Các chùa Khmer bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Khmer

(VOV5) - Những học sinh, học viên nào khó khăn sẽ được nhà chùa hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập, có chùa còn xây ký túc xá cho học viên, giáo viên ở xa nhà vào ở.

Đối với dân tộc Khmer, chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo mà còn là nơi dạy học, giáo dục đạo đức, nhân cách sống. Tỉnh Sóc Trăng có 92 chùa thì chùa nào cũng mở lớp dạy tiếng Khmer. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa của các nhà chùa, góp phần bảo tồn chữ viết và tiếng nói của dân tộc Khmer.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây:  
Dạy học ở các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer từ lâu đã trở truyền thống vào dịp Hè. Mỗi năm, nhà chùa chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất để đón học sinh đến học và học sinh không phải đóng bất kỳ một khoản kinh phí nào. Chùa nào không có chỗ dạy học thì có thể mượn nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng ở phum, sóc hoặc lớp học ở điểm trường nào đó để dạy. 
Các chùa Khmer bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Khmer - ảnh 1Một lớp học dành cho các sư ở chùa Chén Kiểu. Ảnh: Ngọc Anh

Tham gia giảng dạy tại các chùa chủ yếu là các nhà sư, tình nguyện viên. Tu học ở Thái Lan về đang dạy học ở chùa Tà Mơn (xã Viên Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), sư Kim Chí Thành cho biết: "Chùa có 3 - 4 lớp học tùy theo từng năm học. Năm nay, chùa mở 3 lớp học từ lớp 1 đến lớp 3. Các em nhỏ tiểu học cứ mùa Hè là vào chùa học tiếng Khmer. Sư dạy học cũng lâu rồi. Thành phần giáo viên đa số là các sư ở trong chùa, dạy miễn phí, giúp các em biết chữ, biết tiếng mẹ đẻ của mình. Đã là người dân tộc Khmer thì phải biết tiếng, biết chữ Khmer."

Học sinh đến các chùa học không phân biệt giới tính, lứa tuổi, giai tầng trong xã hội, thậm chí học viên có cả các vị sư, nhưng đông nhất vẫn là trẻ em. Cứ vào dịp nghỉ Hè, rất đông trẻ em lại háo hức vào chùa học đọc, học viết chữ Khmer.

Các chùa Khmer bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Khmer - ảnh 2Sư và trò ở chùa Prey Chóp trò chuyện trong giờ nghỉ giải lao. Ảnh: Ngọc Anh

Những học sinh, học viên nào khó khăn sẽ được nhà chùa hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập, có chùa còn xây ký túc xá cho học viên, giáo viên ở xa nhà vào ở. Do lớp học chỉ kéo dài trong thời gian ngắn vài tháng Hè, nên không ảnh hưởng đến việc học tập ở trường.

Em Dương Triệu An, học sinh cấp tiểu học ở xã Viên Bình, huyện Trần Đề, đang học ở chùa Tà Mơn, cho biết: "Con học được 1 năm ở chùa rồi. Con đã biết viết, biết đọc sách, biết các chữ Khmer, biết đánh vần. Thầy giáo quan tâm chăm sóc, dạy chúng con học hành. Chúng con cảm ơn các thầy, mong muốn chùa mở nhiều lớp học để nhiều bạn như chúng con được học chữ Khmer. Con cố gắng học giỏi để không phụ lòng thầy cô giáo, cha mẹ, các sư. Học giỏi lớn lên con sẽ có công ăn việc làm tốt, có một tương lai tốt đẹp, trở thành công dân có ích với xã hội, giúp đỡ gia đình.

Đa số giáo viên là các vị sư, nên nghiệp vụ sư phạm còn hạn chế. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với lòng yêu thương, mong muốn gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các sư đã tranh thủ thời gian nghỉ Hè dạy chữ cho các em nhỏ. Dù không phải trường lớp chính quy, nhưng nhà chùa vẫn tổ chức giảng dạy nghiêm túc, bảo đảm theo đúng giáo trình của ngành giáo dục.

Các chùa Khmer bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Khmer - ảnh 3Một lớp học cho trẻ em ở chùa Tà Mơn. Ảnh Ngọc Anh

Đại đức Lâm Bình Thanh, Phó trụ trì chùa Som Rong (thành phố Sóc Trăng), cho biết: "Chùa năm nào cũng mở lớp học dạy cho các em học đồng bào Khmer biết chữ dân tộc của mình. Lớp mở học từ 8h - 10h hằng ngày dịp Hè, Chủ Nhật thì cho nghỉ. Mỗi năm có 2 lớp học nhưng năm nay hiện tại mới mở 1 lớp, sắp tới chùa mở thêm 1 lớp nữa là 2 lớp. Các em mới vào đây học thì học từ đầu còn em nào từng học 1,2 năm rồi thì học lớp nâng cao hơn. Ở đây, có những vị sư đã tu học ở Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ về dậy con em Khmer."

Tham gia học ở chùa, các em được học cách viết, cách đọc, ngữ pháp tiếng Khmer. Ngoài ra, các em còn được các sư truyền đạt phong tục, lễ nghĩa cũng như văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Qua đó, giúp các em khôn lớn, trưởng thành sau này. Em Thạch Thanh Sang, học sinh tiểu học ở xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Năm ngoái, con học hè ở chùa Prey Chóp. Con nâng cao kiến thức về văn hóa, chữ viết tiếng Khmer. Năm nay con học tiếp. Con thấy lớp học bổ ích cho chúng con. Con mong muốn chùa mở thêm nhiều lớp học nữa để nhiều bạn vào chùa học."

Duy trì đều đặn hằng năm, các lớp học tiếng Khmer ở trong các chùa tại tỉnh Sóc Trăng đã góp phần nâng cao khả năng nói, viết và ngữ pháp của con em người Khmer nơi đây. Qua đó, góp phần vào sự nghiệp phát triển của ngành giáo dục, nâng cao dân trí, bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc Khmer.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác