Cúng sức khỏe là một trong những lễ quan trọng với người Êđê. Trong cuộc đời mỗi người, tùy vào điều kiện gia đình và sự thành công của bản thân, người Êđê có thể có từ 5 đến 7 lần cúng sức khỏe. Người nào càng thành công và càng có địa vị thì con vật hiến sinh trong lễ cúng càng có giá trị, trong đó có giá trị nhất là con trâu hoặc bò.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Khi những chiếc chiêng đã được treo lên dàn, rượu cần được buộc vào các cây cột lễ giữa gian chính ngôi nhà dài và được châm đầy nước, các món ăn vừa chín tới còn nóng hổi. Con vật hiến sinh đã làm thịt xong và mâm lễ vật đã được bày biện đầy đủ. Tiếng chiêng trống vang lên rộn rã thay cho lời mời gọi mọi người nhanh chân bước tới gian khách ngôi nhà dài. Ấy là lúc lễ cúng sức khỏe của người Êđê Dham chính thức bắt đầu.
Thầy cúng làm lễ, đeo vòng đồng cho gia chủ
|
Người được làm lễ cúng sức khỏe là ông Y Ring Adrơng (thường gọi là ama Bi), ở buôn Tring 2, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Ông Y Ring ADrơng nguyên là Trưởng ban Dân tộc tỉnh, nay ông đến tuổi nghỉ hưu nên được gia đình làm lễ cúng sức khỏe như một sự chúc phúc khi ông bước sang giai đoạn mới trong cuộc đời. Vì là người có địa vị nên con vật hiến sinh trong lễ cúng sức khỏe của ông Y Ring là một con trâu đực và 5 ché rượu cần lớn.
Ông Y Ring Adrơng cho biết: "Đây là lần thứ 2 tôi được cúng sức khỏe bằng trâu như thế này. Tùy theo từng vùng, có những vùng người ta có cúng bò nữa nhưng vùng tôi lại không cúng bò, heo rồi đến trâu luôn. Nếu như xưa kia đồng bào còn ở nhà dài thì có nhiều hộ một năm người ta có thể làm 1-2 lần nhưng hiện nay 1 gia đình 1 hộ nếu có điều kiện thì đúng ra một năm 1 lần cũng được. Nếu có điều kiện thì mỗi thành viên đều làm riêng, bố, mẹ, con cái. Nhưng mà khi làm các lễ lớn thế này thì con cái tụ tập đông đủ. Như hiện tại gia đình tôi thì khoảng 2 năm hoặc 3 năm làm một lần. Lần này tổ chức cúng trâu, đây cũng là lần thứ 2 tôi làm trâu, cũng mong mọi người trước hết là có sức khỏe dồi dào, con cái chăm ngoan, kinh tế ổn định, cuộc sống tốt hơn".
Theo truyền thống của người Êđê, trước khi làm lễ cúng với con trâu, người được làm lễ phải trải qua các lần làm lễ cúng lần lượt với gà và heo, gồm một con gà và một ché rượu cần, một con gà và 3 ché rượu cần, một con heo và 3 ché rượu cần hay một con heo và 5 ché rượu cần. Trong mỗi lễ cúng, nhất là lễ cúng với heo hoặc trâu, bò, người Êđê sẽ mời đông đủ anh em họ hàng trong dòng tộc cùng dự lễ để chung vui với gia đình. Theo ông ama Tít, thầy cúng ở buôn Tring 2, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tính cộng đồng và tín ngưỡng vạn vật hữu linh đã tồn tại từ rất lâu trong văn hóa của người Êđê. "Gia đình nào khá giả có điều kiện, cuộc sống sung túc có của ăn của để thì họ sẽ làm lễ cúng với các con vật hiến sinh từ gà, heo, bò rồi đến trâu đều được. Đây là một nghi thức mang ý nghĩa tâm linh cầu mong các thần tiếp tục che chở, bảo bọc cho gia đình luôn được khỏe mạnh, hòa thuận, hạnh phúc, con cái hiếu thuận, làm ăn ngày càng phát triển, trồng cây được tốt tươi, mùa màng bội thu. Khi khấn cúng thì cầu khấn các thần núi, thần đất, thần nước, thần sông. Gia chủ ở vùng nào thì khấn mời các thần linh ngự tại vùng đó về dự lễ và xin được phù hộ" - ông nói.
Để chuẩn bị cho lễ cúng sức khỏe của ông Y Ring, cả gia đình đã tụ họp các anh em dòng họ bên nhà vợ để bàn bạc, chọn ngày lành tháng tốt, phân công công việc cho từng thành viên, mời thầy cúng và các anh em họ hàng ở các buôn. Đồng thời chuẩn bị sẵn những ché rượu ngon được ủ kỹ từ trước đó nhiều tháng, tìm mua con trâu đực như ý để làm lễ vật.
Các thành viên trong dòng tộc đeo vòng đồng và tặng quà cho người được làm lễ
|
Từ chiều hôm trước, các chị em trong dòng họ đã có mặt để chuẩn bị nguyên liệu nấu các món ăn truyền thống. Một nhóm nam thanh niên khỏe mạnh phụ trách khâu mổ thịt heo và trâu, xẻ thịt và chuẩn bị mâm lễ vật cúng. Một nhóm khác phụ trách công đoạn chặt tre, buộc rượu và treo chiêng.
