(VOV5) - Những điệu múa dân gian, múa tín ngưỡng, những lễ hội truyền thống huyền bí tạo cho du khách cảm giác như trở về nơi cội nguồn của dân tộc.
Dân tộc Tày thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái là dân tộc có dân số đông nhất trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam với khoảng 1,6 triệu người sống tập trung tại các miền núi phía Đông Bắc. Ở tỉnh Hà Giang, dân tộc Tày chiếm khoảng 25% dân số trong tỉnh. Trải qua thời gian, đồng bào dân tộc Tày ở Hà Giang vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang.
Người Tày ở xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, Hà Giang - Ảnh: baohagiang |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong các dân tộc sinh sống ở tỉnh Hà Giang, cộng đồng dân tộc Tày chiếm số đông với khoảng 170 nghìn người. Người Tày sống thành các bản ở ven các thung lũng, triền núi thấp vùng thượng du, nơi có nguồn nước suối trong mát. Mỗi bản có khoảng 15 đến 20 nóc nhà, nhiều bản có tới hàng trăm nóc nhà.
Nhà truyền thống của người Tày là nhà sàn, người Tày thường chọn những loại gỗ quý để dựng nhà. Nhà có 2 hoặc 4 mái lợp ngói, tranh hoặc lá cọ. Xung quanh nhà thưng ván gỗ hoặc che bằng liếp nứa. Người Tày sống chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp và có nhiều kinh nghiệm trong thâm canh, thủy canh trong sản xuất lúa nước; ngoài ra còn trồng lúa khô, hoa màu, cây ăn quả... chăn nuôi theo hình thức thả rông là chủ yếu; người Tày rất nổi tiếng nghề dệt thổ cẩm, các nghề thủ công gia đình như sản xuất nông cụ, làm đồ gỗ, đồ gốm.
Về trang phục, người Tày được nhận dạng qua các bộ trang phục màu chàm, áo cánh ngắn bên trong, áo dài bên ngoài và hầu như không có họa tiết thêu thùa. Mặc dù không cầu kỳ, nhiều màu sắc, những chiếc áo chàm của người Tày giản dị thể hiện nét đẹp duyên dáng, nhẹ nhàng của người phụ nữ Tày; tính cách ôn hòa, nhã nhặn của chính bản thân họ.
Người Tày ở Hà Giang hiện vẫn lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc thể hiện qua các lễ hội truyền thống và cả một kho tàng văn học về các loại truyện thần thoại, truyện cổ, truyện thơ, dân ca... đặc biệt là nghệ thuật hát then đàn tính. Đàn tính là loại nhạc cụ có mặt trong tất cả những sinh hoạt văn hoá tinh thần của đồng bào Tày. Nó như linh hồn trong nghệ thuật dân ca dân vũ Tày. Bao đời nay đàn tính như một phương tiện giao tiếp với thần linh và có mặt trong các lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc Tày.
Trong cuộc sống người Tày vẫn duy trì những phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt mang bản sắc riêng của dân tộc mình. Các lễ hội như: Lễ hội Lồng Tồng hay còn gọi là Hội xuống đồng tổ chức vào dịp đầu năm; Lễ hội cầu trăng tổ chức vào rằm tháng 8 âm lịch hàng năm;… là những lễ hội độc đáo, thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của họ.
Ông Nguyễn Văn Nam, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian của tỉnh Hà Giang cho biết: “Cứ mối dịp xuân về trong tiết se lạnh của đất trời cũng là lúc diễn ra lễ hội Lồng Tồng của người Tày thu hút từ người già đến trẻ em. Mọi người đều ăn mặc đẹp nô nức đi trảy hội . Đây là nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày, gắn liền với sản xuất nông nghiệp trồng trọt. Lễ hội là nơi gửi gắm mong ước của con người cầu cho mưa thuận gió hòa , cây lúa trên nước luôn trĩu bông mang lại vụ mùa tươi tốt. Đây là một trong những lễ hội giàu bản sắc của dân tộc Tày”.
Người Tày ở Hà Giang hiện vẫn lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, đặc biệt là nghệ thuật hát then đàn tính - Ảnh: zing |
Ở một thôn vùng thấp của xã Phương Độ, cách trung tâm thành phố Hà Giang chứng 6 km có hai bản Tha và bản Hạ Thành mang đậm nét bản sắc văn hóa của người Tày Hà Giang. Đây là hai bản người Tày còn lưu giữ được khá nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tại đây có gần 200 nếp nhà sàn giữ nguyên vẻ nguyên sơ, nằm cạnh con Suối Tiên quanh năm nước chảy trong lành. Khung cảnh non nước hữu tình cùng với cuộc sống dân dã của người Tày bản địa là địa điểm cuốn hút dấu chân du khách khi khám phá vùng đất này. Đây cũng là kết quả trong chính sách của địa phương nhằm lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày. Ông Nguyễn Xuân Diệu Bí thư Đảng ủy xã Phong Độ thành phố Hà Giang, cho biết: “Để bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Tày thì Đảng bộ, chính quyền đã chủ trương bảo tồn phát huy các nét đẹp văn hóa của dân tộc Tày đổng thời cũng đưa vào các chuỗi sự kiện hoạt động văn hóa kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước của dân tộc”.
Đến với bản Tha và bản Hạ Thành du khách có dịp dược hòa mình vào cuộc sống bình yên của bản làng dân tộc Tày. Những nhà sàn làm dịch vụ homestay ở hai bản Tha và Hạ Thành đều có wifi, có hướng dẫn viên người địa phương dạy cách chế biến các món ăn truyền thống của người Tày. Qua ô cửa nhà sàn là những đồi cọ, cánh đồng lúa thoáng mát. Khi màn đêm buông xuống, du khách có thể nghỉ ngơi trong nhà sàn của người dân tộc. Trong ánh lửa bập bùng ấm cúng, du khách sẽ có dịp được chủ nhà hát lại bài hát then với tiếng đàn tính dặt dìu. Những điệu múa dân gian, múa tín ngưỡng, những lễ hội truyền thống huyền bí tạo cho du khách cảm giác như trở về nơi cội nguồn của dân tộc. Cuộc sống mới ở bản làng của người Tày ở xã Phương Độ là minh chứng rõ nét sự đổi thay trong cuộc sống của người Tày ở mảnh đất Hà Giang.