Cách làm nhà truyền thống của người Nùng ở Nàn Sán

(VOV5) - Ngày vào nhà mới của người Nùng ở xã Nàn Sán là một ngày đại sự. Ngôi nhà hoàn thành dù gia đình khá giả hay không đều tổ chức ăn uống vui vẻ để chúc mọi sự tốt lành.

Ở huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, người Nùng là một trong những dân tộc có dân số đông thứ 2 (chiếm gần 13% dân số toàn huyện) sinh sống tập trung tại các xã: Nàn Sán, Bản Mế, thị trấn Si Ma Cai và Quan Hồ Thẩn. Cùng với nhiều phong tục tập quán và văn hóa truyền thống, hiện nay người Nùng vẫn giữ được ngôi nhà trình tường đất của mình. Ngôi nhà của họ không chỉ là nơi để và sinh hoạt, mà trong đó còn ẩn chứa nhiều phong tục tập quán.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
 Từ trung tâm huyện Si Ma Cai đến xã Nàn Sán chỉ khoảng 3 cây số. Đến đây, du khách không chỉ chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang nằm trong một thung lũng đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình, mà còn cả những ngôi nhà trình tường đất của người Nùng trông rất cổ kính, tồn tại vài chục đến trăm năm.
Để làm được ngôi nhà này, ông Thèn Xuẩn Vần, ở thôn Đội 2, chia sẻ: Khi chuẩn bị làm một ngôi nhà mới, đồng bào phải chọn vị trí để phù hợp với điều kiện sản xuất và sinh hoạt. Sau khi chọn được vị trí ưng ý thì gia chủ bắt đầu tiến hành một số nghi lễ để dựng nhà. "Phong tục của người Nùng muốn làm cái nhà mới đầu tiên là phải chọn hướng nhà, tuổi nào phù hợp với hướng nào thì cửa xoay vào hướng đấy. Trước khi làm nhất là phải chọn ngày, ngày khởi công đo vuông góc các thứ xong bắt đầu đúng giờ lấy cái khuôn giã tường đặt xuống con lấy một con gà, một miếng thịt khấn báo siêu phủ thổ địa bảo vệ làm lệnh cho nhà mới của mình.
Ý khấn của tiếng Nùng bảo hôm nay là ngày lành tháng tốt, tôi là họ Thèn đến giờ lành tháng tốt tôi động thổ dựng cái nhà này xin mời các ông, các sư thầy thổ địa bảo vệ phù hộ cho nhà mới của tôi này có tiền có bạc, không ốm đau không bệnh tật, làm cái nhà này không bị đổ."
Cách làm nhà truyền thống của người Nùng ở Nàn Sán - ảnh 1Nhà trình tường. Ảnh minh họa:  langvietonline

Sau khi gia chủ hoặc ông thầy khấn xong thì con gà sẽ được mổ, làm sạch rồi đem đi luộc. Khi con gà đã chín thì vớt ra cúng tiếp cùng với 3 bát cơm, 3 chén rượu, vàng mã, hương. Sau khi cúng chín xong, gia chủ hoặc ông thầy sẽ tiến hành xem chân gà. Nếu chân gà tốt thì mới tiến hành khởi công, ngược lại nếu chân gà xấu thì phải hoãn lại.

Để trình tường đất, người Nùng làm một khuôn gồm 4 tấm gỗ, trong đó 2 tấm dài khoảng mét rưỡi đến hai mét, 2 tấm ngắn khoảng nửa mét được bịt hai đầu của hai tấm dài để tạo thành một khuôn. Theo ông Thèn Xuẩn Vần, khi bắt đầu trình phải điều chỉnh sao cho bốn góc tường vuông góc với nhau: "Đất giã tường thì tùy theo từng chỗ được cái đất đỏ hơi pha cát thì giã chắc hơn, mai kia là nó không nứt to, hai là nó có độ bền cao hơn, còn đất khác không giã được tường cao. Khuôn giã cũng phải chuẩn, đầu khuôn cũng phải có kích cỡ hoặc cũng phải có cái dây chiếu thẳng ở giữa. Đặt hơi lệch khi tháo cái khuôn ra nó cũng lệch. Mỗi một khuôn thường cao 50 phân dày 30 phân. Một ngôi nhà hoàn chỉnh tường đất phải cao từ 3,5-3,8 mét. Hai đầu hồi muốn nâng cao lên thì bịt kín  lên lại giã nâng lên.

