TS Phan Bích Thiện: Cần có những quy định cụ thể dành cho kiều bào trong Luật quốc tịch

(VOV5) - Những ý kiến đóng góp của kiều bào trước thềm Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV, Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài 2024 từ 21 - 24/8/2024.

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 sẽ diễn ra từ 21/8 đến 24/8/2024 tại Hà Nội dưới sự chủ trì, phối hợp của Bộ Ngoại giao với các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan. Với chủ đề “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV là diễn đàn để các cơ quan chức năng trong nước nắm bắt được tình hình, tâm tư, nguyện vọng của người Việt Nam ở nước ngoài, từ đó đẩy mạnh công tác chăm lo, hỗ trợ kiều bào.

Nhân dịp tham dự Hội nghị lần này, Tiến sĩ Phan Bích Thiện, Chủ tịch Diễn đàn phụ nữ Việt Nam tại Châu Âu đồng thời cũng có một hoạt động quan trọng khác, đó là tham gia Lễ ký kết hợp tác 4 bên trong hoạt động thiện nguyện cho trẻ em nghèo, giữa Diễn đàn phụ nữ Việt Nam tại Châu Âu, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Ban Đối ngoại Đài Tiếng nói Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ vào ngày 21/08/2024.

Tiến sĩ Phan Bích Thiện chia sẻ về những hoạt động này cũng như những tâm tư của kiều bào gửi gắm trước thềm Hội nghị.
TS Phan Bích Thiện: Cần có những quy định cụ thể dành cho kiều bào trong Luật quốc tịch - ảnh 1Tiến sĩ Phan Bích Thiện (áo dài trắng) nhận Bằng khen của Hội chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng cho Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại Châu Âu trong tháng 4/2024.

TS Phan Bích Thiện: Từ khi thành lập đến nay Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại Châu Âu luôn đồng hành với nhiều hoạt động của Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam. Diễn đàn cũng đã vinh dự nhận được Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam dịp Tháng Nhân đạo Quốc gia năm 2024.

Để cho những hoạt động nhân đạo này được lan tỏa rộng hơn, nhân dịp này, Diễn đàn phụ nữ Việt Nam tại Châu Âu phối hợp cùng Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Ban Đối ngoại Đài Tiếng nói Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ sẽ ký kết hợp tác bốn bên với chủ đề “Thắp sáng ước mơ cho em”, với nguyện vọng sẽ hỗ trợ các trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nhân các dịp Tết Trung thu hằng năm, thông qua việc hỗ trợ các trường học, tặng quà…

Chúng tôi những phụ nữ ở Châu Âu cũng luôn muốn góp một phần nào đó để cùng với các tổ chức ở trong nước mang đến những niềm vui cho các em nhỏ ở những vùng xa còn rất khó khăn. Tôi nghĩ đây là hoạt động có ý nghĩa, sự cộng hưởng sẽ rất lớn.

TS Phan Bích Thiện: Cần có những quy định cụ thể dành cho kiều bào trong Luật quốc tịch - ảnh 2TS Phan Bích Thiện, Chủ tịch Quỹ vì quan hệ Hungary Việt Nam, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Hungary.

PV: Ngoài việc ký kết hợp tác 4 bên, tham dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 này, bà có những ý kiến đóng góp gì?

TS Phan Bích Thiện: Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 được tổ chức sau một thời gian gián đoạn cũng khá lâu vì đại dịch, có thể nói là một sự kiện cũng khá lớn với kiều bào.

Tham dự hội nghị lần này tôi cũng muốn đề đạt 1 số ý kiến của mình trong công tác đại đoàn kết dân tộc và vấn đề hội đoàn.

Về phát triển hội đoàn, chúng ta cần một số đổi mới để phù hợp với thời đại mới, thời đại công nghệ và phát triển số. Trong đó cần thay đổi tổ chức sinh hoạt hội đoàn, để có thể thu hút được kiều bào. Đại đoàn kết dân tộc chính là sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Mà người Việt Nam ở nước ngoài liên kết thông qua các hội đoàn là hình thức đoàn kết hiệu quả. Nhưng để hoạt động tốt hơn, cần đa dạng hóa các hội đoàn. Bởi vì các hội đoàn là tự nguyện, nên có những hội đoàn khác nhau phụ thuộc vào các đối tượng, các lĩnh vực khác nhau, quy tụ những kiều bào có cùng điểm chung thì sẽ cộng hưởng được sức mạnh. Trong việc đó, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Người đứng đầu phải có tầm, có tâm huyết. Đặc biệt trong thời đại hiện nay việc xử lý thông tin, tình huống cần rất nhanh, cần người sâu sát ở ngay địa bàn để cập nhật, xử lý ngay.

Thứ hai là cần áp dụng những điểm tối ưu của thời đại công nghệ số, trong công tác đối ngoại nhân dân. Nghĩa là phải sử dụng những fanpage, những trang facebook, mạng xã hội vv.. trong việc quảng bá, qua đó lan tỏa thông tin nhanh nhất.

Vấn đề nữa là thu hút thế hệ trẻ. Thế hệ thứ hai, thứ ba các bạn sinh ra lớn lên ở nước sở tại, hội nhập rất tốt, ngôn ngữ thông thạo. Đối với việc đối ngoại nhân dân, các bạn sẽ có rất nhiều ưu thế. Nhưng làm sao để lôi cuốn được các bạn tham gia vào các hội đoàn, là câu chuyện chúng ta phải rất chú trọng. Hội phụ nữ Việt Nam tại Hungary chúng tôi có một ban riêng, là Ban vận động thế hệ trẻ. Tôi rất vui khi trong đội ngũ Ban chấp hành của chúng tôi hôm nay có những bạn ở độ tuổi hai mươi, ba mươi. Khi làm việc hai thế hệ có thể hỗ trợ lẫn nhau. Nhưng để níu chân được các bạn, hoạt động hội đoàn cũng phải thay đổi, phải phù hợp với văn hóa của nước sở tại nơi các bạn sinh ra và lớn lên. Chúng ta phải giao việc, tôn trọng ý kiến và tin tưởng các bạn trẻ.

Và một ý tưởng nữa, là việc tổ chức ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở nước ngoài. Chúng ta đã tổ chức rất tốt Ngày hội Đại đoàn kết trong nước, thì ở nước ngoài, cũng có thể tổ chức khi chúng ta cùng chung tay tập hợp lại với một tôn chỉ chung: chúng ta đều là người Việt Nam.

PV: Hội nghị lần này cũng là một cơ hội để kiều bào có những kiến nghị đối với các cơ quan hữu quan trong nước. Bà có nêu kiến nghị nào cụ thể?

TS Phan Bích Thiện: Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước, Chính phủ , Quốc hội Việt Nam rất quan tâm đến kiều bào. Luật đất đai 2024 và Luật kinh doanh bất động sản mới đây được thông qua, là minh chứng người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được công bằng về quyền lợi với người Việt Nam ở trong nước trong lĩnh vực mua bán, thừa kế, cho nhận bất động sản.

Một vấn đề liên quan nữa là quốc tịch. Trước đây có nhiều kiều bào vì những lý do vì mưu sinh hoặc luật pháp nước sở tại nên họ phải từ chối quốc tịch Việt Nam, mà bây giờ muốn xin lại quốc tịch Việt Nam. Hiện giờ, theo Luật quốc tịch hiện hành, nếu nhập tịch Việt Nam phải có ba điều kiện: Việc nhập tịch đó phải có lợi cho đất nước Việt Nam, phải có những đóng góp đặc biệt cho Việt Nam, phải có mối quan hệ huyết thống với người Việt Nam.

Trong Luật không quy định rõ ràng là bắt buộc phải cả 3 điều đó hay chỉ cần 1 trong 3 điều. Hai nữa, như thế nào là “có lợi cho đất nước Việt Nam” và có những cống hiến đặc biệt cho đất nước Việt Nam, thì cũng rất chung chung. Vì thế chúng tôi cũng muốn các cơ quan xây dựng luật pháp trong nước đưa ra những quy định cụ thể.

Với những cháu sinh ra ở nước ngoài, có bố hoặc mẹ là người Việt Nam, người còn lại có thể là người nước ngoài hoặc cũng có trường hợp không xác định được. Việc này cần đưa ra những quy định, như là chỉ cần bố hoặc mẹ là người Việt Nam thì các cháu cũng có quyền xin quốc tịch Việt Nam. Bằng cách đó cũng là một hình thức quê hương Việt Nam, nhà nước Việt Nam chứng tỏ cho các cháu thấy dù các cháu sinh ra ở nước ngoài, nhưng đất nước luôn coi các cháu là những người con Việt Nam. Cũng có thể qua đó các cháu thấy gắn bó hơn với Việt Nam, và sẽ có nhiều cơ hội để cống hiến cho Việt Nam. Tôi cũng mong muốn trong Luật quốc tịch sửa đổi sắp tới cũng lưu ý đến những vấn đề này.

Xin cảm ơn bà.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác