Độc đáo trang phục của người Pa Dí

(VOV5) - Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ còn là của hồi môn khi người con gái Pa Dí đi lấy chồng. Ngày nay, bộ trang phục này chỉ xuất hiện trong các dịp hội hè, lễ Tết.

Người Pa Dí là một nhóm địa phương của dân tộc Tày. Ở Lào Cai, dân tộc Pa Dí có khoảng 2.000 người, sinh sống chủ yếu tại các xã vùng cao thuộc huyện Mường Khương. Trang phục nữ giới của người Pa Dí là một trong những bộ y phục độc đáo với những họa tiết hoa văn cùng sắc màu tươi mới, gắn liền với núi rừng, sông suối nơi đồng bào sinh sống.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Ấn tượng nhất trong trang phục của người Pa Dí là chiếc mũ đội đầu. Người Pa Dí có cả một truyền thuyết về chiếc mũ đội đầu của phụ nữ. Tương truyền, xa xưa người Pa Dí vì không muốn sống xa con cháu, nên tất cả gia đình, họ hàng cùng chung sống trong một mái nhà lớn. Sau này, khi con cháu ngày một đông, con cái tách ra ở riêng. Để thể hiện ý thức nhớ về cội nguồn, về bố mẹ, dòng tộc, người Pa Dí lấy hình tượng mái nhà sáng tạo ra chiếc mũ truyền thống của dân tộc mình.

Chị Pờ Xín Phúc, ở xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương cho biết: "Cái mũ tượng trưng như một ngôi nhà ấm cúng của mình và đó luôn là 1 nét đẹp riêng và đặc trưng hơn cho từng dân tộc."

Mũ được làm từ vải lanh dệt thủ công. Phụ nữ Pa Dí với đôi tay khéo léo đã lắp ghép, phết hồ sáp ong nhiều lượt để tạo độ cứng cho vải, sau đó gấp thành hình mái nhà. Phần vòng tròn để đội đầu được làm rất kỳ công với những hạt bạc trắng được đính theo hình sin. Những hạt bạc này là hình ảnh ước lệ, tượng trưng cho hạt ngô, hạt gạo và sự no đủ. Mặt sau của mũ cũng có một khuôn bạc hình chữ nhật, được chạm khắc hình cây cối và chim muông. Người Pa Dí gọi chiếc mũ này là “Khùn Tằng”.

Độc đáo trang phục của người Pa Dí - ảnh 1Trang phục truyền thống của phụ nữ Pa Dí. Ảnh: baodantoc.vn
Ngoài chiếc mũ độc đáo, theo chị Pờ Xín Phúc, trang phục nữ giới của người Pa Dí là 1 trong những bộ y phục độc đáo. Với chất liệu vải tự dệt, màu chủ đạo là xanh chàm, điểm màu xanh lá mạ và màu đen, áo phụ nữ Pa Dí may ngắn kiểu xẻ nách, cúc cài bên phải. Điểm nổi bật là mảng trang trí hoa văn bằng những chiếc cúc bạc nhỏ xíu đính liền nhau tạo thành đường chéo từ cổ áo xuống ngang hông.

Chiếc váy dài đến mắt cá chân thiết kế gần giống váy của người Thái. Choàng ra ngoài váy là chiếc tạp dề cùng màu. Nẹp và gấu tạp dề có đường viền màu trắng, hoà với khoanh vải màu trang trí ở tay áo, tạo sự hài hoà cân đối cho trang phục. Chị Pờ Xín Phúc rất vinh dự, tự hào khi khoác lên mình bộ trang phục của dân tộc vào những dịp lễ."Tôi rất vui khi khoác trên mình bộ trang phục đẹp là công sức của các bà, các cô bởi làm ra nó rất cầu kỳ, phải mất rất nhiều thời gian mới có thể làm được 1 bộ trang phục đẹp như vậy." Để tạo bộ y phục rực rỡ sắc màu với bố cục, đường nét, mô típ hoa văn, phụ nữ Pa Dí sáng tạo vận dụng kỹ thuật thêu với 2 thủ pháp chính là thêu và ghép vải, tạo ra những mẫu hoa văn phong phú, nhiều màu sắc, khiến người nhìn có cảm giác như các hoa văn luôn biến đổi. Nghệ nhân Pờ Zin Chín lý giải:"Trang phục phải có màu này, màu kia thì mới đẹp. Đen, xám  màu vàng, xanh lá cây. Nhiều màu. Nếu không thì không phải áo Pa Dí."   

Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ còn là của hồi môn khi người con gái Pa Dí đi lấy chồng. Ngày nay, bộ trang phục này chỉ xuất hiện trong các dịp hội hè, lễ Tết.

Với giá trị và nghệ thuật thêu trang trí trên trang phục, năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Pa Dí là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác