Tôi tin tưởng mạnh mẽ vào tình yêu với quê hương Việt Nam

(VOV5) - Sống xa quê hương nhưng không lúc nào nguôi nhớ về Tổ quốc, mới đây bà Ngọc Dung Moser, Tổng Thư ký Hội người Việt Nam tại Thụy Sĩ, đồng thời là thành viên Ban chấp hành Hội hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam đã được trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam. Đây là sự ghi nhận những thành tích xuất sắc của bà trong việc củng cố, phát triển cộng đồng và tổ chức các hoạt động hướng về quê hương đất nước. 

Tôi tin tưởng mạnh mẽ vào tình yêu với quê hương Việt Nam - ảnh 1
Bà Ngọc Dung trong chuyến về thăm làng gốm Bát Tràng, Hà Nội (Ảnh facebook nhân vật)


Nghe âm thanh bài viết tại đây:



“Tôi ở Thụy Sỹ hơn 40 năm rồi, nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam” – đó là điều đầu tiên mà bà Ngọc Dung Moser chia sẻ trong cuộc chuyện trò cùng tôi. Và tôi đã thực sự bị cuốn hút bởi những câu chuyện của bà – người phụ nữ điềm đạm với khuôn mặt hiền từ, giọng nói nhẹ nhàng mà ẩn chứa nội lực mạnh mẽ từ trong sâu thẳm của tâm hồn.


Du học về kinh tế ở Thụy Sĩ từ năm 1970, rồi làm việc tại đây, bà Ngọc Dung xây dựng gia đình với một chuyên gia hương liệu người Thụy Sĩ. Ngay từ năm 1984, hai vợ chồng ông bà Ngọc Dung Moser đã trở về quê hương để tìm cơ hội hợp tác, giúp đỡ. Là một chuyên gia về tinh dầu, ông Moser nhận ra Việt Nam hội đủ các điều kiện về tự nhiên để phát triển ngành này. Những năm đó, giao thông, kinh tế mọi mặt của Việt Nam đều còn khó khăn, nhưng hai ông bà đã không quản ngại vào Nam ra Bắc, hợp tác với một số trường đại học ở Hà Nội để mang dụng cụ thí nghiệm về, rồi đến thăm cả những vùng dược liệu tiềm năng... Cũng những năm tháng đó, ông bà đã có kết nối với Trung tâm y tế Quốc tế của Thụy Sĩ, kêu gọi giúp Việt Nam xây dựng bệnh viện U Minh. Đến nay, bệnh viện U Minh đã phát triển thành một bệnh viện lớn, nhưng phía Thụy Sĩ thông qua Trung tâm y tế quốc tế vẫn tài trợ một số tiền hàng năm để khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo cũng như đào tạo nâng cao năng lực nhân viên y tế…


Những dự định dành cho Việt Nam còn nhiều, nhưng thật không may, ông Moser qua đời khi các dự án vẫn còn dang dở. Còn lại một mình, con cái đã trưởng thành và thành đạt, bà Ngọc Dung dành toàn tâm toàn ý để phát triển cộng đồng người Việt tại Thụy Sỹ, dù bà biết công việc này không hề dễ dàng. Bà chia sẻ: "Tôi đã làm việc trong cộng đồng từ năm 1975, sau chiến tranh, đã lớn lên trong cộng đồng và rất thích làm việc với cộng đồng. Hội người Việt Nam tại Thụy Sỹ đã được thành lập hồi tháng 4/2010, nhưng sau đó do trong cộng đồng vẫn còn chia rẽ nên hoạt động của Hội có gặp những khó khăn. Nguyện vọng của chúng tôi luôn là phi chính phủ, phi tôn giáo, và chỉ nghĩ đến việc đùm bọc với nhau ở xứ người, Hy vọng trong thời gian tới sẽ có những sự hợp tác chặt chẽ hơn trong cộng đồng, và có thể duy trì văn hóa Việt Nam bằng cách đoàn kết với nhau tổ chức cái tết của cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sỹ, chứ không phải cái Tết như những năm trước là Tết của chùa hay Tết của công giáo. Mình chỉ muốn làm một cái Tết  là Tết của người Việt Nam".


Trên thực tế, bà Ngọc Dung đã góp phần xây dựng và phát triển một tổ chức khác, đó là Hội hữu nghị Thụy Sỹ - Việt Nam. Bà cho biết, hồi đầu những năm 80, chồng bà đã giúp liên lạc với những người bạn Thụy Sỹ yêu mến Việt Nam để thành lập nên tổ chức này, nhằm ủng hộ Việt Nam khi bị Mỹ cấm vận sau chiến tranh và tổ chức các hoạt động thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai nước. Suốt từ ngày thành lập năm 1982, đến nay Hội vẫn được duy trì và phát triển dù các thành viên sáng lập Hội nay tuổi đã cao và sống tại nhiều địa bàn cách xa nhau. Những năm gần đây, Hội tham gia tổ chức các cuộc biểu tình hòa bình tại thành phố Zurich, phản đối các hành động vi phạm pháp luật của Trung Quốc tại Biển Đông. Bà Ngọc Dung Moser cũng trở thành sứ giả văn hóa Việt Nam cho những người bạn Thụy Sỹ với việc tổ chức các chuyến du lịch tìm hiểu về quê hương.


Hiện tại, là Tổng thư ký Hội người Việt Nam tại Thụy Sỹ, bà Ngọc Dung rất thiết tha với việc dạy tiếng Việt cho con em người Việt ở đây. Bà cho biết: "Ở vùng tôi ở có nhiều bạn trẻ mới lập gia đình, sinh con đẻ cái nên nhu cầu dạy tiếng Việt cho các cháu càng ngày càng mạnh hơn. Tôi mong muốn Chính phủ Thụy Sỹ cho chúng tôi có chân trong các lớp mầm non hay mẫu giáo hay người giữ trẻ, cho người Việt Nam vào làm việc chính thức trong đó để có thể tiếp cận các cháu trong cộng đồng người VN mình, để các cháu có thể nghe được tiếng mẹ đẻ từ lúc còn bé. Còn những lớp học thì chúng tôi cũng rất muốn xin Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ cho mình mở một Trung tâm văn hóa, trong đó sẽ dạy cho các cháu học tiếng Việt, đồng thời huấn luyện cho các bậc cha mẹ sang đó lâu rồi mà không nói được tiếng của nước sở tại. Mình sẽ làm các lớp dạy hội thoại để các anh chị có thể giao lưu được với người bản xứ mà không có sự ngại ngùng, từ đó họ sẽ hòa nhập được tốt hơn".


Để hiện thực hóa ước mơ đưa tiếng Việt đến với các em nhỏ gốc Việt, mấy năm nay bà Ngọc Dung trở về Việt Nam nhiều hơn, tham gia các lớp tập huấn về giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, tìm hiểu các giáo trình ngôn ngữ để chuẩn bị thật cho việc thành lập lớp tiếng Việt đầu tiên tại Thụy Sỹ. Bà chia sẻ: “Bây giờ đời sống đã ổn định, anh chị em bên đó cũng dần dần muốn gần hơn với Tổ quốc, dần dần cũng tìm đến với chúng tôi. Tôi hiểu những hiềm khích còn tồn tại đâu đó, nhưng có một sự hy vọng mạnh mẽ, rằng tình yêu chung với quê hương Việt Nam sẽ xóa bỏ tất cả những cách biệt, để cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sỹ đồng lòng hướng về quê hương, để con cháu hiểu rõ hơn và không quên nguồn cội”.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác