(VOV5) - Lễ cúng mừng lúa mới được xem là dịp lễ quan trọng của trong năm của người M'Nông.
Lễ cúng lúa mới là phong tục lâu đời của các dân tộc sống trên dải Trường Sơn- Tây Nguyên nhằm tôn vinh hạt thóc của thần linh (Yang) ban cho dân làng và cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và gia đình sung túc. Trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7, năm 2019 tại tỉnh Đắk Lắk đã tái hiện Nghi lễ cúng lúa mới của người M’nông Gar mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị và hấp dẫn.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong đời sống tâm linh của người M'Nông, lễ cúng mừng lúa mới được xem là dịp lễ quan trọng của trong năm. Trong quan niệm của người M’Nông, thần Lúa là linh hồn của mọi vật, là vị thần đáng tôn thờ nhất. Nghi lễ được tổ chức trọng thể nhằm tôn vinh hạt thóc của (Yang) ban cho dân làng và tập tục cúng các vị thần linh như: cúng trời đất, các thần sông suối, thần núi, thần mưa, thần sấm, thần mùa màng để cầu cho mưa thuận gió hòa. Vào dịp tổ chức nghi lễ cúng mừng lúa mới, người M’Nông trang trí kho lúa bằng các loại cây hoa, được làm từ những que tre vót thành nhiều cành tượng trưng hình bông lúa, gọi là “Hừn du”.
Trình diễn nghi lễ cúng lúa mới của người M' Nông. Ảnh VOV. VN |
Theo cách nghĩ mộc mạc của người M’Nông, với cách trang trí này có thể hấp dẫn, lưu giữ hồn lúa ở trong kho. Trước khi tổ chức lễ cúng, mọi người trong buôn chuẩn bị các lễ vật gồm: cây nêu, 3 ché rượu cần, 1 con gà, 1 con heo, bếp lửa....; các đồ dùng hằng ngày và dụng cụ lao động sản xuất; các giống lúa, hạt giống cây trồng được thu hoạch từ trên nương rẫy. Nghi lễ diễn ra gồm 2 phần: lễ cúng thần linh thực hiện tại cây nêu và lễ cúng lúa mới, cúng sức khỏe cho gia chủ thực hiện tại kho lúa. Lễ cúng mừng lúa mới được tổ chức tại một khoảng sân rộng. Cả cộng đồng bon làng ai cũng tự nguyện tham gia, đóng góp lúa gạo, lễ vật cho chủ lễ để mừng lúa mới.
"Mở đầu là lễ cúng là nghi thức cúng thần linh. Ngay sau đó là lễ cúng Lúa mới và cúng sức khỏe cho già làng ngay tại kho lúa. Kết thúc lễ cúng, thầy cúng mời già làng, bà con và mọi người cùng ăn, uống rượu cộng cảm, kể chuyện, vui đùa, chúc nhau mừng lúa mới… cùng tiếng cồng chiêng và những điệu hát suốt ngày, thâu đêm."
Dựa trên ý nghĩa nghi lễ cộng đồng này, trong dịp lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm nay, cùng với các hoạt động trình diễn nhạc cụ dân tộc, trình diễn nghề đúc chiêng đồng, Sở Văn hóa Thể Thao và du lịch tỉnh Đắk Lắk đã mời các nghệ nhân đến từ xã Đắk Phơi, huyện Lắk trình diễn các nghi thức của lễ cúng lúa mới. Hoạt động này nhằm bảo tồn nét văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung và đồng dân tộc M”nông sinh sống trên địa bàn tỉnh Đăc Lắk nói riêng.
Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, đây là một điểm nhấn tạo nên sự đa dạng trong các hoạt động trình diễn văn hóa độc đáo dịp lễ hội. "Một trong những điểm nhấn của hoạt động hưởng ứng lần này đó là việc trình diễn nghi lễ cúng lúa mới của người Mnông gar. Trong thời gian qua các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tập trung vào hoạt động cấp chiêng, cấp trang phục và tổ chức các lớp dạy đánh chiêng nhưng việc phục dựng nghi lễ cúng lúa mới của người Mnông gar thì đã từ rất lâu rồi chưa được thực hiện nên lần này chúng tôi quyết định chọn để tái hiện lại nghi lễ cúng lúa mới của người Mnông gar tại xã Đắk Phơi, huyện Lắk.
Lễ mừng lúa mới và Hội đua voi- bản sắc văn hóa của người M'Nông gar.- Ảnh Dân Việt |
Cũng trong dịp Lễ hội cà phê năm nay, tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Hội voi Buôn Đôn năm 2019. Tại đây, du khách đã được trải nghiệm nhiều hoạt động hấp dẫn. 15 chú voi dưới sự điều khiển điêu luyện của các nài voi đã tham gia diễu hành tại lễ hội và các hội thi voi chạy, voi đá bóng, thi trang điểm cho voi …
Theo Ban tổ chức, Lễ hội cúng mừng lúa mới của đồng bào M’nông gar và Hội đua voi được tổ chức trong dịp Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuật 2019 không chỉ tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết các dân tộc anh em trên địa bàn, mà còn góp phần nâng cao ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc.