(VOV5) - Khắp“xống khươi, tỏn pạư” sâu lắng ngọt ngào, ý nghĩa nhân văn là vậy. Có lẽ vì thế mà điệu khắp này được bà con người Thái Sơn La lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Phong tục của người Thái Sơn La trước đây, người con trai đi lấy vợ, thường phải ở rể bên nhà gái ít nhất cũng từ 2 đến 7 năm, mới được phép đón dâu về. Hiện nay tuy không còn tục lệ này nữa, nhưng trong lễ cưới, bà con vẫn giữ được phong tục “khắp xống khươi, tỏn pạư” (tức là hát tiễn rể, đón dâu). Đây cũng là nét đặc sắc trong đời sống văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở tỉnh Sơn La.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trước khi diễn ra bữa tiệc cưới chính thức, mỗi bên gia đình cô dâu, chú rể đã nhờ “ po xứ, me lam” (mai mối), trong đó có “ lam nhinh, lam trai” (ông mối, bà mối) là những người đại diện cho mình để thay lời, hát đối đáp nhau. Người đại diện hát đối đáp không phân biệt tuổi tác, nam nữ, miễn sao người đó có tài giao tiếp, hát hay. Tuy nhiên, những bài hát phải có câu, vần theo đúng trình tự, cung bậc. Tất cả đều diễn ra tại mâm cỗ ngày cưới trong nếp nhà sàn của người Thái, với sự chứng kiến, chúc phúc của đông đảo khách quý, quan viên, họ hàng 2 bên gia đình.
Ông Cầm Vui, dân tộc Thái, nghệ nhân ưu tú, ở tiểu khu 2, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, là người đã từng tham gia làm mai mối cho hàng chục đám cưới “khắp xống khười” ( hát tiễn rể) cho biết: Đầu tiên là “khắp xống khươi” ( hát tiễn rể). Mai mối đưa rể về ra mắt nhà gái, bên nhà trai sẽ cất lên câu khắp (hát) từ tốn trước thay cho lời chào hỏi ân cần, tốt đẹp nhất tới quan viên, họ hàng gia đình nhà gái. Sau đó, mai mối 2 bên sẽ bắt đầu nhập cuộc khắp. Khắp về từ ngày người mẹ mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, công ơn sinh thành của cha mẹ, con gái lớn lên biết thêu thùa khăn piêu dệt vải, trai lớn biết tự đi khắp bản trên, mường dưới để tìm người thương và trời se duyên gặp được người mình ưng ý.
Hát mừng dâu rể tại một hộ gia đình ở Sơn La. Nguồn: VOV |
Chủ yếu, bên nào cũng hát đối đáp hết sức khiêm nhường, khen ngợi nhau qua câu hát có cánh:
"Cảm ơn cha mẹ, họ hàng nhà gái đã vui mừng đón nhận tình cảm của nhà trai. Được sự đồng ý của nhà gái, mà nhà trai mới có lời lẽ xin phép được cầu hôn. Từ đây xin được làm rể hiền của gia đình, làm người chồng thuỷ chung, lúc nằm xin được đắp chung chăn với vợ, xin được phơi chung quần áo trên một sà. Về làm rể nhưng còn nhiều điều chưa biết, có lớn mà chưa có khôn. Từ đây xin gửi lại con rể cho bố mẹ và trăm sự nhờ bố mẹ, họ hàng nhà gái dạy bảo mới lớn khôn…"
Đến ngày đón dâu, là “ Khắp tỏn pặư”-hát đón dâu. Để đáp lại tình cảm của nhà trai, mai mối đại diện nhà gái cũng không chút ngần ngại để thốt lên những lời ca tiếng hát làm say lòng người tại gia đình nhà trai. Nhà gái thường hát xin gia đình nhà trai bắc thang để đón cô dâu lên nhà sàn. Được phép lên nhà rồi, lại hát tiếp để chính thức trao gửi cô dâu cho nhà chồng. Nghe nhà gái trình bày, nhà trai đáp lời để đón nhận dâu hiền trong niềm vui, hạnh phúc của 2 bên gia đình; đón nhận những món quà cưới cô dâu trao tặng cho ông bà, bố mẹ, chú bác thân thích của chú rể. Những món quà cưới gọi là “ Chương khá” (quà lưu niệm), thường là đôi chăn, đệm, gối thổ cẩm, chiếc khăn piêu đội đầu do chính bàn tay của cô dâu thêu dệt nên từ hồi còn là thiếu nữ thể hiện tình cảm quý báu, kính trọng công ơn sinh thành, nuôi nấng của ông bà, cha mẹ bên nhà chồng, phần nào nói lên sự khéo tay hay làm của người phụ nữ Thái. Bố mẹ cô dâu sẽ căn dặn con gái ở lại phải chăm chỉ làm ăn, chăm lo cho gia đình. Đoàn nhà gái chính thức nói lời cảm ơn và xin phép ra về.
Nghệ nhân ưu tú Cầm Vui thể hiện một đoạn hát đón dâu mà ông thường hát trong các đám cưới ở Sơn La: "Hôm nay, nhà gái cùng gồng gánh chăn đệm ( quà cưới) về nhà chồng, vượt qua biết bao đèo cao, suối sâu, rừng núi mới tới được bản. Về đến bản, mới thấy bao điều mới lạ, bản làng no ấm đẹp tươi, nhà cao cửa rộng, phiên chợ đông vui. Đến nhà rồi, chờ bố chồng mở cửa đón râu thảo, mong mẹ chồng xuống thang dắt con lên. Chờ cả họ hàng cô dì chú bác nhà trai cùng mở cổng, bắc thang lên. 9 bậc cầu thang làm bằng gỗ lát thơm để cô dâu bước lên nhà sàn. Về làm dâu nhà chồng, mong mọi sự dạy bảo để xứng danh dâu hiền, rể thảo của gia đình."
Sau mỗi bài hát đối đáp, người khắp sẽ xin phép dừng lại ít phút để mời mọi người trong tiệc cưới cùng nâng chén rượu nồng chúc mừng bài hát, chúc mừng hạnh phúc trăm năm cho đôi uyên ương. Cứ như vậy, cuộc “ trổ tài khắp” giữa mai mối của đại diện 2 bên gia đình cô dâu, chú rể lại tiếp tục diễn ra không kể thời gian. Họ có thể hát thâu đêm, suốt sáng đối đáp nhau mà không hề thấy mệt mỏi. Chị Cà Thị Hoan, một nghệ nhân am hiểu về văn hoá Thái ở Sơn La, cho biết:
"Từ hồi nhỏ, tôi đã được nghe và đi theo cha mẹ, các cô, các chú đi làm mai làm mối và hát “xống khươi, tỏn pạư”. Nên tôi đã hiểu phần nào về phong tục tập quán, nét đẹp văn hoá của dân tộc Thái. Tới đây tôi sẽ tự tìm hiểu và mạnh dạn tập hát, tập làm mai mối, trong đó có khắp “xống khươi, tỏn pạư” của dân tộc mình."
Khắp“xống khươi, tỏn pạư” sâu lắng ngọt ngào, ý nghĩa nhân văn là vậy. Có lẽ vì thế mà điệu khắp này được bà con người Thái Sơn La lưu truyền qua nhiều thế hệ.