái) |
Khi tham gia cùng cộng đồng ngày lễ, ngày Tết, những dịp đặc biệt, chị thích trang trí, làm bánh trái, hoa quả, làm phông nền…anh thích làm thơ. Và từ đó, các con anh chị cũng rất nhiệt tình tham gia cùng bố mẹ khi có việc chung. Nhất là dịp Tết.
Chị Nga bên chiếc phông do chính chị trang trí mừng sinh nhật người bạn đời. |
Chị Nga tỉa hoa từ rau củ trong triển lãm Báu vật khảo cổ Việt Nam tại Đức. |
Chị Nguyễn Thị Nga kể: “Trong suốt 28 năm tôi chỉ được về vào dịp Tết ít thôi. Thi thoảng bố tôi đến tuổi, mẹ tôi đến tuổi, tôi về. Vì không phải dịp về Tết năm nào cũng trùng dịp con cái nghỉ, ở bên này thì đau đáu lo bố mẹ những ngày Tết ngóng con, về đến nhà mà về một mình thì lại thương con.”
Đã xa quê hương rất lâu, nhưng giờ trong cộng đồng, tất cả những mặt hàng đế đón Tết ở đây đều có. Chị Nga bảo, ngày Tết có lá dong để gói bánh chưng, có giò chả, nếu muốn có cành đào thì đặt cũng có….Trước đây, khi liên lạc còn khó khăn, đến giờ giao thừa muốn gọi điện thoại thẳng về Việt Nam cũng không được vì đường truyền quá tải, giờ có mạng internet thì người Việt ở xa cũng có nghe, nhìn được cảnh đầm ấm quê nhà, vợi đi nỗi nhớ:
“Bánh chưng là món ko thể thiếu. Ngày xưa chưa có lá dong, chưa có lá chuối chúng tôi còn gói bằng giấy bạc bằng nilon. Tất nhiên nó không thể bằng nhưng chúng tôi lấy cái không khí. Giò chả tôi cũng tự làm, canh măng nem rán, dưa hành.
Khi các con còn nhỏ tôi thích mua đồ gói bánh chưng và nịnh các con làm cùng, rồi tranh thủ lúc đấy kể cho các cháu nghe. Hình như tôi nói nhiều lần nên khi kể các cháu bảo: Chuyện này con nghe rồi mẹ. Chúng có hiểu đâu, tôi đang nói với tôi là chính. Tôi nhớ và tôi như thấy tôi đang ngồi trong phòng khách nhà tôi, lúc tôi còn bé, bố tôi dạy tôi cách nối lạt để sao giấu được đầu lạt vào trong, tước lá sao để khỏi bị rách.”
Gia đình chị Nga Phúc quây quần trong đêm Giáng sinh - một lệ thường không thể thiếu hàng năm, khi các con đi học xa đều trở về nhà. Cả nhà chuẩn bị quà tặng nhau và mỗi năm phải chụp một bức ảnh. |
Cả hai vợ chồng anh chị, để mưu sinh trên đất Đức, đã từng trải rất nhiều thăng trầm, làm nhiều nghề nhiều việc để kiếm sống nuôi con. Nhưng anh chị luôn cố gắng động viên nhau giữ nếp nhà, với mong mỏi các con không chỉ không quên mà còn yêu,còn nhớ sâu sắc về nguồn cội.
Anh chị còn có cái may mắn là cùng chung một làng quê để nhớ.
Anh Nguyễn Quang Phúc, chồng chị Nguyễn Thị Nga kể: “Chúng tôi sinh sống ở nước ngoài, đón cái Tết cổ truyền của Việt Nam cũng vui, cũng náo nức. nhưng cái vui, cái náo nức này diễn ra ở trong lòng là chủ yếu….Người dân Châu Âu không đón Tết âm lịch. Chỉ có chăng là vào khu giao hàng của người Việt là có không khí Tết một chút.
Ngày Tết rơi vào ngày trong tuần chúng tôi vẫn phải đi làm việc. Năm nào may mắn ngày tết vào cuối tuần thì chúng tôi có nhiều thời gian để chuẩn bị một bữa cơm thịnh soạn, có đủ hương vị ngày Tết, có bánh chưng, có dưa hành…có bát miến bát măng. Rồi mời bạn bè, gọi con cháu ở xa về tụ tập ăn 1 bữa cơm… Còn nếu không, là ngày thường đi làm về chỉ kịp thắp nén hương, gọi điện về chúc Tết, rồi bật tivi lên để xem không khí đón Tết ở Việt Nam.
Hoa đào Tết nhà chị Nga, như một góc trời thương nhớ trên đất Đức |
Mà cái quan trọng nhất của ngày Tết Việt đối với chúng tôi là cái không khí. Không khí Tết nó vui hay không nó phải là toàn xã hội, chứ bên này là cái đấy thì cũng là sự thiệt thòi. Nhưng mà sau lúc bấy giờ là tụ tập với bạn bè, gọi điện về nhà, xem vô tuyến xong, xem như ngày Tết của Việt Nam xong thì thường chúng tôi cũng rất nhớ quê. Nhất là những người lớn chúng tôi cũng đã lớn lên và trưởng thành ở Việt Nam rồi, thì có rất nhiều kỷ niệm với làng quê, với quê hương mình."
