(VOV5) - Với 12 loại hoa văn, người Mường dễ dàng sử dụng để tạo ra nhiều loại sản phẩm khác nhau phục vụ cho các nhu cầu trong sinh hoạt.
Đồng bào dân tộc Mường có nghề dệt thổ cẩm truyền thống rất phát triển, với những sản phẩm đẹp, họa tiết hoa văn, tinh tế cầu kỳ. Tại xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, người Mường vẫn tự nhuộm, dệt những bộ trang phục truyền thống.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Trong truyền thống của người Mường, con gái 15,16 tuổi đã phải biết dệt và làm những món đồ, như: gối, chăn, váy áo để mang về nhà chồng. Đó cũng là cách thể hiện tấm lòng và sự khéo léo của người phụ nữ sẽ biết chăm lo, vun vén cho gia đình. Cứ thế mà nghề dệt thổ cẩm hiện diện trong đời sống và trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc Mường. Chị Bùi Thị Buông, xóm Lục, xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình, chia sẻ: "Mẹ tôi dạy cho cách dệt từ bé… giờ đã thành nghề gia truyền. Nghề này người Mường ai cũng phải biết, nói chung là người Mường cũng phải biết làm thì mới lấy được chồng, không thì người ta không muốn lấy đâu."
Những tấm vải thổ cẩm cứ thế hiện diện trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người Mường và trở thành nét đẹp truyền thống. Ảnh thuonghieuvaphapluat.vn |
Trước đây người Mường dệt vải bằng sợi bông và sợi tơ tằm do tự mình se, nhưng nay họ không tự se sợi nữa mà dùng những sợi chỉ, sợi len bán sẵn trên thị trường. Nhưng cho dù dệt bằng nguyên liệu nào thì ngày ngày, bên những khung cửi nhỏ đơn sơ, người phụ nữ Mường vẫn cần mẫn, tỉ mỉ dệt những họa tiết hết sức tinh tế.
Bài Bùi Thị Lan, xóm Lục, xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình, cho biết: "Ngày xưa chúng tôi làm bằng sợi bông, tơ tắm chứ không có sợi sẵn như hiện nay. Chúng tôi phải trồng dâu, nuôi tằm, rồi keo tơ, se sợi, nhuộm các màu đỏ, vàng để làm cạp váy. Nay có sợi công nghiệp thì mình chỉ mua chỉ màu về dệt."
Các sản phẩm thổ cẩm của hợp tác Lục Nghiệp Thành đều được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. |
Với 12 loại hoa văn, người Mường dễ dàng sử dụng để tạo ra nhiều loại sản phẩm khác nhau phục vụ cho các nhu cầu trong sinh hoạt. Họ dệt hoa văn lên 3 nhóm sản phẩm chính là chăn và vỏ đệm; cạp váy; các tấm trang trí. Chỉ riêng cạp váy Mường cũng đủ thể hiện nét tinh hoa văn hóa và giá trị của thổ cẩm Mường.
Bà Bùi Thị Lan cho biết thêm: "Có nhiều loại hoa văn, nhưng đẹp nhất là hoa đĩa, đầu con rồng. Cạp váy con rồng thì ngày xưa nhà giàu mới được mặc, con nhà nghèo mà mặc đi làm dâu hoặc đi ra đường mà nhà Lang thấy thì người ta bắt. Bây giờ cứ ai có tiền mà thích thì mặc, không như ngày xưa."
Hiện nay, xã Yên Nghiệp có khoảng 200 khung dệt với 168 thành viên, mỗi năm sản xuất được hơn 50 nghìn sản phẩm, phục vụ nhu cầu người dân trong địa bàn và một số tỉnh thành lân cận. Nắm bắt được nhu cầu của người dân và thị trường, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Lục Nghiệp Thành đã ra đời, vừa tạo công ăn việc làm cho bà con, vừa bán sản phẩm thổ cẩm của địa phương ra thị trường.
Bà Dương Thị Bin, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Lục Nghiệp Thành, cho biết: "Nghề dệt thổ cẩm mai một lâu lắm rồi nhưng đến lúc thành lập Hợp tác xã, chúng tôi đã tìm kiếm thị trường. Tuy lúc đó thị trường chưa rộng lắm và chỉ phục vụ nhu cầu tại địa phương và đến các tỉnh lân cận, như: Thanh Hóa, Điện Biên, Sơn La, và mẫu mã hàng của chúng tôi vẫn làm theo mẫu cũ nhưng thấy bà con vẫn ưa chuộng. Sau đó, chúng tôi cải tiến dần dần, thiết kế những mẫu mã đa dạng, phù hợp theo từng địa phương. Hiện nay, tuy sản phẩm của chúng tôi chưa được đưa xuất khẩu ra nước ngoài nhưng trong tỉnh và các tỉnh lân cận rất ưa chuộng hàng sản phẩm thổ cẩm thêu tay của địa phương chúng tôi."
Từ khi tham gia Hợp tác xã, cuộc sống của hội viên được nâng lên rõ rệt thu nhập cũng ổn định hơn. Đó là cảm nhận của bà Đinh Thị Mây, ở xóm Lục, xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình: "Làm nghề này nó có thu nhập ổn định hơn cho gia đình. Tôi chỉ mong muốn là Nhà nước quan tâm để cho bà con có công ăn việc làm ổn định, lương ổn định hơn, bà con đỡ vất vả hơn."
Từ những sợi chỉ rực rỡ sắc màu cùng sự tảo tần của phụ nữ Mường đã tạo nên những họa tiết hoa văn độc đáo, giàu triết lý nhân sinh quan. Những cỏ cây, hoa lá, linh vật... gắn bó với cuộc sống người Mường nơi vùng cao đã vào từng tấm vải thổ cẩm, trở thành nét văn hóa đặc sắc của bà con xứ Mường ở Hòa Bình.