Lễ vật được chuẩn bị gồm có miếng trầu têm sẵn đặt trong chén đồng, chăn thổ cẩm, vòng đồng, áo, khố thổ cẩm. Do lễ cúng với 5 ché rượu nên có thêm 5 chén thịt và 5 chén đồng đựng đầy rượu cần. Lễ vật đặt trang trọng ở vị trí vuông góc với mặt tường phía đông ngôi nhà dài, sát với ché rượu quý nhất và to nhất trong buổi lễ. Đây cũng là vị trị thầy cúng sẽ ngồi làm lễ, khấn mừng sức khỏe cho gia chủ với những lời cầu chúc bình an, sức khỏe. Theo ông Aê Khoa, ở buôn Tring 2, phường An Lạc, Thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, rượu đựng trong ché càng quý thì càng thể hiện sự giàu có và bề thế của gia chủ. "Theo phong tục làm lễ cúng sức khỏe cho người cao tuổi hay là đối với những gia đình, dòng họ có điều kiện, khá giả thì trước tiên phải làm lễ cúng cho tổ tiên, ông bà, những người đã khuất trước, rồi sau đó mới tới nghi lễ cúng sức khỏe cho chủ lễ, có thể cúng với trâu đực và 5ché rượu cần hoặc trâu đực và 7 ché rượu cần. Nếu nhà nào có điều kiện khi làm lễ cúng sức khỏe người ta sẽ cột ché Tuk trước (loại ché quý nhất và có giá trị nhất của người Êđê) tại vị trị cột nêu đầu tiên dùng để mời gọi các thần. Nếu có điều kiện thì 2-3 cái ché Tuk cũng được. còn đối với gia đình mà ít có điều kiện hơn thì dùng ché Tang hoặc ché Bô hay ché Ba Theng" - ông chia sẻ.
Nghi lễ diễn ra gồm 3 phần trên nền tiếng chiêng tiếng trống rộn rã. Trước hết là cúng cho các thần linh, ông bà tổ tiên và những người đã khuất, thông báo và mời họ về dự lễ cùng gia chủ. Phần lễ thứ 2 là lễ cúng cho người được cúng sức khỏe. Lễ vật cúng gồm một con heo, 5 bầu đựng nước, 5 chén đồng chứa đầy rượu và 5 chiếc vòng đồng tương ứng với 5 ché rượu cần. Thầy cúng đọc lời khấn cầu chúc sức khỏe và đeo 5 chiếc vòng đồng vào cổ tay người được làm lễ. Phần lễ thứ 3 là lễ mừng cho người được cúng sức khỏe bằng trâu. Nhịp chiêng vang lên, thầy cúng đọc lời khấn chúc mừng cho gia chủ và người được làm lễ, các thành viên trong dòng họ cũng lần lượt đeo vòng đồng và tặng quà mừng cho người được làm lễ như lời chúc phúc, cầu may mắn cho chủ lễ và gia đình của họ. Kết thúc phần lễ, mọi người cùng nhau chung vui và uống lần lượt tất cả các ché rượu được cột ở các cột lễ.
Ông Y Bhiâo Mlô (aê Miêo), ở buôn Tring 2, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ kể: "Làm lễ này cho gia chủ là người cao tuổi trong gia đình thì làm lễ với con trâu đực và 5 ché rượu cần, huyết trâu được dùng để bôi lên các cột nêu buộc ché như một sự đánh dấu lễ vật dâng lên để báo cho các thần linh được biết, ông bà tổ tiên cũng nhìn vào đó để biết và cũng là một sự thông báo để các luôn xa buôn gần biết được là hôm nay gia chủ làm lễ cúng với con trâu. Do đó người ta đánh dấu cả lên 5 cột lễ buộc 5 ché rượu".
Khi mặt trời sắp lặn, những ché rượu cần đã nhạt, ấy là khi lễ cúng mừng sức khỏe đi đến hồi kết thúc. Trước khi ra về, cả khách khứa lẫn những người anh em trong dòng tộc đều được chia một phần thịt nhỏ gói trong bằng lá chuối để đem về.
Ngoài ý nghĩa về sự tôn vinh và thể hiện tình cảm, sự quý trọng của gia chủ đối với họ hàng, dòng tộc, lễ cúng sức khỏe của người Êđê còn là sự thể hiện sự giàu có, sung túc, ăn nên làm ra trong mỗi gia đình theo phong tục đã có từ lâu của người Êđê. Bà H Lil Mlô (aduôn Phúc), ở buôn Tring 2, phường An Lạc, Thị xã Buôn Hồ cho biết: "Tùy vào điều kiện kinh tế của gia chủ và phải đến độ tuổi nhất định thì người Êđê mới làm lễ cúng mừng sức khỏe. Người Êđê từ 60 tuổi hoặc 70 tuổi trở lên, hoặc những người đang công tác trong các cơ quan nhà nước từ 50 tuổi trở lên thì có thể làm lễ cúng sức khỏe bằng con trâu để cầu mong sự khỏe mạnh, thành đạt. Lễ cúng này có ý nghĩa đặc biệt thể hiện sự sung túc của gia chủ, gia đình hạnh phúc, vợ đảm con ngoan, trâu bò đầy đàn, nhà cao cửa rộng, ruộng rẫy nhiều, vị thế giàu có. Như vậy mới có thể cúng với heo thiến hoặc bò hoặc trâu".
Mỗi lễ cúng sức khỏe được tổ chức cũng là dịp để các thành viên trong dòng tộc được quây quần, gặp mặt, hỏi thăm nhau. Trong lễ cúng, việc khấn gọi thần linh và tưởng nhớ tổ tiên và những người đã khuất, cầu mong sự phù hộ cho gia đình và dòng tộc luôn dồi dào sức khỏe, làm ăn khấm khá hơn và gặp nhiều may mắn, bình an trong cuộc sống cũng là một cách để người Êđê luôn nhớ về nguồn cội mình. Đây là một phong tục đẹp của người Êđê nhánh Dham ở buôn Tring, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ nói riêng và người Êđê ở Đắk Lắk nói chung còn được lưu giữ cho đến tận ngày nay.