Chị Nga bảo: "Cái cảm giác canh giờ để đặt chuông điện thoại để lật bánh cứ như lúc còn ở quê đếm 29,30 Tết, thú vị lắm. Tôi nhớ lúc bấy giờ ở Việt Nam còn đì đẹt tiếng pháo. Còn thiếu nhiều nhất ở bên này đó là không khí. Ở quê tôi thì có một phong tục là những cụ già trong gia đình, họ mạc người ta đến tuổi thượng thọ…thì chúng tôi kéo nhau cả đoàn, cả gia đình sang chúc Tết. Ở ngoài đường cái cảnh lúc nào cũng tấp nập người đi lại, gặp nhau tay bắt mặt mừng nói những lời chúc tốt đẹp cho nhau ngày Tết.
Một cành đào đã mang tới một nửa cái Tết quê nhà. |
Riêng chị Nga năm nào cũng thế, chuẩn bị riêng cho mình một góc quê hương để nhớ, đó là cành đào. Trước đây khi không thể mang đào sang, chị còn mua một cành liễu giống cành đào đang ra lộc non, tự làm hoa giả dán lên, và tự vui với mình rằng đó là đào Tết:
“Bây giờ trong khu vườn của tôi, tôi trồng 1 cây đào. Và sắp Tết tôi đã cắt về vì phải để trong nhà ấm, và đúng Tết chỉ 1-2 cánh đào nở thôi là tôi thấy không khí Tết Việt Nam đã tràn vào trong nhà. Khi có cành đào hoa trong nhà là tôi đã có một nửa Tết Việt Nam rồi.”
Anh chị Phúc - Nga cũng thường tham gia buổi gặp mặt Tết cùng anh em bạn bè do Hội người Việt tổ chức. Anh chị nói, gia đình chị rất vui vì được sinh hoạt chung trong một cộng đồng xa xứ mà mọi người rất quan tâm đến nhau, chung một tình cảm ấm áp về quê nhà.
Bạn bè anh chị Phúc - Nga trong một buổi họp mặt trong khu vườn của anh chị. |
Và trong những giờ phút đó, ở nơi này, họ luôn nhắc lại những kỷ niệm ở nơi kia đó, nơi họ mạc người thân, cha mẹ tổ tiên vẫn nhớ lúc họ trở về. Anh Phúc bảo: “Những ngày Tết này tôi nhớ quê lắm. Tôi nhớ ngày xưa những ngày giáp Tết mẹ và chị tôi cứ phải làm sao cấy thật nhanh cho xong mấy thửa ruộng, để được đến ngày Tết thì thanh thản mà ăn Tết. Bố tôi gói bánh chưng bao giờ cũng gói một hai cái nho nhỏ cho tôi và chị tôi. Nhà tôi có nồi bánh chưng to thì hàng xóm cứ chia nhau để mượn để các nhà nấu.
Làng Cổ Đô, quê anh chị Phúc - Nga ở quãng giữa hai sông, sông Hồng hợp lưu với sông Đà, sông Lô hợp lưu với sông Hồng. Làng ngã ba sông, cũng là ngôi làng họa sĩ duy nhất của Việt Nam. - Ảnh: Phi Hà |
Quê tôi đẹp lắm. Cứ năm nào Tết đến cấy xong rồi đồng lúa lên xanh mơn mởn, đàn cò trắng muốt bay về sà xuống. Chúng tôi ở bên này ngày Tết ngồi với nhau và thường kể những chuyện ngày xưa mình sống ở quê như thế nào. Lúc đấy thì vui lắm, vừa nhớ nhà vừa vui. Vừa rồi bạn tôi có đưa lên hình ảnh quê hương tôi sửa đình, sửa chùa, dựng cổng làng rất đẹp. Tôi có cảm xúc tôi làm bài thơ Làng về làng tôi, tôi xin đọc cho các bạn nghe.
Làng tôi ở
Phía trước cánh đồng
Phía sau dòng sông
Gió đầy như trăng sao
Trời xanh ngang tầm mắt
Ngày mùa xôn xao cánh đồng vụ gặt
Bờ sông tấp nập mạn thuyền
Đình làng quê tôi trầm mặc
Mái chùa cổ kính rêu phong
Tiếng chuông nhà thờ ngân lên triền sông
Con thuyền bồng bềnh trên sóng
Làng tôi như bài thơ ảo mộng
Tiếng à ơi ru tự thủa nào
Bè bạn tôi về
Trên đầu đều hai thứ tóc
Thấy cánh đồng
Gặp dòng sông
Nụ cười bỗng xanh trở lại
Ai chẳng có mẹ già
Ai chẳng có một miền quê..."