Muốn cho tường nó mịn không bị nứt nẻ hoặc gồ ghề thì phải dùng một tấm gỗ dạng như bào để đập vào bức tường vừa giã xong: "Cái đấy là phải nhanh để nó cứng thì không được. Khi tháo cái khuôn đặt ra chỗ khác phải lấy miếng gỗ mình đẽo ra bằng cái bàn tay xong là đập cho nó chắc vào, một là nó mịn, hai là nó mới trơn, nó không rỗ tổ ong. Cái anh Nùng không cẩn thâm, còn anh Mông mới cẩn thận, làm đẹp như nhà xây trát."

Trong quá trình giã tường nhà thì có một nhóm thợ mộc đục đẽo cột kèo, xẻ gỗ thành ván để làm sàn gác. Theo ông Thèn Xuẩn Vần khi bốn bức tường làm xong thì sẽ tiến hành dựng cột:            "Thợ mộc làm mình giã xong lại tính ngày mới dựng cột, dựng cột xong mới lợp. Nhà đơn giản hơn thường thường là 4 hàng cột. Mỗi hàng cột thì có 4 cột cái lớn. Hôm dựng cột phải cúng. Cúng tờ mờ sáng lúc mặt trời chưa mọc là cúng một lần. Ông thợ mộc lấy cây gỗ gõ mấy cái cột, xong mới cho cái sàn trước. Tất cả anh em những người đến giúp thì mới được động dựng lên lắp lung các thứ xong là bên ngoại tìm miếng vải đỏ, một cái cây cũng nhuộm đỏ đặt nóc bên ngoại phải mang về. Phải lấy một con gà, 12 cái bánh, 1 lít rượu mang về để cúng lần 2. Cây nóc ấy những nhà giàu cho một đồng bạc trắng, không có phải cho một miếng khoét cái lỗ đặt nóc vuông vắn tháo ra, thóc này, đựng ngô này, bạc, tiền nhét ở trong, lấy miếng gỗ bịt lại rồi lấy vải đỏ cuốn lại.

Ngày vào nhà mới của người Nùng ở xã Nàn Sán là một ngày đại sự. Ngôi nhà hoàn thành dù gia đình khá giả hay không đều tổ chức ăn uống vui vẻ để chúc mọi sự tốt lành. Với người Nùng ở Nàn Sán, dựng cột, lợp mái xong, cũng là ngày vào nhà mới. Gia chủ đi mời anh em họ hàng gần xa, mời cả thôn bản, nhất là các cụ ông, cụ bà, những người am hiểu về phong tục tập quán đến mừng nhà mới, góp vui và nhờ các cụ chúc mừng lời hay ý đẹp để xin phúc, lộc, thọ... Ông Vàng Văn Thương, lãnh đạo xã Nàn Sán, cho biết: "Khi mà làm xong nhà mới thì anh em đến mừng nhà mới theo phong tục ngày xưa thì đem một ống gạo đến, có hộ thì mang tiền đến  thể hiện đoàn kết của thôn bản, hàng xóm. Còn khi ăn mừng nhà mới có thể nếu mà người ta đến mừng nhà mới có thể hát giao duyên đó là một số người biết hát thì tổ chức hát giao duyên mừng nhà mới, hát đối đáp mừng nhà mới."

Nhà truyền thống của người Nùng xã Nàn Sán thường là hình chữ nhật, bao quanh bằng 4 bức tường trình bằng đất. Theo ông Vàng Văn Thương, lãnh đạo xã Nàn Sán, thì việc làm nhà to hay nhỏ, hoăc bố trí không gian trong ngôi nhà thường do chủ nhà quyết định. Nhà của người Nùng dù to hay nhỏ đều theo một khuôn mẫu và thường có 3-4 ô cửa  sổ nhỏ, một cửa chính và một cửa phụ. Nhà truyền thống của người Nùng ở xã Nàn Sán là công trình kiến trúc độc đáo thể hiện vẻ đẹp vật chất và giá trị tinh thần; là sản phẩm sáng tạo gắn liền với cuộc sống của họ, từ khi cất tiếng khóc chào đời đến khi nhắm mắt về với tổ tiên.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác